Thanh Hóa: Sản xuất công nghiệp quý 1 bật tăng 20%

Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quý 1/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tích cực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng sản xuất công nghiệp năm 2024 từ 14,9% trở lên.

Bước sang năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp từ 14,9% trở lên.

Theo đó, lĩnh vực đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của tỉnh, quý 1/2024 là hoạt động sản xuất của ngành dệt may Thanh Hóa đã có nhiều khởi sắc khi đơn hàng quay trở lại với số lượng lớn. Ước quý 1/2024, sản lượng của ngành dệt may tăng 6,3%, xuất khẩu tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có được kết quả đó là nhờ các doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí, linh hoạt tìm kiếm thị trường. Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp dệt may đã có đủ đơn hàng đến hết quý 2/2024 và đang tăng tốc sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới, tạo đà cho tăng trưởng của cả năm 2024.

Ngoài ra, theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng trưởng mạnh và chiếm tỷ trọng chi phối như: Điện sản xuất, clinker, dầu mỡ bôi trơn, thuốc lá bao, giấy bìa các loại... và hoạt động sản xuất tăng công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sau bảo dưỡng, đã góp phần bù đắp và giá trị gia tăng công nghiệp lớn so với cùng kỳ...

Về phía các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh cũng đã chủ động tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tìm kiếm thị trường mới. Nhờ vậy, trong quý 1/2024 đã có 19/25 sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Việc sản lượng đạt cao ngay từ đầu năm đã đem lại tín hiệu tích cực, tạo động lực để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong những tháng tiếp theo.

Bước sang năm 2024, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu giá trị gia tăng công nghiệp từ 14,9% trở lên. IIP tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện đang vận hành với công suất 117% sau khi hoàn thành bảo dưỡng lần đầu, hầu hết cơ sở sản xuất lớn như xi măng, thép... vẫn đang hoạt động thấp hơn công suất thiết kế.

Đặc biệt, một số dự án công nghiệp đang trong lộ trình hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2024 như: Nhà máy xi măng Đại Dương 2, dây chuyền sản xuất thép Nghi Sơn số 2, Nhà máy khung tranh Intco Việt Nam, Nhà máy sản xuất lốp COFO và các dự án may mặc được dự kiến đóng góp 2,2% điểm tăng trưởng của ngành công nghiệp.

Tuy đã có dấu hiệu tăng trưởng tích cực, nhưng những biến động về giá cước vận tải đang ảnh hưởng lớn đến nguồn cung, chi phí, giá cả nguyên vật liệu đầu vào và thị trường xuất khẩu trong những tháng tới. Các doanh nghiệp cần linh hoạt, dự báo đúng thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất.

Ngành Công thương Thanh Hóa cũng đang tiếp tục rà soát, đánh giá khả năng sản xuất của từng nhóm, ngành hàng để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Lan Anh

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thanh-hoa-san-xuat-cong-nghiep-quy-1-bat-tang-20-d47378.html