Thành lập Bộ Chỉ huy Không gian - bước phiêu lưu mới của Mỹ

Việc Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy Không gian làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa, kích hoạt một cuộc đua vũ trang và thậm chí là chiến tranh không gian.

Tổng thống Mỹ ký Sắc lệnh Chính sách Vũ trụ. (Nguồn: Reuters)

Đạo luật An ninh Quốc gia (Mỹ) năm tài khóa 2019 chỉ rõ sự cần thiết và cấp bách trong việc nghiên cứu các loại vũ khí triển khai sẵn trên vũ trụ và sẵn sàng tấn công phủ đầu khi cần các quốc gia được Mỹ coi là mối đe dọa. Lầu Năm Góc sẽ hoàn thiện và triển khai các công trình phục vụ việc phát triển lực lượng vũ trụ nhằm củng cố sự thống trị của Mỹ trong không gian.

Ý định bá chủ không gian

Nhà Trắng cho rằng, việc thành lập lực lượng không gian là cần thiết bởi các đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc đang tạo ra mối đe dọa không gian, chế tạo vũ khí để ngăn chặn, phá hoại các vệ tinh chuyên dụng, giúp theo dõi lực lượng đối phương, chụp ảnh do thám và phát hiện các vụ phóng tên lửa của Mỹ.

Trong lĩnh vực vũ trụ, cả Nga và Trung Quốc được cho là đã đầu tư tiền của và chất xám nhằm tìm cách tấn công, phá hủy vệ tinh trên quỹ đạo. Tháng 1/2007, Trung Quốc đã trình làng vũ khí chống vệ tinh (ASAT), phá hủy thành công mục tiêu giả định và tiếp tục tiến hành nhiều cuộc phô trương ASAT trong suốt thập kỷ qua. Nga, Trung Quốc và Mỹ đều đã phóng các vệ tinh gần các vệ tinh khác nhằm thu giữ hoặc phá hủy các vật thể đang trên quỹ đạo. Nga còn được cho đã thử một loại tên lửa có thể đuổi theo bắn hạ vệ tinh đang bay.

Tàu vũ trụ tuyệt mật X-37B của Không quân Mỹ. (Nguồn: Space)

Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Dunford cho biết, ngày 29/8 tới đây, Phó Tổng thống kiêm Chủ tịch Hội đồng Không gian Quốc gia Mỹ Mike Pence sẽ chủ trì buổi lễ ra mắt Bộ Chỉ huy Không gian (SpaceCom). Ngay sau đó, Lầu Năm Góc sẽ điều các đơn vị liên quan sang SpaceCom dưới sự chỉ huy của tướng John Raymond - người được Tổng thống Trump đề cử và Quốc hội Mỹ phê chuẩn làm Tư lệnh SpaceCom.

Được thành lập để kiểm soát các hoạt động quân sự của Mỹ trong không gian, SpaceCom sẽ trở thành đơn vị tác chiến thứ 11 trong Lầu Năm Góc, cấu thành từ 87 đơn vị, trong đó có các đơn vị phụ trách phòng chống tên lửa đạn đạo, kiểm soát hoạt động của vệ tinh và giám sát các hoạt động trên không gian vũ trụ. Giống như các bộ chỉ huy tác chiến khác, SpaceCom cũng được chia ra các bộ phận nhỏ dựa theo chiến lược địa chính trị của Mỹ như đơn vị SpaceCom ở Trung Đông, SpaceCom ở Ấn Độ-Thái Bình Dương…

Bộ Chỉ huy Không gian sẽ giám sát các hoạt động có liên quan đến không gian vũ trụ của toàn thể quân đội Mỹ. Sự ra đời của bộ chỉ huy này hoàn toàn tách biệt với mục tiêu trước đó của Tổng thống Trump - thành lập lực lượng vũ trụ như là quân chủng thứ sáu, ngang hàng với các quân chủng Lục quân, Không quân, Hải quân, Thủy quân Lục chiến và Vệ binh Quốc gia.

Trên thực tế, đã nhiều đời tổng thống Mỹ có ý tưởng thành lập lực lượng không gian và cùng với thời gian, chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là xây dựng được một lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống. Lực lượng này có nhiệm vụ tấn công từ không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát toàn bộ không gian gần Trái đất, tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.

Bước phiêu lưu mới đầy nguy hiểm

Việc Mỹ thành lập Bộ Chỉ huy Không gian làm dấy lên lo ngại về việc quân sự hóa, kích hoạt một cuộc đua vũ trang và thậm chí là chiến tranh không gian. Đài Phát thanh quốc tế Pháp coi đây là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao của thập niên 80 thế kỷ trước; truyền thông Australia nói Mỹ muốn bố trí vũ khí lên không gian vũ trụ, ngoài việc làm cho loài người lo ngại về bom hạt nhân treo trên đầu, còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái đất…

Chiến tranh vũ trụ nếu xảy ra, hậu quả sẽ rất thảm khốc. (Nguồn: Zerohedge)

Ngày 13/7, phát biểu trước các đại diện quân đội nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh Pháp, Tổng thống Macron cho biết đã thông qua kế hoạch thành lập Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trụ thuộc Không quân vào tháng 9 tới nhằm củng cố và phát triển năng lực không gian của nước này. Nhà lãnh đạo Pháp cũng thông báo đã thông qua học thuyết quân sự và không gian mới do Bộ Quốc phòng đề xuất.

Trước đó, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga - Tướng Gerasimov chỉ trích ý định của Mỹ sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích quân sự là nhằm mục đích tạo điều kiện tiên quyết cho hoạt động quân sự hóa không gian. Nga cho rằng nếu Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân trên vũ trụ, nhân loại có thể đối mặt thảm họa diệt vong, Nga sẽ buộc phải đối phó với mối đe dọa tiềm ẩn bằng những biện pháp tương ứng và bất đối xứng.

Theo GS Farley (Trường Ngoại giao và Thương mại quốc tế, ĐH Kentucky- Mỹ), động thái của Mỹ sẽ là lý do để Nga và Trung Quốc phát triển thêm vũ khí chống vệ tinh cũng như khả năng cản trở Mỹ sử dụng không gian cho mục đích quân sự.

Theo chuyên gia Korotchenko (Nga), lực lượng không gian Mỹ là mối đe dọa không chỉ đối với Nga mà đối với toàn thế giới, bởi Mỹ sẽ đưa các thiết bị kỹ thuật quân sự vào vũ trụ, sử dụng chiến thuật mới để kiểm soát từ quỹ đạo và tiến hành triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao mới có thể xóa sổ các mục tiêu trên mặt đất. Mỹ có thể thành lập một hạm đội chiến đấu đặc biệt bao gồm các thiết bị vũ trụ nhỏ và có thể được sử dụng nhiều lần với nhiệm vụ thu thập số liệu và phân tích thông tin, kiểm soát các thiết bị của các nước khác trên quỹ đạo, cũng như tiêu diệt chúng nếu cần.

Vũ trụ luôn được coi là một lĩnh vực chiến lược xét từ quan điểm an ninh quốc gia, đặc biệt trong thời đại phát triển như vũ bão của kỹ thuật và công nghệ. Khi Washington có các bước đi mới để mở rộng các khả năng của mình trong không gian, chắc chắn, các quốc gia khác sẽ có những phản ứng cứng rắn và áp dụng các biện pháp tương ứng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. "Bóng ma" một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian đang hiện hiện.

(theo CN News, USA Today, Space)

Lê Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-lap-bo-chi-huy-khong-gian-buoc-phieu-luu-moi-cua-my-100135.html