Thanh Hóa: Ô nhiễm do xăng dầu, hàng chục hộ dân 'khát nước'

Trong đợt nắng nóng cao điểm hiện nay, tại xã Công Bình (Nông Cống) hàng chục hộ dân vẫn đang phải sống trong tình cảnh 'khát nước', hàng ngày gồng gánh đi xin nước sinh hoạt do nguồn nước chính bị nhiễm xăng.

Giếng khoan ở nhà ông Nguyễn Văn Tình đào đến 40m vẫn không sử dụng được, do nước bị nhiễm xăng.

Câu chuyện xảy ra tại một vùng quê nghèo khó, đã hơn 40 năm trôi qua, hơn 40 hộ dân thôn Yên Ninh (xã Công Bình) luôn phải sống trong cảnh lay lắt vì thiếu nước sinh hoạt. Đặc biệt trong thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều hộ vẫn phải hàng ngày mang vật dụng xin nước để dùng.

Theo tìm hiểu, những hộ dân trên sống quanh khu vực đồi K6 – nơi trước kia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là trạm trung chuyển xăng dầu. Trong những năm đó, không quân Mỹ không ngừng tiến hành các đợt công kích, ném bom B52 tàn phá kho xăng, theo thời gian hàng chục nghìn khối xăng dầu rò rỉ, ngấm vào lòng đất, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân nơi đây. Hiện nay, khu vực kho xăng được phủ lên màu xanh của cây cao su.

Thôn Yên Ninh hiện có 42 hộ, trong đó có trên 12 hộ nằm trên đất nhiễm xăng nặng nhất, không dùng được nguồn nước (trong đó có cả người dân xã Yên Mỹ, Nông Cống).

Đất canh tác sản xuất cũng bị ảnh hưởng, váng xăng nổi lên lềnh bềnh, không sản xuất được.

Theo lời một số hộ dân của thôn, trước đây có vài hộ tranh thủ đào ao, nuôi cá, một thời gian sau, không con nào sống sót, bởi nguồn nước nhiễm xăng rất nặng. Có những hộ thử đào giếng để dùng, nhưng cả khi đào tận 40 – 50m, vẫn không dùng được, dòng nước nổi lên nhiều váng dầu và mùi xăng rất nồng. Rất nhiều giếng được đào lên, đến nay đều bỏ không. Người dân vẫn cặm cụi hàng ngày mang xô, đồ dùng sang xóm khác để xin nước, tắm giặt...

Gia đình bà Vũ Thị Sen, người thôn Yên Ninh chịu ảnh hưởng nặng nhất do nguồn nước nhiễm xăng, bà cho hay đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ ngày máy bay Mỹ ném bom phá tan đồi K6, toàn bộ kho xăng trong các đường ống vỡ vụn, âm ỉ chảy trong lòng đất suốt nhiều thập kỷ qua. Cũng đã bao lần, bà Sen cũng không nhớ rõ, gia đình luôn sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Vào mùa nắng nóng, nguồn nước khan hiếm, gây khó khăn cho sinh hoạt của các thành viên trong gia đình.

Không chỉ riêng bà Sen, gia đình ông Nguyễn Văn Tình, người dân xã Yên Mỹ (Nông Cống), cũng rơi vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”, trong nhiều năm, gia đình đã đào rất nhiều lần giếng, nhưng không sử dụng được, nước sau khi đào lên nổi váng dầu, bốc mùi. Có lần gia đình mạnh dạn khai phá miếng đất bên cạnh nhà để trồng lúa, nhưng không sử dụng được, do nước bị nhiễm xăng. Cực chẳng đã, ông Tình đành sử dụng máy bơm, lắp ống, kéo nước hơn 1km từ nhà hàng xóm về dùng.

Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng thôn Yên Ninh cho biết: “Phần lớn các hộ nằm trong khu vực kho xăng đều không có nước sinh hoạt để dùng, thực tế những hộ này phải lấy nước từ các nơi về ăn, nước múc lên từ giếng khoan thậm chí không giặt giũ được. Khu đất bị nhiễm xăng không thể trồng lúa, hoa màu.

Đến nay, toàn thôn chưa hộ nào được sử dụng nước sạch, có chăng chỉ dùng nguồn nước hợp vệ sinh, ông Quý cho biết thêm.

Trao đổi với ông Đinh Xuân Dùng, Chủ tịch UBND xã Công Bình, PV được biết, thời gian qua xã đã gửi nhiều văn bản, kiến nghị đến các cơ quan chức năng, tìm hướng giải quyết, trước mắt xã tập trung vận động, tuyên truyền bà con xây bể, lắng nước mưa. Đồng thời, tiến hành di dời các hộ dân bị ảnh hưởng đến khu vực khác sinh sống. Theo ông Dùng, để làm được việc này không hề dễ dàng.

“Trước tình hình một số hộ dân bị ảnh hưởng do nguồn nước nhiễm xăng, chúng tôi đã có văn bản trình các sở, ngành phương hướng xử lý, trước mắt vận động người dân xây dựng các bể chứa nước mưa, dùng dần. Huyện cũng đang lên kế hoạch thanh thải hết đất ra, thanh lọc phần nhiễm xăng dầu, chi phí khá tốn kém.” Ông Lê Hồng Tới, Phó phòng TNMT huyện Nông Cống, chia sẻ.

Có một thực tế, dù có chính sách hay không về giải quyết tình hình nước nhiễm xăng, mấy chục năm qua, hơn 40 hộ dân thôn Yên Ninh đang phải sống lay lắt do thiếu nguồn nước sinh hoạt. Họ vẫn phải tự thân vận động, tìm mọi cách có nước để dùng.

Lê Trung

Nguồn TH&PL: http://thuonghieuvaphapluat.vn/thanh-hoa-o-nhiem-do-xang-dau-hang-chuc-ho-dan-khat-nuoc-104025