Thanh Hóa: Xót xa mưa lũ tàn phá Mường Lát

Những trận mưa xối xả, ầm ầm trút xuống trong vòng 2 ngày tại huyện vùng cao Mường Lát khiến đất, đá từ trên đồi cao sạt xuống, vùi lấp nhiều bản, làng. Nhiều người dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, giao thông bị tê liệt khiến công tác cứu trợ cho bà con vùng lũ gặp nhiều khó khăn.

Hàng trăm ngôi nhà bị vùi lấp trong bùn đất. Ảnh: Ngọc Hưng

Dân hoảng loạn vì đất, đá từ đồi cao trút xuống

Theo người dân địa phương cho biết, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 60 năm qua tại huyện vùng cao này. Nếu muốn vào trung tâm huyện Mường Lát phải đi bộ 30km, hoặc đi theo đường thủy dọc sông Mã. Từ trung tâm huyện đến các xã, hệ thống giao thông bị phá hủy nghiêm trọng.

Bản Poọng (xã Tam Chung) là địa phương được cho là thiệt hại nặng nhất, tính đến thời điểm chiều 4/9. Toàn bản có 89 hộ với 418 nhân khẩu chủ yếu đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Mưa lũ trong những ngày qua đã cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa của 65 hộ dân, 24 hộ còn lại bị ngập bùn đất, người dân phải sơ tán. Hàng trăm con gia súc, gia cầm bị chết, hàng chục ha ao cá, hoa màu cũng bị nước lũ và đất đá vùi lấp

Sau lũ, bản Poọng tan hoang, xơ xác. Nhiều gia đình trắng tay, không còn nơi sinh sống. Hiện các lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được vào bản và sơ tán người dân về các doanh trại quân đội trên địa bàn huyện Mường Lát. Ông Lò Quốc Tính, Trưởng bản Poọng vẫn còn bàng hoàng cho biết: “Lúc đó khoảng 12h trưa, đất đá từ trên đồi cao ầm ầm đổ xuống, người dân hoảng loạn, trẻ em kêu khóc thất thanh, mọi người gào thét tìm nhau… Tôi nói người dân không được chạy vào sát chân đồi, khi tập trung đủ người, tất cả đều chạy ra đường nên mới thoát nạn. Chưa bao giờ chúng tôi chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế này. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, người dân không mang theo được bất cứ thứ gì. Nhà cửa, trâu, bò, thóc, ngô… giờ mất hết”.

Nhiều hộ dân rơi vào cảnh màn trời, chiếu đất.

Trường THCS Tam Chung cũng bị vùi lấp dưới lớp đất đá dày hơn 3m. Toàn bộ khu nhà bán trú của học sinh bị hư hỏng. Để giúp đỡ người dân, trong những ngày qua, Bệnh viện đa khoa huyện Mường Lát đã nhanh chóng thiết lập phòng khám tại chỗ, tổ chức khám, phát thuốc miễn phí cho đồng bào bản Poọng.

Ghi nhận tại xã Pù Nhi, hiện vẫn có hàng chục căn nhà của các hộ gia đình bị lũ vùi lấp, hoặc ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, bà con vẫn phải tá túc tại Trường tiểu học xã Pù Nhi. Nhà trường đã bố trí các phòng chức năng, phòng Ban giám hiệu cho người dân ở. Người dân, các đơn vị chức năng đang bao bọc, hỗ trợ những người dân vùng lũ từ lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt từ khi mưa lũ cho đến thời điểm hiện nay. Trong lúc khó khăn này, các cửa hàng thực phẩm tại đây vẫn giữ nguyên giá, chia sẻ khó khăn cùng người dân vùng thiệt hại.

Mường Lát vẫn bị cô lập

Toàn huyện đang dốc toàn lực để cứu trợ người dân.

Đã 7 ngày trôi qua, người dân vùng bị sạt lở vẫn chưa hết bàng hoàng về sự tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Không ai có thể hình dung được những khe suối, những quả đồi vốn bình yên nhưng đột nhiên trở nên hung dữ, cuốn phăng tất cả theo dòng nước. Đất ngấm đẫm nước sau nhiều ngày mưa lớn cùng lũ trên thượng nguồn đổ về đã khiến khu vực ven suối tại bản Táo (xã Chung Lý) bị sạt lở nghiêm trọng. Sau 5 ngày bị cô lập, đây là bản được các lực lượng chức năng tiếp cận đầu tiên. Những ngày chạy lũ, nhìn đàn gà, con trâu trôi theo dòng nước một cách bất lực khiến người dân nơi đây kiệt quệ về sức khỏe, tinh thần. Người dân thẫn thờ nhìn ngôi nhà - nơi trú ẩn duy nhất còn sót lại nay cũng phải tháo dỡ, di dời vì nguy cơ sạt lở. Tất cả 8 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở phải di dời khẩn cấp bởi nền đất đã sạt tụt với vết nứt kéo dài hơn 100m, làm đứt gãy cả lớp bê tông mặt đường. Chị Lương Thị Điệm (ở bản Táo) khẩn thiết: “Chúng tôi gắn bó cả đời ở mảnh đất này. Nay, tất cả đều bị nước lũ cuốn trôi. Thực hiện chủ trương chung, gia đình đang tháo dỡ nhà cửa. Mong sao các cấp chính quyền sớm tìm đất, hỗ trợ người dân chúng tôi làm nhà mới, ổn định cuộc sống”.

Theo thống kê chưa đầy đủ đến ngày 4/9, trong đợt mưa lũ vừa qua, huyện vùng biên Mường Lát đã có 4 người tử vong do mưa lũ, 3 người mất tích, 128 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 314 hộ dân phải di dời. Nước sạch không có, điện bị cắt. Sóng điện thoại mới được kết nối hôm 3/9. Xăng, dầu của huyện cũng gần cạn kiệt, lương thực thực phẩm bắt đầu thiếu… Huyện đang tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm và chăm sóc sức khỏe, cung cấp xoong, nồi, quần áo cho người dân…

Hiện tại, chính quyền huyện Mường Lát cùng các lực lượng quân đội, công an, các xã chia thành nhiều đoàn về các địa bàn chịu thiệt hại nặng do mưa lũ để hỗ trợ người dân. Huyện đã cấp gạo, mỳ tôm, nhu yếu phẩm, bố trí chỗ ở cho các hộ phải di dời. Huyện cũng nỗ lực tìm cách tiếp cận các bản bị chia cắt, cô lập để có sự hỗ trợ cần thiết cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng huy động tối đa phương tiện, máy móc, nhân lực làm việc 24/24h để sớm thông đường vận chuyển hàng cứu trợ cũng như thi công, khôi phục lại đường điện tại Mường Lát.

Trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: “Thiệt hại tại Mường Lát rất lớn. Điều chúng tôi cần nhất hiện nay là sự hỗ trợ lương thực, thuốc men từ bên ngoài. Đường lên huyện bị sạt lở nghiêm trọng. Dự kiến phải mất 1 tuần nữa mới có thể thông xe ô tô. Việc di chuyển về trung tâm huyện Mường Lát và một số vùng bị thiệt hại do mưa lũ chỉ có thể đi bộ. Hiện việc tiếp cận các điểm sạt lở để triển khai công tác cứu trợ gặp rất nhiều khó khăn. Huyện đã huy động tổng lực các lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục thiên tai. Vấn đề chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là công tác cứu trợ từ bên ngoài vào Mường Lát gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu về lương thực, thuốc men, nước uống của người dân rất cấp thiết. Huyện cũng đã chỉ đạo các điểm trường bị ảnh hưởng sớm khôi phục lại để học sinh khai giảng năm học mới...”.

20 người chết và mất tích do mưa lũ

Ngày 5/9, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết – Theo báo cáo nhanh từ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lai Châu, Phú Thọ, Thanh Hóa và Nghệ An, mưa lũ làm ít nhất 15 người chết, 5 người mất tích.

Trong đó, Thanh Hóa là địa phương có số người thiệt mạng nhiều nhất với 9 người, Yên Bái có 2 người, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình mỗi tỉnh có 1 người thiệt mạng. 3 người mất tích tại Thanh Hóa, 1 người tại Lai Châu và 1 người tại Yên Bái.

Mưa lũ cũng làm 382 nhà bị đổ sập, gần 800 nhà phải di dời khẩn cấp, trên 5.000 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, hơn 100.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi. Nhiều tuyến đường, cầu cống bị sạt trượt, ngập úng gây ách tắc giao thông.

Ngọc Hưng

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/thanh-hoa-xot-xa-mua-lu-tan-pha-muong-lat-20180905215456225.htm