Thanh khoản trở lại thời 'hoàng kim', thị trường vẫn giảm nhẹ

Liên tiếp các phiên giao dịch với thanh khoản khổng lồ gợi nhớ lại thời điểm 'hoàng kim' của thị trường cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua. Dòng tiền đang trở lại mua với cường độ mạnh khi VN-Index ở cùng độ cao.

Khớp lệnh vượt 6.000 tỷ đồng phiên thứ 3 liên tiếp

Thị trường lại xuất hiện thêm một phiên giao dịch cực mạnh nữa về thanh khoản. Tính riêng giá trị khớp lệnh, hai sàn đạt gần 6.322 tỷ đồng, là phiên giao dịch vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng thứ 3 liên tiếp.

Tính chung trong 3 phiên đầu tuần này, giá trị khớp lệnh đạt 19.235 tỷ đồng. Do thị trường Việt Nam giới hạn T+3 nên mức giao dịch nói trên cũng đồng nghĩa với tổng lượng tiền đang được khóa trong các tài khoản mua. Lượng tiền này tương đương thời điểm cuối tháng 5 và chỉ đứng sau kỷ lục thời điểm thị trường đạt đỉnh đầu tháng 6 vừa qua (lượng tiền đóng băng 3 phiên cao nhất đạt 24.792 tỷ đồng).

Cũng phải nhắc lại là thời điểm đầu tháng 6 chính là lúc VN-Index đạt đỉnh cao 900 điểm rồi quay đầu giảm cho tới tận cuối tháng 7.

Thanh khoản hôm nay lớn nhất vẫn tập trung tại nhóm VN30, nhưng bên cạnh các blue-chips, vai trò của những cổ phiếu trung bình cũng gia tăng. Cụ thể, nhóm VN30 đóng góp HPG, VNM, TCH, VHM, CTG, VCB trong Top 10 cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh nhất. Còn lại là GEX, PVD, DBC, GTN.

Mặc dù thanh khoản rất lớn nhưng thị trường vẫn ghi nhận số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều hơn số tăng. VN-Index đóng cửa giảm 0,65 điểm hay 0,07% và cứ 1 cổ phiếu giảm giá chỉ có 0,88 cổ phiếu tăng giá. VN30-Index giảm 0,35% với 7 cổ phiếu tăng giá và 20 cổ phiếu giảm giá.

Như vậy các blue-chips tương đối yếu. Trong 20 blue-chips giảm thì chỉ 4 mã là giảm quá 1%, bao gồm HPG giảm 1,43%, PNJ giảm 1,17%, REE giảm 1,09%, SAB giảm 1,23%. Các mã còn lại giảm không nhiều, nhưng đáng tiếc cũng không có cổ phiếu lớn nào tăng được: VIC, CTG tham chiếu, VCB giảm 0,48%, VNM giảm 0,17%, VHM giảm 0,13%, GAS giảm 0,41%, BID giảm 0,38%, TCB giảm 0,94%.

Đây là lý do chính khiến hai chỉ số quan trọng nhất nói trên giảm điểm. Ngược lại, Midcap vẫn tăng 0,54%, Smallcap tăng 0,58%. Giao dịch có dấu hiệu nóng hơn ở các mã nhỏ, hàng đầu cơ. Số kịch trần với thanh khoản cao bao gồm LHG, HAP, PXS, D2D, MHC, OGC, TTF. Khá nhiều mã đầu cơ khác cũng tăng trên 4% như JVC, CMX, NKG, GTN, HHS, CRE, VCI...

Đây cũng là điểm tương tự thời điểm đầu tháng 6 khi các blue-chips bắt đầu suy yếu trong khi nhóm cổ phiếu nhỏ mạnh lên và thu hút dòng tiền.

Dòng tiền có mạnh hơn được không?

Thanh khoản lớn duy trì liên tục luôn được xem là dấu hiệu tích cực cho xu hướng khi thể hiện sự quan tâm lớn của nhà đầu tư. Nếu căn cứ theo chỉ số VN-Index thì mức 873 điểm đóng cửa hôm nay cũng tương đương với các phiên cuối cùng của tháng 5/2020. Hầu hết blue-chips sau mấy tuần tăng tháng 8 này cũng đang ở ngưỡng giá tương đương.

Điều đó cho thấy mặt bằng giá là cân bằng giữa hai thời điểm và dòng tiền chung cũng cân bằng. Điều còn lại là liệu dòng tiền có khả năng tăng thêm đến mức nào, vì thời điểm đầu tháng 6, thanh khoản tuy đạt ngưỡng kỷ lục nhưng cũng là ngưỡng đỉnh. Nhà đầu tư dốc vốn mua hết sạch khiến thị trường suy yếu sau đó.

Một điểm cũng rất tương đồng nữa là nhà đầu tư nước ngoài đang tích cực rút tiền từ phía nhà đầu tư trong nước, thể hiện qua mức bán ròng đang rất lớn. Khối ngoại bán ra mạnh mẽ trong 3 phiên thanh khoản cao đầu tuần này. Sàn HSX hôm nay lại bị bán ròng khoảng 360 tỷ đồng nữa, trong đó cổ phiếu thuộc VN30 bị bán ròng 344 tỷ đồng. Tổng cộng trong 3 ngày, cổ phiếu hai sàn bị rút lượng tiền ròng lên tới trên 1.200 tỷ đồng. Đây là lượng tiền của nhà đầu tư trong nước, khi phải bỏ ra để mua khối lượng mà khối ngoại bán ròng.

Khánh Nhi

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/chung-khoan/2020-08-26/thanh-khoan-tro-lai-thoi-hoang-kim-thi-truong-van-giam-nhe-91499.aspx