Thanh Hóa: Thiệu Hóa quan tâm công tác trùng tu tôn tạo di tích

Với 314 di tích, trong đó có 44 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích cấp quốc gia và 38 di tích cấp tỉnh; 32 di sản văn hóa phi vật thể, trong những năm qua, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) luôn quan tâm đến công tác trùng tu tôn tạo di tích và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Việc truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống cũng được huyện quan tâm và đã có những chuyển biến tích cực.

Thiệu Hóa là vùng quê có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời, là huyện có nhiều di sản văn hóa có giá trị như: Di chỉ Khảo cổ học Núi Đọ (nơi phát hiện ra sự sống của người Việt cổ), đền thờ Lê Văn Hưu (nhà sử học đầu tiên của Việt Nam), đền thờ Đinh - Lê Lễ, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quang Minh, Dương Tam Kha, Trần Lựu... là những danh nhân, võ tướng lỗi lạc trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Song song với sự tồn tại các di sản văn hóa vật thể là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể cũng là một kho tàng văn hóa quý báu đã và đang tồn tại trên địa bàn toàn huyện như: lễ hội truyền thống, tập quán, trò chơi, trò diễn, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, chữ viết, ngành nghề truyền thống... Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích văn hóa đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng nhiều giải pháp thiết thực. Nhờ đó nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp, di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ thất truyền, quên lãng đã được quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục dựng, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện và các địa phương.

Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương được trùng tu, tôn tạo xứng tầm.

Về thăm Khu Di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương, làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến - nơi diễn ra hội nghị thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện Thiệu Hóa, một trong ba chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa, thấy rõ khu di tích ngày càng được tỉnh đầu tư xây dựng xứng tầm. Khu di tích được nhiều năm tôn tạo lại với nhiều hạng mục, đó là năm 2012, nhà thờ đã được tôn tạo với các hạng mục gồm nhà tiền tế, hậu cung và nhà truyền thống với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Năm 2017, tiếp tục phục dựng lại ngôi nhà cổ và tu bổ, tôn tạo lại một số hạng mục của di tích với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng.

Ông Hoàng Đình Quế - Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Tiến cho biết: Hàng tháng các em học sinh, người dân đến quét dọn vệ sinh sạch sẽ và ngày càng có nhiều bạn trẻ đến để tìm hiểu về quá trình hình thành của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện, của tỉnh. Không chỉ người dân địa phương mà đặc biệt nhiều năm qua, huyện Thiệu Hóa thường xuyên quan tâm tổ chức cho các đối tượng học lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về Đảng đến tham quan tại di tích. Từ năm 2014, di tích lịch sử cách mạng nhà thờ họ Vương đã được đưa vào chương trình ngoại khóa của học sinh. Đây là việc làm thiết thực giúp cho thế hệ trẻ hiểu và tự hào nhiều hơn về truyền thống cách mạng của quê hương.

Cách nhà thờ họ Vương không xa là cụm di tích cách mạng Yên Lộ, gồm 3 hạng mục công trình: Đình, chùa, nghè Yên Lộ, có vai trò quan trọng đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân địa phương xã Thiệu , huyện Thiệu Hóa. Cụm di tích cách mạng Yên Lộ có giá trị về nhiều phương diện, đây là những di tích tiêu biểu - những bằng chứng sống ghi nhận và chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử cách mạng của Đảng bộ, nhân dân huyện Thiệu Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Chùa có từ thời Lý, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Nhật (1930 - 1945), chùa là nơi Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức họp bí mật và là nơi nhiều chiến sỹ cách mạng qua lại hoạt động. Cách đó không xa là nghè Yên Lộ nằm ở chân núi, được xây dựng từ thời Lý, cách làng 300m về phía tây Bắc. Nghè có diện tích 500m2, lợp ngói, gỗ lim được chạm trổ hoa văn cầu kỳ. Năm 2018 nghè Yên Lộ được phục hồi, tôn tạo xây dựng với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng, tỉnh hỗ trợ 700 triệu, còn lại là công tác xã hội hóa. Hiện nay cụm di tích đã và đang được quan tâm trùng tu, tôn tạo cho xứng tầm.

Theo thống kê của huyện Thiệu Hóa, trên địa bàn huyện có 314 di tích, trong đó có 44 di tích đã được xếp hạng, gồm 6 di tích cấp quốc gia và 38 di tích cấp tỉnh. Trong những năm qua, huyện Thiệu Hóa luôn quan tâm đến công tác trùng tu tôn tạo di tích và đã có những chuyển biến tích cực. Việc lập hồ sơ trùng tu, tôn tạo di tích trong những năm gần đây được các cấp, chính quyền quan tâm; nhân dân ủng hộ. Huyện cũng đã triển khai lập dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp nhiều di tích; đã hoàn thành gồm: Di tích cách mạng nhà ông Lê Công Thanh xã Thiệu Toán; di tích địa điểm cuộc khởi nghĩa Thiệu Hóa thị trấn Vạn Hà, đình làng Đắc Châu xã Thiệu Châu, nghè Yên Lộ xã Thiệu Vũ, Nhà thờ Họ Vương xã Thiệu Tiến, nhà thờ Nguyễn Lệnh Tân xã Thiệu Nguyên, đền thờ Nguyễn Quang Minh thị trấn Vạn Hà...

Không chỉ quan tâm bảo tồn các di tích, di sản văn hóa vật thể mà công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể, cũng như truyền dạy sáng tạo nghệ thuật truyền thống cũng được huyện quan tâm. Một số loại hình di sản đã và đang duy trì, phát huy có hiệu quả như: Hát chèo (xã Thiệu Nguyên, xã Thiệu Công); đánh bài điếm (thôn Lam Vỹ, xã Thiệu Vũ); hát chầu văn (thôn Phác Đồng, xã Thiệu Công). Đặc biệt nhắc đến Thiệu Hóa là nhắc đến nhiều làng nghề nổi tiếng, như nghề đúc đồng truyền thống làng Trà Đông (xã Thiệu Trung); nghề ươm tơ dệt nhiễu làng Hồng Đô (xã Thiệu Đô); nghề làm bánh đa làng Đắc Châu (xã Thiệu Châu)...

Ông Trần Ngọc Tùng - Phó phòng VHTT huyện cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nhiệm vụ quan trọng nhất thời gian tới đó là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức của người dân về công tác bảo tồn. Bên cạnh nguồn kinh phí của tỉnh, cũng cần phải đẩy mạnh công tác xã hội hóa; đặc biệt chú trọng đến vai trò của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn của huyện.

Phương An

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-thieu-hoa-quan-tam-cong-tac-trung-tu-ton-tao-di-tich-74792