Thanh Hóa: Về Thành Đạt, nghe kể chuyện Bình Vương Dương Tam Kha

Hành trình tìm về đất họ Dương của chúng tôi bắt đầu bằng câu chuyện với ông Dương Minh Lý, hậu duệ nhiều đời của họ Dương trên mảnh đất thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ông là người hiện đang trông coi Lăng miếu Bình Vương Dương Tam Kha. Chẳng vội vã với những vị khách phương xa, ông dẫn chúng tôi thăm quan di tích và cũng là hướng dẫn viên kể cho chúng tôi những câu chuyện xưa.Ngược thời gian, từ thế kỷ thứ X đến nay, thôn Thành Đạt đã 3 lần đổi tên, từ làng Lỗ Mau Khu, đến làng Mau Giáp và nay là làng Thành Đạt. Theo tập tục ông cha truyền lại tới nay, con trai và con gái trong họ không được lấy nhau mà phải lấy vợ, lấy chồng nơi khác.

Đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha tại thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Các cụ cao niên kể lại rằng, Bình Vương Dương Tam Kha là con trai của Dương Đình Nghệ, một hào trưởng giàu có, nhiều thế lực ở Châu Ái (Thanh Hóa). Mùa thu năm 923, khi vua Nam Hán tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, Dương Đình Nghệ vốn là tướng của họ Khúc, lại nhận được sự ủng hộ rộng rãi của hào trưởng nhiều vùng và nhân dân cả nước đã đứng ra tập hợp lực lượng, xây dựng vùng đất Thiệu Dương (Thanh Hóa) thành căn cứ kháng chiến.

Năm 931, với sự giúp sức của Ngô Quyền, Dương Tam Kha, Đinh Công Trứ và Phạm Cự Lượng, Dương Đình Nghệ kéo đại quân đánh chiếm Thành Đại La (Hà Nội), tiêu diệt hoàn toàn quân xâm lược Nam Hán. Sau khi đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi đất nước, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ bước vào xây dựng chính quyền tự chủ. Bình Vương Dương Tam Kha là người có công lao to lớn cùng Dương Đình Nghệ (gọi là cha), Ngô Quyền (gọi là anh rể) đánh đuổi quân Nam Hán giành độc lập tự chủ dân tộc sau 1.000 năm Bắc thuộc.

Sự nghiệp của Dương Đình Nghệ đã có ảnh hưởng rất lớn và chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tài năng của Dương Tam Kha. Giữa lúc công cuộc kiến thiết đất nước của hai cha con họ Dương đang diễn ra hết sức tốt đẹp thì tháng 3 năm Đinh Dậu (937) Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn giết hại để đoạt quyền. Việc làm bạo ngược và trái với đạo lý của Kiều Công Tiễn khiến nhân dân trong nước hết sức bất bình. Với mong muốn trả thù cho cha và lấy lại nghiệp lớn, Dương Tam Kha đã tập hợp lực lượng phối hợp với Ngô Quyền. Trước khí thế mạnh mẽ của quân Ngô Quyền và Dương Tam Kha, Kiều Công Tiễn vô cùng khiếp sợ và cho người chạy sang Nam Hán cầu viện. Chớp lấy cơ hội, vua Nam Hán phong cho con trai là Thái tử Hoằng Thao làm Tĩnh Hải Tiết độ sứ chỉ huy một đạo binh thùy lớn vượt biển theo cửa sông Bạch Đằng tiến vào xâm lược nước ta. Cùng lúc đó, Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn.

Lịch sử ghi nhận và khẳng định: Dương Tam Kha để lại những dấu ấn đậm nét trên các phương diện: chính trị, quân sự, kinh tế, xã hội vào nửa cuối thế kỷ X. Cụ thể, trong trận Bạch Đằng năm 938, Dương Tam Kha góp công lớn bằng việc giết chết Hoằng Thao, chủ tướng quân Nam Hán. Ông đã tiếp nối sự nghiệp của Ngô Quyền xưng là Dương Bình Vương, làm chủ và củng cố đất Việt trong khoảng thời gian 6 năm (945 - 950).

Năm 950, Bình Vương Dương Tam Kha sai Ngô Xương Văn đi đánh hai thôn: Đường, Nguyễn (Thái Bình). Ngô Xương Văn trở về đánh úp Dương Tam Kha lấy lại nước, xưng là Nam Tấn Vương. Xét thấy Dương Tam Kha là một dung tướng có nhiều công lao trong trận đánh Nam Hán trên sông Bạch Đằng, phù tá Ngô Quyền lên ngôi vua, đối với mình lại có nhiều tình nghĩa phụ nên Nam Tấn Vương chỉ giáng xuống làm Trương Dương công và ban cho bổng lộc một vùng đất ở phía Nam thành Cổ Loa. Tại đây, Dương Tam Kha đã dày công cải tạo vùng đất hoang hóa thành vùng quê sầm uất, rộng lớn, đặt tên là Chương Dương (Hà Nội). Sau khi thác danh cho Nguyễn Dĩ An cai quản vùng đất Chương Dương, ngày 29 tháng 2 năm Quý Hợi (953), Dương Tam Kha đưa con cháu rời về phía Nam để tiếp tục khai phá những vùng đất mới. Ông đã dừng chân ở Giao Thủy, một vùng đất đai màu mỡ, dân thuần, tại đây Dương Tam Kha đổi tên là Dương Tùng Khê, chiêu lập nhân dân cải tạo các bãi đất hoang hóa, sình lầy, lau lác um tùm thành những cánh đồng trù phú. Ông dạy dân làm thủy lợi, khơi thông sông ngòi, đắp đê phòng lụt, nhờ vậy mùa màng liên tiếp bội thu, xóm làng ngày càng sầm uất, đông vui. Cùng với việc quan tâm phát triển sản xuất, ông còn chú trọng xây dựng thuần phong mỹ tục mới làng quê mới.

Truyền thuyết địa phương và những ghi nhận, đánh giá của các nhà khoa bảng, sĩ phu đương thời về công lao tập lập vùng đất Cổ Lễ xưa của Bình Vương Dương Tam Kha đã nói lên mối quan hệ đặc biệt mật thiết của ông với quê hương Cổ Lễ. Do bị giặc truy quét nên ông lại di chuyển về Châu Ái (Thanh Hóa) để xây dựng lực lượng căn cứ vào địa hình để phòng thủ lâu dài. “Sau khi mất, ông được táng trên một ngọn đồi hình con voi, nay thuộc thôn Thành Đạt, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trải qua năm tháng, thời gian, mộ phần hư hỏng, núi con voi dần bị san bằng, vị trí đặt mộ của ông bị thất lạc nên thế hệ hôm nay mãi đi tìm và xác định được vị trí ngôi mộ. Tri ân, tưởng nhớ tổ tiên, sau hơn 1 năm khởi công xây dựng vào năm 2015, đến năm 2016 công trình đã được hoàn thành với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng do ông Dương Công Thuyên - người con thành đạt của dòng tộc phát tâm công đức tự nguyện đóng góp”, ông Dương Văn Sâm - Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Thành Đạt, Phó Chủ tịch dòng tộc họ Dương tại Thanh Hóa cho biết thêm.

Lăng miếu được động thổ xây dựng gồm 2 khu chính là khu lăng mộ và khu đền thờ, mảnh đất vuông vắn nhìn ra đường trục, thuận về phong thủy được thiết kế theo lối kiến trúc cổ kính, khang trang, bề thế uy nghiêm, mang đậm phong cách Á Đông. Các hạng mục bao gồm: mộ được xây bao hình bát giác; đền thờ chính; nhà tả vu và hữu vu; gác bia; cổng kiểu tam quan tứ trụ; nhà khách; tượng, voi, quan canh; tường bao; bãi đỗ xe...

Năm 2015, đền thờ Bình Vương Dương Tam Kha được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Từ nhiều năm nay đây là điểm đến của con cháu dòng họ Dương trên hành trình về với tổ tiên, nguồn cội, dâng nén tâm nhang tưởng nhớ công lao của Bình Vương Dương Tam Kha trong thời kỳ đấu tranh giành và giữ nền độc lập tự chủ của dân tộc. Đồng thời cũng là nơi giáo dục cháu con họ Dương luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc, xây dựng dòng tộc vững mạnh, góp phần cùng trăm họ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phương Anh

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/thanh-hoa-ve-thanh-dat-nghe-ke-chuyen-binh-vuong-duong-tam-kha-76583