Thanh Hóa: Sụt lún bất thường trong khu dân cư

Vào khoảng 11h30 ngày 1/5/2018, tại thôn Hà Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) xuất hiện hai tiếng nổ lớn âm trong lòng đất khiến nhiều ngôi nhà rung lên và tạo thành lỗ thủng lớn ngay giữa khuôn viên của một hộ dân. Đoàn công tác thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) và Sở TNMT Thanh Hóa đã về nghiên cứu, nhưng đến nay chưa đưa ra kết luận.

Người dân thôn Hà Lương hoang mang trước hiện tượng nhà cửa bị lún nứt ngày càng nghiêm trọng.

Như hai xe đâm vào nhau

Ông Nguyễn Xuân Dũng, trú thôn Hà Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc nhớ lại: Trưa ngày 1/5, khi gia đình ông đang ăn cơm thì nghe thấy hai tiếng nổ lớn như tiếng hai chiếc xe ô tô đang chạy với vận tốc cao và đâm trực diện vào nhau. Tiếng nổ bất thường khiến 4 căn nhà của ông Dũng rung lên bần bật. Sau đó, ông Dũng chạy ra thì thấy khoảnh sân nằm chính giữa hai ngôi nhà xuất hiện đám đất vồm lên rộng khoảng 2m vuông. Tưởng mọi chuyện bình thường, nhưng đến ngày thứ ba kể từ hôm xuất hiện tiếng nổ, cả nhà lớn, nhà bếp của hộ ông Nguyễn Xuân Dũng đều bị rạn nứt.

Trước hiện tượng thiên nhiên bất thường, gia đình ông Dũng phải dọn toàn bộ đồ đạc chuyển đi nơi khác ở nhờ suốt gần hai tháng trời. Cuộc sống tạm bợ dẫn tới nhiều bất tiện nên gia đình ông Dũng đành thu dọn đồ đạc quay trở về sinh sống trong những căn nhà đang rạn nứt.

Ông nói: “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng đã về khảo sát sớm đưa ra kết luận về nguyên nhân gây nên hiện tượng sụt lún. Thực sự tính mạng, tài sản của người dân đang bị đe dọa. Chúng tôi có tiếp tục sinh sống an toàn được không, hay phải di dời? Đây cũng chính là sự lo lắng chung của cả làng Hà Lương”.

Cũng như nhà ông Dũng, ngôi nhà mái bằng của gia đình ông Lữ Trọng Hồng, cách nhà ông Dũng khoảng 50m đang bị nứt. Ông Hồng cho biết: Vào một đêm cách đây khoảng nửa tháng, ông nghe thấy tiếng rắc rắc. Sáng ra ông phát hiện góc tường và trần nhà đang bị xé ra.

“Giờ mỗi ngày các vết nứt cứ há to dần ra. Không chỉ nhà tôi, nhà ông Dũng mà nhà của ông Trần Văn Bình, ông Nguyễn Bá Tân, nhà bà Chung cũng đang bị nứt. Tôi thấy hoang mang hơn khi cái ao đằng sau chưa bao giờ thấy nước tụt nhiều nước thế này. Năm nay, đang mùa mưa mà nước tụt khoảng 50cm, trong khi trước đây chỉ vào mùa đông ao mới cạn”.

Cần kết luận chính xác

Sự việc lún nứt bất thường ở thôn Hà Lương đã được Bộ TNMT, Sở TNMT Thanh Hóa khảo sát. Tại văn bản số 2841/STNMT-TNKS do ông Nguyễn Minh Châu, Phó giám đốc Sở TNMT Thanh Hóa ký ngày 18/5/2018 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa cho thấy: Đoàn mỏ - địa chất trực thuộc Sở TNMT Thanh Hóa phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND xã Vĩnh Thành đã tiến hành kiểm tra, khảo sát tại hiện trường khu vực sụt lún. Tại thời điểm kiểm tra, sân gạch nhà ông Nguyễn Xuân Dũng xuất hiện vết nứt dài 3,5m, rộng 1cm, về chiều sâu có sụt lún 2-3 cm, nền đất mềm, dùng thanh sắt xuyên sâu 3,7m thì gặp đất cứng. Khu nhà ở chính tại đầu hồi, gian số một, số 2 có nhiều vết nứt khác nhau, dài 0,6-2,5m, rộng 0,1-0,2mm; nhà ngang nằm cách nhà chính 2,5m, tại bức tường trước và tường hậu cũng xuất hiện vết nứt. Ngoài ra, tại gia đình ông Trần Văn Bình, tường gạch hồi nhà cũng xuất hiện các vết nứt tương tự.

Sở TNMT Thanh Hóa nhận định: Nền địa chất tại đây là do các thành tạo trầm tích sinh hóa của hệ tầng Bắc Sơn, dưới tác động của hiện tượng kart hóa tạo ra các hang ngầm trong nền đá vôi; theo thời gian, hang ngầm kart phát triển ngày càng kéo dài và ngày càng gần bề mặt.

Khi có điều kiện thuận lợi với bề dày đủ mỏng, kết hợp với hoạt động lưu chuyển của mực nước ngầm (chủ yếu là do khai thác) với lưu lượng lớn trong thời gian ngắn, xảy ra hiện tượng mút chân không, chúng phá hủy bề mặt đá vôi và gây ra tiếng nổ nêu ở trên. Ngay sau tiếng nổ là hiện tượng nứt, vỡ và sụt lún nền móng phía trên. Do kết cấu bề mặt bị lèn chặt, kết hợp với bề dày nền đất phía trên nên chúng chưa sụt lún ngay tới bề mặt.

Dự kiến thời gian tới có thể xuất hiện hiện tượng sụt lún theo hình chum lên bề mặt và sẽ phá hủy, làm hư hỏng các công trình trên mặt đất, nếu không xử lý kịp thời.

Trên cơ sở báo cáo của Sở TNMT Thanh Hóa, ngày 24/5/2018, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký công văn số 5774/UBND-NN gửi Bộ TNMT.

Tại công văn này, UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Để đảm bảo an toàn cho các hộ dân trong khu vực, trước mắt, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo UBND huyện Vĩnh Lộc tạm thời di dời hai hộ dân nằm trong phạm vi ảnh hưởng, lập rào chắn xung quanh hố sụt lún.

Tuy nhiên, để tìm hiểu nguyên nhân chính xác, kịp thời khắc phục vết sụt, lún đất đảm bảo đời sống sinh hoạt bình thường của người dân trước mắt cũng như lâu dài, UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo và đề nghị Bộ TNMT cử đoàn công tác kiểm tra, xác định nguyên nhân và chỉ đạo xử lý hiện tượng sụt lún đất nêu trên.

Tiếp đó, Bộ TNMT đã cử đoàn cán bộ khoa học của Viện địa chất và khoáng sản về xã Vĩnh Thành thực hiện đo sâu dưới lòng đất. Nhưng đoàn cán bộ đo bằng phương pháp đo ra-đa với độ sâu chỉ khoảng hơn 10m. Trong khi khu việc này sét nhiều nên đo ra-đa gặp hạn chế. Theo tìm hiểu, được biết sau khi đo đạc, khảo sát, hiện đoàn cán bộ khoa học của Viện địa chất và khoáng sản đã hoàn thành dự thảo kết luận.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng như người dân vùng ảnh hưởng đang rất nóng lòng, mong muốn sớm nhận được văn bản trả lời chính thức. Bên cạnh đó, do phương pháp đo ra-đa còn hạn chế nên tỉnh Thanh Hóa cũng đã trao đổi với Bộ TNMT, đề nghị tiếp tục thực hiện việc khảo sát lại hiện tượng bằng phương pháp đo địa vật lý thì mới đo sâu, xác định chính xác được nguyên nhân.

Anh Tuấn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/thanh-hoa-sut-lun-bat-thuong-trong-khu-dan-cu-tintuc411918