Thanh Hóa: Tượng vịt trên trống Đông Sơn lịch sử và huyền thoại

Cho đến nay, số lượng trống Đông Sơn được phát hiện trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng nhiều, góp thêm nhiều nguồn tư liệu mới. Trong những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu là sự hiện diện của các khối tượng vịt trên mặt trống Đông Sơn được phát hiện ở Thanh Hóa.

Tượng vịt trang trí trên trống Đông Sơn ở trống Cẩm Giang, thuộc thôn Phú Lao, huyện Cẩm Thủy (tỉnh Thanh Hóa), phát hiện năm 1992 và được công bố tại Hội nghị thông báo Khảo cổ học năm 1993. Hiện trống Cẩm Giang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa. Năm 2014, trống Cẩm Giang được Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam công nhận là Bảo vật quốc gia.

Mặt trống đồng Cẩm Giang được trang trí bốn khối tượng vịt, đúc nổi thay thế các khối tượng cóc truyền thống.

Trống Cẩm Giang có kích thước tương đối lớn: Chiều cao: 49,1cm; Đường kính mặt: 73cm; Đường kính đáy: 73cm; Trọng lượng: 60kg.

Mặt trống trang trí các loại hoa văn như sau: Chính giữa mặt trống là hoa văn hình mặt trời 16 tia, không có họa tiết đệm giữa các tia. Mặt trống có 9 vòng hoa văn bề mặt: Các vòng hoa văn thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ sáu và thứ bảy là hoa văn hình học tứ giác; Vòng 4: hoa văn hình thoi biến thể; Vòng 5 hoa văn hình người hóa trang, cách điệu; Vòng 8 hoa văn nửa hình tròn nối tiếp nhau, vòng cung của nửa hình tròn cong ra rìa mặt trống; Vòng 9 (rìa mặt trống) là các khối tượng vịt. Tất cả có 4 khối tượng vịt (một trong số 4 khối tượng vịt chỉ còn lại dấu vết) quay ngược chiều kim đồng hồ, đối xứng nhau qua hình mặt trời. Các khối tượng vịt có kích thước nhỏ, cách đều nhau: cao 2cm; dài 2,5cm. Tượng vịt không có hoa văn nhưng được tạo ở tư thế rất chân thực, sống động(1).

Các khối tượng vịt được tạo theo phong cách tả thực: thân bè, mỏ bẹp, cổ cao, trong tư thế đang "bơi" trên mặt trống. Những đặc trưng của loài động vật này giúp chúng ta dễ dàng nhận dạng, không lẫn với các loại động vật khác.

Căn cứ vào kiểu dáng, hoa văn có thể khẳng định: trống Cẩm Giang thuộc trống loại I, nhóm C. Đây là loại hình tiêu biểu cho nhóm trống Đông Sơn ở miền núi xứ Thanh. Nhóm trống này có đặc điểm chung về kích thước, bố cục hoa văn và sự "vắng mặt" của họa tiết hình chim truyền thống trên trống Đông Sơn. Riêng mô típ hoa văn hình người hóa trang được cách điệu với nhiều nét biến thể.

Sự xuất hiện các khối tượng vịt trên bề mặt trống Đông Sơn thay thế cho các khối tượng cóc truyền thống có thể xem là hiện tượng khác lạ của trống Cẩm Giang. Cho đến nay, đây vẫn là tiêu bản duy nhất, đã được các nhà nghiên cứu chuyên sâu về trống Đông Sơn quan tâm đến nhưng chưa có sự "giải mã" cho hiện tượng này.

Trong số hàng trăm chiếc trống đồng cổ được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa, trống đồng Cẩm Giang được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

Theo tư liệu truyền ngôn, sinh thời, cố Giáo sư Trần Quốc Vượng trong chuyến công tác tại Thanh Hóa, đã có dịp khảo sát trống Cẩm Giang và những tư liệu có liên quan đến địa điểm phát hiện trống này. Khi được hỏi về "hiện tượng tượng vịt" trên tượng duy nhất đến nay mới có trên trống Cẩm Giang, xứ Thanh, thay thế cho các khối tượng cóc truyền thống phổ biến trên trống loại I, có niên đại muộn. Sự xuất hiện loại thủy cầm này có thể liên quan đến môi trường sinh thái ruộng nước. Giáo sư Trần Quốc Vượng khẳng định: sự xuất hiện các khối tượng vịt là hiện tượng đặc sắc, cần được lý giải.

Theo nhận thức của chúng tôi, việc các khối tượng vịt trên trống Cẩm Giang thay thế các khối lượng cóc vốn rất phổ biến trên các trống được đúc trước đó cũng như sự vắng bóng của hoa văn hình chim không phải là việc làm "tùy tiện", có tính ngẫu hứng của người thợ mà là chủ ý của người đúc trống. Phải chăng, hình tượng vịt có liên quan đến tâm thức của cộng đồng người đương thời?

Trong tâm thức văn hóa dân gian người Việt và người Mường, vịt là con vật có công rất lớn trong việc tìm, gọi mặt trời. Tín ngưỡng thờ mặt trời, nhiều khả năng liên quan đến việc huyền thoại vịt và vầng thái dương. Bố cục hoa văn trên trống Cẩm Giang là các hoạt động liên hoàn: hình tượng vịt đang "bơi", mặt trời "nhô lên" và đoàn người hóa trang "nhảy múa" mừng mặt trời mọc phải chăng có liên quan đến việc này?

Con vịt đã có mặt trong đời sống của chủ nhân văn hóa Đông Sơn. Hình tượng vịt được người Đông Sơn tái tạo trong đồ gốm và đã được phát hiện "tìm thấy ở các di chỉ Đông Sơn vùng Thanh Hóa", điển hình là "đồ gốm hình con vịt" tại di tích Thiệu Dương, Thanh Hóa(2).

Trong đời sống tâm linh của người Việt cổ có nhiều huyền thoại về sự hình thành vũ trụ, mặt trời, mặt trăng và các tín ngưỡng liên quan.

Huyền thoại của người Việt vùng Thanh Hóa kể rằng: thuở hình thành trời đất có đến 9 mặt trời, 12 mặt trăng. 9 mặt trời thay nhau tỏa ánh sáng chói chang, như thiêu như đốt xuống mặt đất. Sông suối khô cạn, cây cối chết cháy cả khiến đời sống con người khổ sở trăm bề. Nhận thấy chỉ 1 mặt trời chiếu sáng là đủ nên con người đã tập hợp nhau lại bắn rụng 8 mặt trời. Oái oăm thay, chứng kiến cảnh 8 mặt trời bị bắn rụng, mặt trời còn lại sợ quá nên đã chạy trốn xuống biển.

Con người lại lâm vào tình cảnh tối tăm, ngày cũng như đêm, không có chút ánh sáng nào cả. Loài người đã họp nhau lại, tìm phương án gọi mặt trời. Gà trống xung phong nhận nhiệm vụ này nhưng vì gà không biết bơi nên không thể vượt đại dương. Trước tình thế ấy, vịt đã xung phong chở gà trên lưng, bơi ra biển để gà trống gáy gọi mặt trời lên.

Mặt trời mọc, con người thoát cảnh tối tăm, vạn vật vui mừng, sự sống sinh sôi nảy nở. Để trả ơn vịt, con người đã cho vịt ăn thóc. Khi đẻ trứng, vịt không phải ấp mà gà mái sẽ làm thay công việc này.

Huyền thoại "vịt cõng gà gọi mặt trời" có thể ra đời từ rất sớm, trong giai đoạn hai khối Việt - Mường còn chưa tách ra. Đến thời điểm người Mường trở thành một cộng đồng độc lập, huyền thoại này vẫn được bảo lưu, trao truyền qua các thế hệ. Người Mường đã lưu truyền huyền tích này trong bộ sử thi nổi tiếng của dân tộc: Đẻ đất đẻ nước.

Có nhiều dị bản về bộ sử thi này. Trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường (bản sưu tầm ở huyện Cẩm Thủy), câu chuyện "vịt cõng gà gọi mặt trời" trong rằng (chương) nói về mặt trời, mặt trăng và việc chia năm, chia tháng. Nội dung rằng này như sau: Ông Cuông Minh Vàng Rậm cùng nàng Ả Sấm Trời đúc ra 9 mặt trời và 12 mặt trăng. Nhiều mặt trời nóng quá khiến vạn vật không chịu được. Họ nhà Ngao dùng tên bắn rụng cả. Mặt đất trở nên tối tăm, người phải nhờ trống gà Ải, mái vịt Êm đi gọi mặt trời, mặt trăng lên. Mái vịt Êm cõng Trống gà Ải đứng trên lưng bơi đi tìm và gáy gọi mặt trời lên. Nghe tiếng gà trống gáy mặt trời mọc, nghe vịt kêu, mặt trăng lên(3).

Sự có mặt của tượng vịt cùng với mặt trời trên trống Đông Sơn và sức sống lâu bền của huyền thoại "gọi mặt trăng mặt trời" trong đời sống tinh thần của người Việt và người Mường đã hé lộ cách lí giải về sự xuất hiện của tượng vịt (cũng như các khối tượng cóc trên trống Đông Sơn) theo tâm thức văn hóa dân gian. Nếu như hình mặt trời, hoa văn hình chim, các khối tượng cóc có liên quan đến tín ngưỡng mặt trời, tô - tem chim lạc của người Lạc Việt thì phải chăng sự xuất hiện các khối tượng vịt trên mặt trống Đông Sơn cũng nằm trong hệ thống tín ngưỡng của chủ nhân văn hóa Đông Sơn?

----------------

(1) Bảo tàng Thanh Hóa (2013), Trống đồng Thanh Hóa, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.71&81.

(2) Hà Văn Tấn (chủ biên) Khảo cổ học Việt Nam (1999), tập II, Nxb KHXH, Hà Nội, tr 226&264.

(3) Đẻ đất, đẻ nước - bản tiếng Mường (1974), Ty Văn hóa Thanh Hóa, tr.15-16.

Trần Thị Liên

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/tuong-vit-tren-trong-dong-son-lich-su-va-huyen-thoai-70810