Thành Huế bây giờ…

KTĐT - 35 năm sau ngày giải phóng quê hương, nhất là trong thời kỳ đổi mới, tuy có những khó khăn do hậu quả chiến tranh, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhưng thật đáng mừng khi Huế ngày càng phát triển về mọi mặt. Điều quan tâm nhất là Huế đã triển khai được nhiều dự án chỉnh trang đô thị gắn với việc ổn định đời sống cho người dân.

Thành phố đẹp hơn, cuộc sống người dân ổn định hơn Quyết- anh họ tôi là người Huế nhưng từ năm 1975 vào lập nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh. Những lần ra Huế, Quyết thường xuýt xoa khen quê hương mình đổi thay từng ngày. Anh tâm sự rất thật lòng: “Huế dù không phát triển nhanh như vài thành phố lớn, nhưng vẫn thường xuyên mới, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, đặc biệt là môi trường rất trong lành, rất bình yên, đúng là chẳng nơi nào có được”. Trong hồi ức của Quyết cũng như của chúng tôi, khoảng 20 năm về trước, Huế dù đẹp và rất thơ nhưng thật sự nhiều khu vực dân cư vẫn còn nhếch nhác lắm. Khu vực Bến Me có hàng trăm ngôi nhà ổ chuột chắp vá, tạm bợ nằm chen chúc bên bờ sông Hương, luôn đập vào mắt du khách trên những chuyến xe ra Bắc, vào Nam. Khu vực bộ hành hào phía Nam kinh thành Huế cũng vậy. Quyết và tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi từng lạc vào một khu dân cư giữa lòng TP mà nhiều ngôi nhà thật chẳng ra nhà. Môi trường ở đó lại ô nhiễm hết sức nặng nề. Đáng nói nhất là sự tồn tại hàng trăm năm qua của trên 1.000 hộ dân vạn đò trên sông Hương, sông An Cựu. Thật khó tin khi song hành với nền văn minh trên đất liền, Huế còn có một nền “văn minh” dưới nước. Tập quán, ý thức sinh đẻ vô tội vạ đã khiến cho số hộ dân vạn đò ngày càng sinh sôi. Số đò, nhà chồ, nhà phao ngày càng nhiều lên. Nhiều người không biết chữ, tỷ lệ trẻ suy sinh dưỡng ở khu vực này vẫn cao nhất TP… Nhưng, đó là chuyện của quá khứ. Vào những năm 1992, 1995, 1996, TP đã làm nhiều cuộc “cách mạng” đưa các hộ dân vạn đò trên sông Hương lên định cư tại phường Phước Vĩnh, Kim Long. Tôi còn nhớ rõ, cuối năm 1996, khi chúng tôi lên thăm khu định cư Kim Long, nhiều người dân trong tâm trạng thấp thỏm không yên cứ thở than về nơi ở mới. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, người dân đã bén duyên với khu tái định cư. Từ kiếp sống lênh đênh, các hộ dân đã có đất, có nhà, con cái được đến trường học hành… Mới đây, tôi lại ghé thăm khu tái định cư Kim Long. Khi nhắc lại quá khứ, nhiều người dân đã tâm sự rằng, thật may mắn khi có một cuộc sống mới như thế này… Năm 2009, một sự kiện hết sức quan trọng là TP Huế đã đưa được thêm trên 500 hộ dân vạn đò trên sông Hương lên tái định cư. Phải nói rằng còn nhiều chuyện phải giải quyết cho người dân như vấn đề việc làm, xung quanh chuyện tách hộ… Song cần ghi nhận đó là thắng lợi lớn của Đảng bộ và chính quyền TP Huế. Vợ chồng bà Hà Thị Lưới, ở 201E khu chung cư dành cho các hộ dân vạn đò ở phường Phú Hậu đã thừa nhận: “Cuộc sống ở trên bờ thật thoải mái đến không ngờ”. Không riêng gì các hộ dân vạn đò, cả chặng đường dài vừa qua, TP Huế đã triển khai nhiều dự án chỉnh trang đô thị gắn với ổn định cuộc sống người dân. Những ngôi nhà ổ chuột trong trí nhớ ngày nào của Quyết đã lùi vào dĩ vãng… Sau khi liên tiếp thực hiện các dự án giải tỏa, đưa các hộ dân về nơi ở mới, chính quyền TP tiếp tục đầu tư kinh phí chỉnh trang bộ mặt đô thị Huế đẹp hơn, văn minh hơn. Khu vực Bến Me 15 năm nay đã rợp bóng cây xanh. Nhiều con đường dọc sông Hương, sông An Cựu được mở rộng, nâng cấp, chỉnh trang với những hàng cây xanh quyến rũ, tạo thêm những điểm nhấn cho bài thơ đô thị Huế. Việc đưa hàng trăm hộ vạn đò đến nơi ở mới không chỉ là giải thoát kiếp sống lênh đênh cho người dân và thực sự đã tạo cho Huế một môi trường thoáng đãng, văn minh. Huế sẽ tiếp tục khởi sắc Đi trên đường phố Huế những ngày tháng Ba hôm nay, lòng người thấy rộn ràng và yêu Huế hơn. Huế đẹp từ những con đường, những hàng cây, đôi bờ sông Hương, đến những công trình, những khu dân cư… Huế đang phát triển theo hướng hiện đại nhưng vẫn luôn giữ được nét hiền hòa, cổ kính của một thành phố chứa đựng nhiều di sản văn hóa của nhân loại. Theo lãnh đạo TP Huế, trong năm nay, Huế sẽ tiếp tục thực hiện nhiều dự án chỉnh trang đô thị gắn với việc ổn định đời sống cho người dân như: tiếp tục đưa số hộ dân vạn đò còn lại lên định cư trên đất liền; giải tỏa, chỉnh trang, tôn tạo sông Ngự Hà, khu vực hộ thành hào thuộc phường Phú Hòa, Phú Bình; giải tỏa, chỉnh trang đoạn còn lại của bờ sông An Cựu; đồng thời, sẽ thực hiện các dự án chỉnh trang khác: nạo vét một số sông; di dời, giải tỏa các nghĩa địa ra khỏi TP, dự án chỉnh trang vỉa hè, lề đường và một số tuyến đường chính; nâng cấp, sữa chữa các tuyến đường, cầu cống trên địa bàn… Từ Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Huế đã được xác định là đô thị hạt nhân làm nòng cốt thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế thành TP trực thuộc TƯ. Vì vậy, theo đồng chí Phan Trọng Vinh, Chủ tịch UBND TP Huế thì TP sẽ tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, chỉnh trang làm cho đô thị Huế trong một thời gian ngắn phải khởi sắc. Như vậy có thể hiểu rằng, bên cạnh sự quan tâm của TƯ, của tỉnh, Đảng bộ, chính quyền TP đang có nhiều nỗ lực để bộ mặt đô thị Huế ngày càng đẹp hơn, đời sống người dân ổn định và được cải thiện hơn, quyết tâm xây dựng Huế thực sự là trung tâm văn hóa - du lịch, là cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước, là đòn bẩy thúc đẩy toàn tỉnh trở thành TP trực thuộc TU. Tất nhiên, để đạt được những mục tiêu đó, Đảng bộ và chính quyền TP Huế phải thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ. Về phía các chủ nhân của đô thị loại 1 cũng cần có những việc làm thiết thực để góp phần xây dựng Huế ngày càng khang trang, giàu đẹp hơn. Thụy Anh

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=207846