Thanh Hóa: Truy tìm nguyên nhân cá chết bất thường trên sông Mã

Trong thời gian ngắn liên tục xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng và cá tự nhiên trên sông Mã chết bất thường, không rõ nguyên nhân. Trước sự việc trên, người dân hoài nghi về nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, các cơ quan chức năng đang nỗ lực truy tìm nguyên nhân.

Sáng ngày 12/4, thông tin từ UBND huyện Bá Thước, từ ngày 15/3 đến 8/4, đã có gần 12,4 tấn cá lồng bị chết, và khoảng 380 kg các loài thủy sản tự nhiên chết vớt được. Cá lồng chết xuất hiện 4 đợt, cụ thể: Đợt 1 từ ngày 15 đến 20/3; đợt 2 vào ngày 26/3; đợt 3 vào ngày 30/3; đợt 4 từ ngày 4 đến 9/4. Cá chết tập trung ở các xã Ái Thượng, Hạ Trung, Lương Ngoại, Lương Trung, Thiết Kế, Ban Công, Thiết Ống và thị trấn Cành Nàng.

Gần 12 tấn cá chết không rõ nguyên nhân, người dân nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm

Gần 12 tấn cá chết không rõ nguyên nhân, người dân nghi ngờ nguồn nước bị ô nhiễm

Tại thị trấn Cành Nàng, chính quyền địa phương thống kê sơ bộ có 6 lồng của 5 hộ nuôi cá lồng trên sông Mã ở thôn Cành Nàng có cá bị chết với số lượng hơn 600kg. Ngoài ra có 5 lồng của hộ có ở thôn Hồng Sơn với khoảng 350kg cá chết đột ngột.

Ông Trịnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND thị trấn Cành Nàng cho biết, nhận được tin cá chết trên sông Mã, chính quyền địa phương đã cử cán bộ xuống ghi nhận thực tế, ổn định tinh thần của các hộ nuôi; đồng thời báo cáo lên cơ quan cấp trên để vào cuộc xác định nguyên nhân.

Theo ông Hùng, bước đầu kiểm tra lâm sàng, mổ khám cá nuôi tại khu vực phố 1 thị trấn Cành Nàng và xã Lâm Xa cho thấy cá không bị xuất huyết bên ngoài, mang và các cơ quan nội tạng bên trong bình thường, không có hiện tượng xuất huyết, tụ huyết bất thường, không ghi nhận dấu hiệu của bệnh nào. Còn mẫu nước có màu đen, không có tảo, thủy sản tự nhiên như cá leo, tôm, cua… cũng lác đác bị chết.

Cơ quan chức năng đang nỗ lực truy tìm nguyên nhân

Trong những ngày qua, người dân nuôi cá lồng dọc sông Mã tại huyện Bá Thước sống trong thấp thỏm lo âu, mồ hôi, công sức, tiền bạc đầu tư nuôi cá đang đứng trước nguy cơ mất trắng. Nguy hại hơn nếu dòng nước bị ô nhiễm do con người thải ra có hệ lụy vô cùng lớn đối với vùng hạ du. Ông Trần Văn Trường, thôn Giổi, xã Ái Thượng nuôi 2 lồng cá trên 200 con là nguồn thu nhập chính của cả gia đình, hơn 1 tháng qua liên tục bất lực nhìn cá nuôi chết. Số cá ít ỏi còn sống mang đi bán để vớt vát chút vốn nhưng chẳng ai mua.

Được biết, trên thượng nguồn dọc 2 bên bờ sông Mã có nhiều cơ sở chế biến lâm sản, thường xuyên dùng hóa chất ngâm ủ, chế biến luồng, bột giấy. Theo người dân nuôi cá, bình thường nước sông Mã mùa này trong xanh, nhưng từ giữa tháng 3 đến nay, nước đổi màu đen, mùi hôi tanh.

Cá nuôi chết khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh lao đao

Trước thực trạng trên, UBND huyện Bá Thước đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, rà soát các cơ sở chế biến lâm sản dọc sông Mã. Theo thông tin từ huyện Bá Thước, trên địa bàn huyện hiện có 5 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản nằm ven sông Mã (gồm 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn và 4 cơ sở chế biến luồng).

Ông Võ Minh Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết thêm: "Trước tình trạng thủy sản trên sông Mã qua địa bàn chết đột ngột, trong đó có nhiều lồng nuôi cá cũng bị ảnh hưởng khiến cuộc sống của người dân lao đao. Chính quyền địa phương đã tích cực vào cuộc hỗ trợ người dân, thống kê thiệt hại để có cơ sở giải quyết sau này. Đồng thời, huyện thành lập ngay đội liên ngành xuống tận các cơ sở có nguy cơ kiểm tra không kể ngày đêm".

Gia Hân

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-truy-tim-nguyen-nhan-ca-chet-bat-thuong-tren-song-ma-20210412103748974.htm