Thanh Hóa thời Lý

Năm 1009, được sự trợ giúp đắc lực của Thiền sư Lý Đạo Hạnh, Chi nội hầu Đào Cam Mộc và bách quan trong triều, Lý Công Uẩn lên ngôi tại kinh đô Hoa Lư, khai sáng vương triều Lý. Tháng Bảy năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn (tức Vua Lý Thái tổ) cho dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là thành Thăng Long.

Đền Đồng Cổ được xây dựng tại quận Tây Hồ, Hà Nội dưới thời Vua Lý Thái tông. Ảnh: Lê Dung

Dưới hai triều đại Đinh (968-980) và Tiền Lê (980-1009), miền đất Ái Châu kề cận Hoa Lư có vai trò là tường thành, là phên dậu phía Nam của Kinh đô Hoa Lư. Ái Châu lại là quê hương của Lê Đại Hành Hoàng đế. Trong các thư tịch cổ khi chép về miếu Lê Đại Hành Hoàng đế “ở xã Trung Lập, huyện Thụy Nguyên” thường chép là, cơ chỉ cũ của tiên tổ nhà vua hay nhà cũ của vua... sau nhân đấy lập miếu. Có thể coi, Ái Châu là miền đất căn bản, là chỗ dựa của hai triều đại Đinh - Tiền Lê trong khoảng bốn thập niên cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.

Nhà Lý định đô ở Thăng Long, Ái Châu ở xa trung tâm đất nước, không còn vị thế là vùng đất kề cận, căn bản của vương triều. Do đó, ngay trong đợt xếp đặt các đơn vị hành chính đầu tiên dưới triều Lý vào năm 1010, Ái Châu (châu yêu quý, châu đáng yêu) đã được đặt là Trại, với ý nghĩa dùng để chỉ nơi xa xôi, kém phát triển, chứ không phải đơn vị hành chính như lộ hoặc trấn... sau này. Dù vậy, nhân kiệt của linh địa Ái Châu lại chính những người trợ giúp đắc lực nhất cho vương triều Lý ngay từ buổi đầu. Đó là Đào Cam Mộc (người Yên Định) có công tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế; là Lê Phụng Hiểu (người Hoằng Hóa) có công dẹp “loạn Tam vương” tôn phò Thái tử Phật Mã lên nối ngôi chính thống. Đặc biệt, thần linh Ái Châu luôn âm phù, trợ giúp triều đình mỗi khi hữu sự. Thần Đồng Cổ báo mộng cho Thái tử Phật Mã đánh thắng quân Chiêm Thành (năm 1020), rồi báo mộng về việc Tam vương làm phản (năm 1028)... cho thấy miền đất Ái Châu có quan hệ đến sự tồn vong của vương triều Lý đến dường nào. Sau khi lên ngôi (1028), Vua Lý Thái tông xuống chiếu cho dựng miếu để thờ. Theo lệ, hàng năm vào ngày 25 tháng 3 (sau đổi là mùng 4 tháng 4), các quan phải đến tuyên thề trước đền, đọc lời thề rằng: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Thần Đồng Cổ còn được vua Lý bao phong là “Thiên hạ minh chủ thần”, tước vương.

Có lẽ, sau hàng loạt sự kiện trọng đại diễn ra liên quan đến người Ái Châu, đất Ái Châu, nhận thức của Vua Lý Thái tông về vai trò của Ái Châu đối với vương triều Lý ngày càng sâu sắc hơn. Vì vậy, năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Thiên Thành thứ 2 (1029), Vua Lý Thái tông đã cho đổi địa danh Ái Châu thành Thanh Hóa với mong muốn cái đức của người dân hóa thành thanh cao, trong sáng, cuộc sống của người dân an lành, thanh bình khi nhận được đức hóa của triều đình.

Trong 6 thập niên đầu thế kỷ XI, xu hướng cát cứ của thế lực hào trưởng địa phương còn khá mạnh, đặc biệt là ở những miền đất xa Kinh đô như Ái Châu - Thanh Hóa. Chính sử ghi chép trong khoảng 50 năm, từ sự kiện năm 1011 (người ở Cử Long, tức Cẩm Thủy ngày nay nổi dậy) đến năm 1061 (người ở Ngũ Huyện giang nổi dậy) có tổng cộng 6 lần vua nhà Lý hoặc Thái tử phải thân chinh vào Ái Châu - Thanh Hóa. Từ sau năm 1061 trở đi, tình hình chính trị - xã hội ở Thanh Hóa khá yên bình. Nền kinh tế phát triển, đời sống tinh thần phong phú trên nền tảng tư tưởng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian địa phương.

Từ những thập niên cuối thế kỷ X, dưới triều Tiền Lê, nhiều chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp đã được Vua Lê Đại Hành cho triển khai trên địa bàn Ái Châu đến thời Lý vẫn phát huy được hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp. Dưới thời Lý, lỵ sở của Thanh Hóa được chuyển từ Tư Phố (làng Giàng, nay thuộc TP Thanh Hóa) về Duy Tinh (nay thuộc xã Văn Lộc, Hậu Lộc) đã tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp. Ngoài ra, Duy Tinh cũng là đầu mối kết nối giao lưu văn hóa giữa các vùng miền ở Thanh Hóa và giao lưu, tiếp xúc với bên ngoài. Nếu như trước đây: “Làng Giàng trên chợ dưới sông; vui người, vui cảnh đến không muốn về” thì sau khi lỵ sở chuyển về Duy Tinh đã tạo cho nơi đây trở thành “một thị trấn lớn, phiên thuyền hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền, chợ một tháng sáu phiên... thật là chốn phồn hoa đô thị”.

Đời sống tư tưởng, tinh thần của người Thanh Hóa thời Lý vô cùng phong phú. Tục thờ Thần đã khá phổ biến ở làng xã. Những vị Phúc thần được người dân làng xã thờ phụng có nguồn gốc xuất thân khác nhau, trong đó Nhân thần thời Lý khá nhiều. Tiêu biểu như Nguyễn Tuyên được thờ ở Bảng Môn đình (xã Hoằng Lộc, Hoằng Hóa); Thánh Bưng (Lê Phụng Hiểu) được thờ ở Hoằng Sơn (Hoằng Hóa); Thái úy Tô Hiến Thành tương truyền có 72 đền thờ ở Thanh Hóa; Hoàng tử Lý Nhật Quang được thờ ở Nội Tý (Hoằng Minh, Hoằng Hóa); Thái úy Việt Quốc công Lý Thường Kiệt cũng được nhiều làng, xã phụng thờ; làng Thanh Nga (Hoằng Trinh, Hoằng Hóa) thờ một vị tùy tướng của Lý Thường Kiệt là Hoàng Văn Thành...

Hệ tư tưởng Phật giáo đã trở thành quốc giáo thời Lý. Ở Thanh Hóa, chùa chiền được xây dựng khá nhiều, tư tưởng Phật giáo ảnh hưởng khá sâu đậm trong đời sống tư tưởng của người Thanh Hóa thời bấy giờ.

Theo tài liệu hiện có, hiện trên địa bàn Thanh Hóa còn lưu giữ được 4 văn bia thời Lý là Minh Tịnh tự bi văn (niên đại 1090); An Hoạch sơn Báo Ân tự bi ký (niên đại 1100); Sùng Nghiêm Diên Thánh tự bi minh (niên đại 1118) và Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi (niên đại 1126). Nội dung các văn bia ca ngợi cảnh trí thiên nhiên, hoằng dương Phật pháp, ca ngợi công đức của những người hảo tâm hưng công xây dựng hoặc trùng tu chùa. Đặc biệt, trong một vài văn bia ca tụng công lao sự nghiệp của Thái úy Lý Thường Kiệt trong khoảng trên dưới 20 năm ông trấn trị Thanh Hóa, ví như bia Ngưỡng Sơn Linh Xứng tự bi đã ca ngợi công đức của ông như sau:

“Thái úy trong lòng thì sáng suốt khoan hòa, ngoài thì nhân từ giản dị. Những việc đổi dời phong tục, nào có quản công. Làm việc thì siêng năng, sai bảo dân thì ôn hậu, cho nên dân được nhờ cậy. Khoan hòa giúp đỡ quần chúng, nhân từ yêu mến mọi người, cho nên nhân dân kính trọng. Dùng oai vũ để trừ bọn gian ác, đem minh chính để giải quyết ngục tụng; cho nên hình ngục không quá lạm. Thái úy biết dân lấy no ấm làm đầu, nước lấy nghề nông làm gốc, cho nên không để lỡ thời vụ. Tài giỏi mà không khoe khoang, nuôi dưỡng cả đến người già ở nơi thôn dã, cho nên người già nhờ đó mà được yên thân. Phép tắc như vậy có thể gọi là cái gốc trị nước, cái thuật yên dân, sự tốt đẹp đều ở đấy cả”.

Lý Thường Kiệt, nguyên tên là Ngô Tuấn, thuộc dòng dõi Ngô Vương Quyền, sinh trưởng ở Thăng Long, nhưng ông đã có gần 20 năm gắn bó với Thanh Hóa (1082-1101). Sự nghiệp lẫy lừng của Lý Thường Kiệt ở Thanh Hóa là một trong những yếu tố củng cố, kết nối mối thiện duyên, lương duyên giữa xứ Thanh với Thăng Long trải ngàn năm lịch sử.

Vĩnh Kiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tim-hieu-990-nam-danh-xung-thanh-hoa/thanh-hoa-thoi-ly/100577.htm