Thanh Hóa: Nhiều huyện miền núi bị cô lập do mưa lũ

Tính đến ngày 31/8, nhiều huyện miền núi Thanh Hóa vẫn bị cô lập do nước lũ dâng cao, tình trạng mưa lũ diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương và người dân đang gồng mình chống chọi.

Mưa lớn kéo dài nhiều ngày kết hợp với Nhà máy thủy điện Trung Sơn xả lũ, gây ra thiệt hại lớn về tài sản và hoa màu của người dân trên nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa.

Nước lũ dâng cao trên các sông đã xảy ra ngập lụt ở nhiều nơi

Tính đến ngày 31/8, tại trạm thủy văn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, mực nước sông Mã đã vượt mức báo động 3 và đang tiếp tục dâng cao, diễn biến phức tạp, đe dọa đến nhiều địa phương và hàng nghìn hộ dân sinh sống hai bên bờ sông.

Trên địa bàn huyện Quan Hóa, mưa lớn đã làm 8 nhà dân bị sập đổ hoàn toàn, 3 điểm trường bị sạt lở, nhiều nhà dân bị ngập nước, một số tuyến giao thông bị đất đá vùi lấp. Tại các bản thuộc Trung Sơn, Trung Thành, Thành Sơn hoàn toàn bị cô lập.

Tình trạng sạt lở đất trên các tuyến đường gây ách tắc giao thông

Chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Quan Hóa đã thành lập đoàn công tác xuống các xã để chỉ đạo công tác di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn.

Tại Quan Sơn, mưa lớn nhiều ngày cũng khiến cho các tuyến quốc lộ 217, 16 bị sạt lở đất, dẫn đến nhiều xã trên địa bàn huyện giao thông bị chia cắt. Huyện cũng đã có phương án di dời các hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ quét, lũ ống để đảm bảo không bị thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều ngôi nhà bị ngập sâu trong nước lũ, phải di dời người dân khẩn cấp

Tại huyện Bá Thước, do nước sông Mã dâng cao khiến giao thông ra vào hai cửa ngõ thuộc trị trấn Cành Nàng bị chia cắt hoàn toàn; trên địa bàn xã Lâm Xa mực nước dâng cao từ 1,5 đến 2m, gây ngập lụt. Chính quyền địa phương đã đặt biển cấm cảnh báo các phương tiện qua lại trong khu vực bị ngập nước trên địa bàn huyện.

Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Bá Thước phối hợp với chính quyền các xã di dời gần 200 hộ với hàng trăm nhân khẩu đến khu vực an toàn.

Người dân phải dùng thuyền để vào ngôi nhà mình đang sinh sống.

Còn tại huyện Mường Lát, một xã biên giới xa nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua. Tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở nghiêm trọng, cáp quang viễn thông bị đứt không liên lạc được từ mạng di động đến điện thoại cố định.

Tại huyện Cẩm Thủy, nước lũ lên nhanh khiến trang trại lợn 1.100 con của ông Dương Khắc Lam, trú tại thôn 3, xã Cẩm Ngọc nằm ven đê sông Mã bị ngập sâu 2m, gia đình phải thuê hàng trăm người tham gia cứu lợn giữa dòng nước lũ.

Hàng trăm người dân trên địa bàn huyện Cẩm Thủy giúp chủ trang trại cứu hộ đàn lợn lên bờ.

Ngày 31/8, tuyến giao thông huyết mạch của hai huyện Quan Hóa và Mường Lát gần như bị cô lập hoàn toàn. Người dân và phương tiện tham gia giao thông đã không thể di chuyển lên, xuống được tại hai địa phương này và phải dùng bằng thuyền, bè để đi lại.

Trước những diễn biến phức tạp về mưa lũ sạt lở, ngập lụt trên địa bàn toàn tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn đã phát Công điện số 30, phát lệnh báo động III trên sông Mã, sông Bưởi và báo động II trên sông Lèn. Yều cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân.

Tuyên đường bị ngập lụt được chính quyền địa phương làm gác chắn cảnh báo

Kiểm tra rà soát và có phương án đảm bảo an toàn cho các tuyến đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Tổ chức tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các diễn biến để sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Xuân Sơn

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/thanh-hoa-nhieu-huyen-mien-nui-bi-co-lap-do-mua-lu-post21897.html