Thanh Hóa: Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, động lực mới cho sự phát triển

Với sự phát triển tốt về cơ sở hạ tầng như: Cảng hàng không Thọ Xuân, đường Hồ Chí Minh, QL47, 47B, 47C, đường nối Khu kinh tế Nghi Sơn... đang thúc đẩy tiềm năng phát triển tại các khu vực đô thị, khu chức năng đặc thù. Việc quy hoạch xây dựng (QHXD) vùng huyện Thọ Xuân đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2070 được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt là động lực mới cho sự phát triển của huyện Thọ Xuân.

Việc được phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân sẽ là động lực mới cho sự phát triển.

Huyện Thọ Xuân là mảnh đất màu mỡ cho đầu tư phát triển kinh tế, kéo theo đó cần có sự đồng bộ thống nhất về mặt hạ tầng kỹ thuật (HTKT) và hạ tầng xã hội (HTXH) để gắn kết với các quy hoạch đô thị, quy hoạch các khu chức năng đặc thù và QHXD nông thôn mới, từ đó làm cơ sở cho các ban, ngành dễ triển khai các quy hoạch, kế hoạch hành động, thu hút đầu tư và quản lý thực hiện theo quy hoạch.

Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 2539/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, tầm nhìn 2070. Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Thọ Xuân (gồm 38 xã, 03 thị trấn). Quy mô dân số hiện trạng đến năm 2018 khoảng 220.625 người; đến năm 2030 dân số khoảng 260.000 người (trong đó dân đô thị hóa khoảng 195.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 75%); đến năm 2040, dân số khoảng 320.000 người (tỷ lệ đô thị khoảng 240.000 người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 80%).

Đất dân dụng đô thị và phát triển hạ tầng: Đến năm 2030 đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, đến năm 2040 đạt tiêu chuẩn đô thị loại II; là vùng tăng trưởng xanh phát triển kết hợp công - nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, du lịch, cảnh quan sinh thái và văn hóa lịch sử, hình thành vùng trọng điểm công - nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, phát triển kinh tế - xã hội mang tính chất động lực lan tỏa, giao thoa giữa đồng bằng, trung du và khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa với nhiều đầu mối quan trọng.

Qua đó, tạo ra định hướng phát triển không gian vùng trên cơ sở địa hình tự nhiên, hiện trạng tổ chức không gian phát triển vùng thành mô hình “Hai vành đai ba vùng phát triển”.

Vành đai số 01 là vành đai phát triển đô thị tạo bởi các trục hiện có, gồm: Trục số (1): Đường Hồ Chí Minh vừa là đường cao tốc quốc gia vừa là trục phát triển đô thị và trục đối ngoại của đô thị Lam Sơn – Sao Vàng và của vùng huyện; Trục số (2): QL47 hiện tại nắn tuyến tại ngã ba Xuân Thắng chạy qua sông Chu tại phía Nam xã Xuân Bái là hành lang kinh tế Đông - Tây của tỉnh; Trục số (3): QL47B (Cảng hàng không Thọ Xuân đi Ninh Bình) và đường cảng hàng không Thọ Xuân đi Nghi Sơn, vừa là trục liên kết vùng với vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh (Nghi Sơn), vừa là trục phát triển và kết nối nội vùng. Trục số (4): Đường QL47C và đường Tỉnh lộ 515 dọc hai bên sông Chu, là trục Đô thị hóa – Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của vùng.

Vành đai số 02 là vành đai liên kết sinh thái: Tạo bởi hai trục gồm: Trục số (5): Đường Tỉnh lộ 506B (Xuân Lam - TT. Vạn Hà): Nối các vùng nông nghiệp sinh thái, vùng di tích lịch sử, văn hóa và cảnh quan vùng tả ngạn sông Chu; Trục số (6): Đường tạo mới kết hợp đường tỉnh 506D (Minh Sơn - Thọ Minh) qua sông Chu tại cầu Lược kết nối các vùng nông nghiệp sinh thái tả ngạn và hữu ngạn sông Chu.

Hai vành đai nêu trên kết nối 03 phân vùng kiểm soát phát triển chính của vùng huyện gồm vùng Lam Sơn – Sao Vàng, vùng tả ngạn sông Chu, vùng hữu ngạn sông Chu và vùng đệm dọc 2 bên sông Chu.

Phân vùng Lam Sơn - Sao Vàng: Phát triển theo quy hoạch chung đô thị Lam Sơn – Sao Vàng được duyệt và vùng núi phía Nam thuộc các xã Xuân Thắng, Xuân Phú, có quy mô diện tích khoảng 105,6km2, là khu vực đô thị động lực với các chức năng phát triển công - nghiệp công nghệ cao, đô thị và dịch vụ, du lịch, đầu mối hạ tầng kỹ thuật quan trọng như giao thông đường bộ, cảng hàng không.

Phân vùng Đông hữu ngạn sông Chu: Là phân vùng sinh thái phía hữu ngạn sông Chu, có quy mô diện tích khoảng 75,3km2 gồm vành đai phát triển đô thị dọc các trục QL47B, QL47C (với hạt nhân là thị trấn Thọ Xuân và các khu vực phát triển đô thị Neo, Tứ Trụ) và vùng nông nghiệp – nông thôn về phía Đông - Đông Nam. Phát triển dịch vụ - thương mại, công nghiệp vừa và nhỏ phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp năng suất, chất lượng với các sản phẩm thế mạnh là cây lương thực (lúa), cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản.

Phân vùng tả ngạn sông Chu: Là phân vùng sinh thái phía tả ngạn sông Chu, có quy mô diện tích khoảng 93,8km2 gồm khu vực đô thị Bắc sông Chu (với hạt nhân là các đô thị Xuân Lai, Xuân Lập, Phố Đầm, Vạn Lại) và vùng nông nghiệp – nông thôn bao quanh vành đai kết nối phía tả ngạn sông Chu; Phát triển nông nghiệp với các mô hình trang trại theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng cao, với các sản phẩm thế mạnh là cây công nghiệp, chăn nuôi đại gia súc và thủy sản; Phát triển dịch vụ du lịch văn hóa - lịch sử và sinh thái.

Hà Chi

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/thanh-hoa-quy-hoach-xay-dung-vung-huyen-tho-xuan-dong-luc-moi-cho-su-phat-trien.html