Thành lập tổ quản lý di tích thuộc sở hữu cộng đồng tại Hội An (Quảng Nam): Một cách làm hay nhưng không được 'khoán trắng'

VH- UBND TP Hội An (Quảng Nam) vừa ra quyết định thành lập Tổ quản lý đối với 10 di tích xếp hạng cấp quốc gia thuộc sở hữu cộng đồng trên địa bàn thành phố (TP). 10 Tổ quản lý di tích (Tổ QLDT) này nằm trong chủ trương thành lập 99 Tổ QLDT tại các di tích thuộc sở hữu tập thể, cộng đồng nhằm kiện toàn, đảm bảo công tác QLDT trên địa bàn của TP Hội An.

Lễ Nguyên tiêu tại hội quán Phúc Kiến

Dựa vào cộng đồng để bảo vệ di tích

Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An (từ đây viết tắt là Trung tâm) cho biết, sau một thời gian nghiên cứu, Trung tâm đã tham mưu và được UBND TP thống nhất chủ trương thành lập 99 Tổ QLDT. Việc thành lập các tổ này được tuân thủ chặt chẽ theo quy định của Luật Di sản văn hóa và “Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” do UBND tỉnh Quảng Nam ban hành vào ngày 26.11.2010 (gọi tắt Quy chế).

Theo đó, Tổ QLDT của 10 di tích cấp quốc gia do UBND TP quyết định; Tổ QLDT 89 di tích cấp tỉnh và thuộc danh mục kiểm kê, bảo vệ của TP sẽ do UBND các xã, phường ban hành quyết định thành lập. Đồng thời giao Trung tâm chủ trì việc đặt bảng nội qui 72 di tích trên địa bàn TP.

Mỗi Tổ QLDT có từ 3-5 thành viên được quy định nhiệm vụ cụ thể, thống nhất và phù hợp với đặc điểm tình hình của từng di tích ở Hội An: Tổ chức thực hiện các văn bản của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng liên quan đến công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời mọi hành vi xâm hại, lấn chiếm di tích. Kịp thời báo cáo và đề xuất với chính quyền địa phương và Trung tâm về các vấn đề xảy ra có liên quan đến di tích. Đảm bảo công tác phòng tránh thiên tai, cháy nổ và các biện pháp khác để bảo vệ hiện vật, di vật và các hạng mục công trình thuộc di tích. Thường xuyên mở cửa, chăm lo hương khói, sắp xếp vật dụng tại di tích gọn gàng, mỹ quan, đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan di tích; trang hoàng di tích trong các dịp lễ, tết truyền thống.

Theo ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, trong công tác quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch trong 19 năm qua, kể từ khi Hội An được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, luôn có sự chung tay, góp sức rất lớn của cộng đồng cư dân, các ban đại diện.

Kiện toàn quản lý di tích theo cách của Hội An

Năm 2006, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế quy định việc quản lý và phân cấp quản lý các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý di tích trên địa bàn. Có địa phương chưa thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc quản lý di tích, thậm chí đã nhận phân cấp quản lý tu bổ di tích trên địa bàn nhưng khi có ý kiến phê phán của công luận thì lại đùn đẩy trách nhiệm cho Sở VHTTDL.

Trước yêu cầu bức thiết của việc quản lý di tích trên địa bàn, cuối năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành “Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”.

Ông Hồ Xuân Tịnh, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTTDL Quảng Nam cho biết, Hội An là một điển hình trong việc xã hội hóa công tác quản lý, bảo tồn di tích. Kiện toàn quản lý di tích theo cách của Hội An có nhiều biện pháp linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo đúng theo Quy chế, quy định. Nhiều di tích thuộc sở hữu tập thể sau khi tu bổ xong đã được trả về với cộng đồng theo chức năng. Thành lập tổ quản lý cộng đồng để quản lý, phục vụ nhu cầu tinh thần của người dân địa phương.

Miếu tổ nghề yến tại Bái Hương - Cù Lao Chàm

Bên cạnh việc thành lập mạng lưới cộng tác viên bảo tồn di sản trong khu phố cổ với 33 thành viên, triển khai thành lập 99 tổ QLDT thuộc sở hữu tập thể, cộng đồng, từ tháng 8.2010, UBND TP cũng hỗ trợ kinh phí bảo vệ 49 di tích trọng điểm trên địa bàn. Theo đó, mức hỗ trợ hằng tháng gồm 200.000 đồng-150.000 đồng-120.000 đồng áp dụng theo thứ tự xếp loại di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và trong danh mục bảo vệ của thành phố.

Một điểm đặc biệt ở Hội An là đối với các di tích ở vùng ven, nằm ngoài khu phố cổ Hội An cũng được quản lý, giữ gìn, chăm sóc nhờ vào ý thức và trách nhiệm của cộng đồng.

Tuy nhiên, theo Trung tâm, nhằm hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, thời gian tới, TP Hội An sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa việc quản lý, tu bổ, sử dụng các di tích ngoài khu phố cổ. Cùng với công tác khảo sát, lập hồ sơ, nghiên cứu các giá trị di tích vùng ven thì cũng sẽ khoanh vùng, bảo vệ, xây dựng những quy chế cụ thể để quản lý, bảo vệ các di tích này. Đồng thời nâng cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo tồn di tích.

Chăm di tích như chăm gia đình

Theo ông Trung, việc lựa chọn nhân sự vào Tổ QLDT cũng được UBND TP Hội An xem xét cẩn thận, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự tâm huyết với công tác bảo tồn di tích nói chung. Đối với các di tích xếp hạng cấp quốc gia, UBND các xã, phường làm việc với cộng đồng địa phương để thống nhất đề xuất nhân sự gửi về Trung tâm để tham mưu cho UBND TP ban hành Quyết định thành lập. Những người được đề cử vào Tổ QLDT phần lớn là những bậc cao niên, có uy tín trong cộng đồng, xem việc chăm lo, giữ gìn di tích, đình, miếu, hội quán là nhiệm vụ mà họ kế thừa từ các thế hệ tiền nhân và vì trách nhiệm với cộng đồng.

Trước khi có quyết định thành Tổ QLDT tại di tích cấp quốc gia đình Sơn Phong thì ở đây đã có Ban đại diện Bảo tồn di tích văn hóa gồm 13 thành viên, do ông Trần Văn Năm làm trưởng ban. Những thành viên của Ban đại diện đều xem đây như trách nhiệm tiếp nối, giữ gìn di tích đình làng, giá trị văn hóa lịch sử do tiền nhân xây dựng.

Tương tự, tại nhiều địa phương khác ở Hội An, trước khi có Tổ QLDT, các địa phương cũng thành lập Ban đại diện, bầu chọn những người có uy tín, am hiểu lịch sử văn hóa, di tích đảm nhận trách nhiệm trực tiếp quản lý cơ sở vật chất, bảo tồn đình làng và tổ chức lễ tế định kỳ thường niên. Hỗ trợ các ngành chức năng của địa phương trong việc bảo quản, giữ gìn di tích. Ban đại diện được cộng đồng tín nhiệm đề cử.

Với họ, di tích, đình làng, miếu tổ, hội quán cũng như ngôi nhà thứ hai, như nhà thờ tộc họ của mình, luôn chăm sóc, giữ gìn sạch đẹp, tôn nghiêm. Những di tích ấy không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng mà còn là nơi để tri ân các thế hệ tiền nhân có công lập đất, dựng làng, thờ phụng những người đã hy sinh trong kháng chiến. Việc chung tay, góp sức cùng chính quyền tu bổ, chỉnh trang, quản lý các di tích, đình, miếu, hội quán,… là một trách nhiệm với cộng đồng địa phương.

Cụ Nguyễn Văn Tin ở thôn Trảng Kèo (xã Cẩm Hà) năm nay đã gần 80 tuổi, gần như ngày nào cũng dành thời gian đến miếu Âm Linh của thôn để quét dọn, hương khói, lo liệu việc cúng tế vào các dịp lễ hội truyền thống. Cụ Tin bảo từ xưa nay cụ coi việc này như một lẽ đương nhiên, dù trước đây không có chuyện thành lập Tổ QLDT thì các cụ trong làng vẫn tự nguyện phân công nhau lo sắp xếp chuyện cúng tế, trông coi cảnh quan, giữ gìn sự tôn nghiêm, các giá trị văn hóa truyền thống của di tích địa phương.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực di sản, việc TP Hội An ra quyết định thành lập Tổ QLDT thuộc sở hữu cộng đồng là một cách làm hay, cần được đánh giá và nhân rộng bởi nó thật sự thấm nhuần chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và nay có thêm là “dân quản”. Tuy nhiên, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng có thẩm quyền không được phép “khoán trắng” mọi vấn đề cho Tổ QLDT này.

KHÁNH CHI

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/thanh-lap-to-quan-ly-di-tich-thuoc-so-huu-cong-dong-tai-hoi-an160quang-nam160mot-cach-lam-hay-nhung-khong-duoc-khoan-trang