Thanh Hóa: Tỷ lệ giường bệnh/vạn dân tăng 1,5 lần

Là tỉnh có dân số đông (khoảng 3,6 triệu người), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Thanh Hóa cần thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực từ y tế dự phòng đến khám chữa bệnh, dược, trang thiết bị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VGP

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm việc với tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VGP

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa ngày 20/4, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, không chỉ đơn thuần tập trung chuẩn bị cho riêng Bệnh viên đa khoa (BVĐK) tỉnh là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế mà ngành y tế tỉnh Thanh Hóa phải có giải pháp phát triển nhiều bệnh viện, nhiều chuyên ngành bao gồm cả bệnh viện sản, nhi, ung bướu… nhằm tạo sự đồng đều trong tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn. BVĐK tỉnh “đi trước”, tiếp đến là các bệnh viện trên địa bàn.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, tỉnh cần quan tâm phát triển đồng đều, lan tỏa hệ thống khám chữa bệnh, phấn đấu làm sao để một số bệnh viện tuyến huyện tại khu vực vùng núi, vùng cao tương đương bệnh viện tuyến tỉnh để người dân địa phương được tiếp cận công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

“Bộ đang tiến hành nhiều cách làm, nhiều giải pháp về đầu tư, đào tạo nhân lực để nâng cao năng lực y tế cơ sở, đặc biệt ở các vùng khó khăn, trong đó có một số huyện của Thanh Hóa. Bộ sẽ phối hợp và hỗ trợ để tỉnh thực hiện các mục tiêu đề ra”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Liên quan vấn đề đào tạo nhân lực, trong sự phát triển của ngành y tế, các yếu tố cơ sở vật chất, trang thiết bị có thể khắc phục nhanh, nhưng nguồn nhân lực và chất lượng dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng, vì “người dân có được thụ hưởng y tế có chất lượng hay không, dịch vụ kỹ thuật cao hay không thì 2 yếu tố này đóng vai trò quyết định”.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết, sẽ phát triển phân hiệu Đại học Y Hà Nội thành Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa.

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 13.200 giường bệnh cả công lập và dân lập, đạt tỷ lệ 11 bác sĩ/vạn dân và 36 giường bệnh/vạn dân, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015 và vượt chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Trung bình mỗi năm có trên 100 kỹ thuật mới được áp dụng tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện, trong đó nổi bật là đã thực hiện thành công 12 ca ghép thận tại BVĐK tỉnh. Tỷ lệ người bệnh hài lòng về các cơ sở y tế công lập trên địa bàn đạt trên 90%.

Tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng phát triển y tế cơ sở, tăng cường năng lực khám chữa bệnh cho các trạm y tế thông qua việc đưa bác sĩ luân chuyển về công tác tại tuyến xã. Hiện 95 % trạm y tế có bác sĩ làm việc.

Tại buổi làm việc, tỉnh Thanh Hóa đã kiến nghị Bộ Y tế quan tâm hỗ trợ tỉnh một số trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch; hỗ trợ địa phương cải tạo, nâng cấp một số trạm y tế xuống cấp; hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật… để tỉnh Thanh Hóa phát triển các bệnh viện thông minh trên địa bàn.

Riêng về vấn đề chống dịch COVID-19, Bộ trưởng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa không chủ quan lơ là trong phòng chống dịch COVID-19, chuẩn bị các tình huống cách ly trên diện rộng, khoanh vùng, xét nghiệm, điều trị… để tránh luống cuống dẫn đến “vỡ trận” nếu có dịch xuất hiện trên địa bàn với số lượng bệnh nhân lớn, số người phải cách ly nhiều.

Nhân dịp này, Bộ Y tế trao tặng tỉnh Thanh Hóa 89 máy thở VFP 410; 2 máy thở Bennet 840; 05 máy thở Eliciae MV20; 1 máy siêu âm xách tay 2 đầu dò Prosound 2; 12 máy theo dõi bệnh nhân 5 thông số; 14 bơm tiêm điện; 2 tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vắc xin; 200.000 khẩu trang y tế; 1.000 khẩu trang N95 và 1.000 bộ quần áo chống dịch.

Hiền Minh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/xa-hoi/thanh-hoa-ty-le-giuong-benhvan-dan-tang-15-lan/428907.vgp