Thanh long rớt giá là hàng dạt và dội chợ

Trong thời gian gần đây, do sản lượng nhiều nhưng sức tiêu thụ thấp nên giá thanh long ở Bình Thuận rớt xuống chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Thanh long chín đầy vườn ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc nhưng thương lái chưa thu mua

Thanh long chín đầy vườn ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc nhưng thương lái chưa thu mua

Thanh long rớt giá mạnh

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, do năm nay nắng hạn kéo dài từ tháng 5 đến cuối tháng 6/2018 và mưa kéo dài trong tháng 7/2018 nên thanh long ra lứa hoa tự nhiên gần cuối vụ chính (đầu tháng 8/2018) và thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018. Với sản lượng thu hoạch trong thời gian ngắn, vì thể khả năng tiêu thụ, thu mua dự trữ của các doanh nghiệp trở nên quá tải.

Mặt khác, vào thời điểm tháng 9, độ ẩm cao do mưa nhiều ,dẫn đến bệnh đốm nâu phát triển hơn làm cho chất lượng trái thanh long giảm mạnh. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu khoảng 6.310ha, chiếm khoảng 21% tổng diện tích trồng thanh long. Thanh long chất lượng thấp, cùng với việc các địa phương như Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… tăng diện tích trồng thanh long và thu hoạch rộ cùng thời điểm, góp phần tác động đến sức mua và giá bán thanh long của Bình Thuận.

Theo Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, thanh long Bình Thuận giảm giá thuộc các mặt hàng kém chất lượng, các sản phẩm đạt chất lượng cao thương lái vẫn mua với giá cao để xuất khẩu. Mặt khác, yếu tố tác động đến giá thanh long là do thị trường Trung Quốc, nơi tiêu thụ 80-90% thanh long của Việt Nam giảm thu mua, nhưng không có chuyện ngừng thu mua như một số nguồn tin đã thông tin.

Ông Hoàng Thanh Hải, chủ một doanh nghiệp chuyên thu mua thanh long xuất đi Trung Quốc tại TP. Phan Thiết cho biết, thị trường Trung Quốc giảm thu mua thanh long của Việt Nam là do dịp Tết Trung thu và ngày quốc khánh của Trung Quốc (1/10) đã qua, nhu cầu tiêu dùng đối với trái thanh long giảm.

Hỗ trợ tiêu thụ thanh long

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, diện tích trồng thanh long hiện nay đạt khoảng 29.450ha; sản lượng 591.960 tấn; tăng khoảng 51.710 tấn hơn so với năm 2017. Trong đó, diện tích thanh long đã được chứng nhận VietGAP chỉ có hơn 9.854ha và chứng nhận GlobalGAP là 262ha .

Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện có 97 cơ sở thu mua, sơ chế; 11 doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch; 3 doanh nghiệp chế biến thanh long với sản phẩm nước ép, sấy khô và sấy dẻo; 2 doanh nghiệp chế biến rượu thanh long. Từ cuối tháng 9/2018 đến nay, giá thanh long tại Bình Thuận giảm mạnh, ngoài một lượng không nhiều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP bán được giá cao, số lớn còn lại chỉ bán được 1.000-2.000 đồng/kg, thậm chí có những khu vườn không tiêu thụ được vì chất lượng kém.

Để giúp người nông dân giảm bớt thiệt hại, nhiều doanh nghiệp, tổ chức xã hội đã thu mua và tiêu thụ. Siêu thị Saigon Co.op vừa thông báo đã có kế hoạch thu mua thanh long cho nông dân ở khu vực miền Tây Nam bộ và Bình Thuận. LOTTE Mart thu mua tại vườn cho nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận với mức giá 5.000 – 7.000 đồng/kg. Dự kiến, LOTTE Mart sẽ hỗ trợ thu mua 5-7 tấn thanh long và bán ra 5.900 đồng/kg tại LOTTE Mart Nha Trang và Phan Thiết; 8.500 đồng/kg tại các siêu thị còn lại.

Thanh long đang vào mùa chín, hàng nghìn tấn thanh long đang dồn ứ, giá xuống thấp, khâu tiêu thụ đang rất khó khăn, sự hợp tác của các doanh nghiệp và tổ chức xã hội chưa nhiều, do đó rất cần sự chung tay của cả xã hội. Ông Huỳnh Văn Bản, nông dân ở xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận nói rằng, ngoài các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người tiêu dùng chia sẻ với nông dân trồng thanh long bằng cách mua thêm sản phẩm này để giảm bớt khó khăn.Để giảm thiểu sự dồn ứ về số lượng và giá xuống thấp của trái thanh long, các chuyên gia về kinh tế cho rằng, nông dân Bình Thuận và các địa phương cần giảm dần lối canh tác tự phát mà chuyển qua sản xuất theo chuỗi để sản phẩm đạt chất lượng cao. Trong khâu tiêu thụ, nông dân, hợp tác xã trồng thanh long cần liên kết với các doanh nghiệp thương mại để có kế hoạch tiêu thụ bài bản và dài hạn. Mặt khác, các cơ quan quản lý cần có dự báo về thị trường chính xác để người trồng thanh long có cơ sở hoạch định về gieo trồng và giảm thiểu rủi ro.

Thế Vĩnh-Thanh Lan

Nguồn Công Thương: http://congthuong.vn/thanh-long-rot-gia-la-hang-dat-va-doi-cho-110052.html