Thanh Hóa: Truyền đời giữ cột mốc biên cương

Gần 30 năm qua một cụ ông người dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát (Thanh Hóa) đã không ngại gian khó nơi núi rừng biên giới để bảo vệ cột mốc, nay ông đã già công việc trông coi cột mốc được giao lại cho các con của mình.

Trong căn nhà gỗ đơn sơ ở bản Suối Tút, năm nay ông Phan Định Xiết đã bước sang cái tuổi 73, nhưng dáng người vẫn mạnh khỏe, nhanh nhẹn thỉnh thoảng ông vẫn băng rừng lội suối đi thăm cột mốc như thời trai trẻ. Nói về những năm tháng luồn rừng trông coi cột mốc nơi biên giới, ông Xiết như trẻ lại: “Bố bảo vệ cột mốc G6 từ năm 1992 (nay thuộc vị trí cột mốc 287), giờ bố tuổi già sức yếu rồi không đi lại được nhiều nên đã giao lại cho con trai thứ là Phan Văn San và con cả là Phan Văn Cáu, nhưng anh Cáu là bí thư chi bộ nên bận lắm, thỉnh thoảng mới đi trông coi được, đa số dành cho anh San. Nay bố hay quên lắm, không nhớ được nhiều đâu”.

Cột mốc G6 nằm trên đỉnh đồi Poom Dưới (tiếng Thái nghĩa là đồi dưới), phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Sạn, huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Để đến được cột mốc này, phải mất gần nửa ngày đi bộ, băng qua hơn 5 km đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu.

Sau khi tuổi cao sức yếu không thể lên rừng vượt suối, ông Xiết đã giao lại việc trông coi cột mốc cho con trai Phan Văn San.

Sau khi tuổi cao sức yếu không thể lên rừng vượt suối, ông Xiết đã giao lại việc trông coi cột mốc cho con trai Phan Văn San.

Trước đây, mỗi khi đi kiểm tra nếu thấy cột mốc bị sứt mẻ, ông Xiết lại cẩn thận cất mảnh vỡ vào túi áo rồi mang về giao lại cho cán bộ biên phòng. Nhận thấy việc trông coi cột mốc là một vinh dự lớn được Tổ quốc giao cho gia đình, trong suốt gần 30 năm qua, ông Xiết nhận nhiệm vụ trông coi cột mốc biên giới mà không ngại gian khó, ngại khổ. Đều đặn mỗi tháng hai lần, cụ Xiết lại băng rừng lên thăm mốc. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của cụ Xiết là phát quang cỏ dại, kiểm tra thông tin trên cây cột mốc và ghi chép những điều bất thường để về báo cáo bộ đội biên phòng. Hành trang băng rừng của ông chỉ vỏn vẹn con dao quắm nhỏ và cơm nắm muối vừng mang ăn dọc đường.

Trong những ngày cuối đông rét buốt, ông Xiết vẫn không quên căn dặn các con lên cột mốc để tuần tra, bảo vệ cột mốc, đồng thời nắm bắt tình hình để báo cáo cho bộ đội Biên phòng Đồn Quang Chiểu. Ông Xiết chia sẻ: “Vì là cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc nên vì mọi người mình phải trông coi, rồi mọi người sẽ vì mình như Bác Hồ đã nói “tấc đất tấc vàng”, đó là nhiệm vụ hết sức nặng nề, ta cảm thấy bình thường thôi nhưng cái ý nghĩa, mức độ lại hết sức lớn lao vì nó là cột mốc thiêng của Tổ quốc. Mình nằm sát biên giới, đồn lại xa, bản làng lại ở sát cột mốc biên giới nên đồn giao cho bản trông coi nếu bị xê dịch, sứt thì sẽ báo cho đồn, đồn sẽ báo cho tỉnh, huyện”.

Nhắc lại những khó khăn trong những lần trèo núi vượt rừng bảo vệ cột mốc, ông Xiết hào hứng nói: “Trước kia, việc trông coi là vất vả lắm, nhiều dốc, lắm vắt, mùa mưa thì khó khăn. Khi Nhà nước chưa cấm súng nếu đi một mình vào rừng phải mang theo súng kíp. Nếu phát hiện xung quanh có lá cây sẽ tiến hành quét dọn, phát quang xem cạnh cột mốc có bị sứt, hư hỏng hay bị dịch chuyển, nếu bị hư hỏng hoặc dịch chuyển sẽ báo cho đồn để các anh biên phòng sẽ báo cho huyện, tỉnh”.

Sau khi cột mốc G6 được chia thành các cột mốc 285, 286, 287, cụ Xiết lại tiếp tục nhận nhiệm vụ trông coi ba cột mốc trên, trong những năm gần đây khi tuổi đã cao sức yếu ông Xiết đã giao lại việc trông coi cột mốc cho anh con trai thứ hai tên là Phan Văn San, San chia sẻ: “Bố Xiết đã già cao tuổi, không đi được nên bố đã giao lại việc trông coi cột mốc cho các con. Trông coi cột mốc đó là việc làm hết sức vinh dự, nó xuất phát từ tấm lòng, tinh thần tự nguyện tình yêu với đất nước”.

Trong gần 30 năm qua, việc một gia đình người Dao đứng ra trông coi cột mốc biên giới đã tạo ra những hiệu quả thiết thực giữ vững chủ quyền, an ninh Quốc gia, tạo nên sự đoàn kết trong các bản làng ở hai tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào.

Đại úy Lâu Văn Lâu - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quang Chiểu, huyện Mường Lát cho biết: “Địa bàn quản lý của đồn dài 45 km với 22 cột mốc biên giới trải dài qua hai xã Quang Chiểu và Mường Chanh. Hiện nay 22 cột mốc trên đang được giao cho 22 hộ dân tiến hành trông coi. Những người trông coi cột mốc nhiều năm bên cạnh cụ Xiết còn có cụ Lâu Văn Hự ở bản Pù Đứa, các cụ giờ đã già yếu nên việc trông coi cột mốc đã được các cụ giao lại cho con cháu”.

Lô Giang

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-truyen-doi-giu-cot-moc-bien-cuong-60203