Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, tiêu hủy 226 con lợn

Thanh Hóa đã ban hành công điện khẩn gửi các địa phương khẩn trương khống chế dập dịch tả lợn châu Phi, sau khi phát hiện ổ dịch tại huyện Yên Định.

Công điện nêu rõ, vào ngày 24/02/2019 bệnh dịch tả lợn đã xuất hiện tại hộ chăn nuôi ông Lê Văn Thanh, thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định và buộc phải tiêu hủy toàn bộ số lợn 226 con (kết quả dương tính với vi rút Dich tả lợn châu Phi ASF được xác định tại Phiếu trả lời kểt quả số 247/CĐXN-CĐ ngày 24-02-2019 của Chi cục Thú y vùng III) làm cho nguy cơ dịch bệnh lây lan ra diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng và thiệt hại cho ngành chăn nuôi lợn là rất cao.

Lập chốt kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch lây lan do vận chuyển lợn nhiễm dịch. (Ảnh: VT)

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, Chi cục Thú y vùng III đã phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y Thanh Hóa chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp chống dịch như: đã tạm cấp cho huyện Yên Định 800 lít hóa chất, 1 tấn vôi bột để khử trùng tiêu độc, 200 bộ bảo hộ phòng chống dịch, 10 bình động cơ phun tiêu độc khử trùng.

Huyện Yên định đã tổ chức huy động tại chỗ 100 bộ quần áo báo hộ, 2 tấn vôi, 200 lít hóa chất, 5 bình động cơ và 32 bình bơm điện, bơm tay để phun tiêu độc khử trùng.

Bên cạnh đó, thành lập 5 chốt kiểm soát ra vào vùng dịch, 8 chốt kiểm soát quanh vùng đệm; 2 đội kiểm tra lưu động liên ngành gồm công an, thú y, quản lý thị trường để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24h đối với lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm cũng như các trạm dừng phương tiện giao thông để thực hiện việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc cho các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm ra bên ngoài.

Để phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch lây lan ra diện rộng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các sở và Thủ truởng các ban, ngành tập trung cao độ, chỉ đạo đồng bộ, kiên quyết các biện pháp cấp bách để khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng quy định của Luật Thú y, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy định địa phương.

Các địa phương cần lập Ban chỉ đạo, đoàn công tác, tập trung các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm ổ dịch, không để phát sinh dịch mới; xử lý tiêu hủy động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh hoặc lợn đã chết; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc.

Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có nguồn gốc xuất xứ, nhiễm bệnh theo đúng quy định.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch tại Thanh Hóa, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã dẫn đầu đoàn kiểm tra đến thị sát và chỉ đạo công tác chống dịch tại Yên Định, Thanh Hóa.

Chi cục Thú y Thanh Hóa đã nhanh chóng thiết lập đường dây nóng trực phòng, chống dịch theo số máy: 02373.260.009 để người dân kịp thời phản ánh, báo tin về dịch bệnh.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa là tỉnh thứ 4 phát hiện bệnh dịch tả Châu Phi (ASF) sau Hưng Yên, Thái Bình và Hải Phòng.

Dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người nhưng có thể lây truyền sang ruồi, muỗi, chuột, mèo, gà, vịt. Lợn bị tả có thể mắc thêm những loại bệnh nguy hiểm khác như tai xanh, cúm, thương hàn... Những bệnh này mới gây nguy hiểm cho người bởi làm rối loạn hệ tiêu hóa, đặc biệt khi con người ăn tiết canh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín kỹ.

Hoàng Anh Thắng

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/thanh-hoa-xuat-hien-o-dich-ta-lon-chau-phi-tieu-huy-226-con-lon-d91507.html