Thanh minh nơi Công viên Ước

Thanh minh trong tiết tháng Ba âm lịch. Khi những sợi mưa giăng mắc còn sót lại của mùa xuân chín đang nhẹ nhàng thả xuống cỏ cây, chúng tôi có mặt tại công viên Ước để dự một bữa tiệc nho nhỏ ấm cúng nhân ngày chủ nhân của khu Công viên tâm linh này cho ra mắt tập cuối bộ tiểu thuyết 'Kiếp người' và tập thơ mới 'Gió hoang' cùng với vườn thơ đá nên thơ và ấn tượng...

Dạo gót trên những lối đi rải sỏi, nghe tiếng chuông chùa ngân nga thánh thót, và dừng lại trên những phiến đá thơ, trên đó người nghệ sĩ điêu khắc đã nắn nót tạc lên những bài thơ ngẫm nghĩ về thế sự, về nhân tình thế thái, về một đời được mất của chủ nhân Hữu Ước để sẻ chia tâm trạng cùng ông, và cũng để ngẫm về cuộc đời vốn dĩ vô thường này.

Đọc những bài thơ khắc ghi lên đá trong lối đi qua khu mộ người vợ tảo tần một đời thương quý của Trung tướng - nhà văn Hữu Ước, ai nấy đều mang một cảm giác ngùi ngẫm. Với một khung cảnh đẹp mê đắm thế này, Hữu Ước như người đi lệch vai... bởi thiếu hình bóng người phụ nữ bên cạnh, thiếu vắng bàn tay dịu dàng ấm áp của người vợ, không gian này dường như cũng trở nên mênh mông diệu vợi hơn.

Các nhà văn, nhà thơ và cán bộ Báo CAND chụp ảnh tại Công viên Ước.

Dừng chân bên những phiến đá khắc thơ, bất giác chúng ta liên tưởng tới câu chuyện trong bộ sách “Hạt giống tâm hồn” với thông điệp nổi tiếng "viết tổn thương lên cát và khắc lòng biết ơn lên đá"... Ngẫm cho cùng, cuộc đời của chủ nhân Hữu Ước cũng đã trải qua không biết bao nhiêu bầm dập, tổn thương từ những va đập sóng gió, bao nỗi cay đắng những lúc sa cơ lỡ vận...

Thế nhưng, mang danh một vị “anh hùng", Hữu Ước luôn biết thanh lọc tâm hồn khi ông chọn cách sống lạc quan, yêu đời. Những bài thơ khắc lên đá chính là cách Hữu Ước khắc ghi lòng biết ơn, bày tỏ niềm hạnh ngộ, bày tỏ lòng ân huệ sâu sắc với chính cuộc đời. Nếu không có những sóng gió trong cuộc đời ấy, chắc gì đã hun đúc, tôi luyện một vị Trung tướng Anh hùng như hôm nay.

Dạo gót trong vườn thơ đá của Công viên Ước, trong tiết thanh minh tháng Ba, đọc những dòng thơ về thế sự ấy..., dường như lòng người cũng trở nên thanh thản mà ngẫm về sự được mất ở đời, ngẫm về cõi vô thường, ngẫm về ranh giới được mất của hai chữ "danh" và "lợi", để rồi tạo cho mình một tâm thế bình an tự tại....

Xét cho cùng, "nhân vô thập toàn", sóng gió cuộc đời vẫn còn cuộn chảy trong khí quản, trong nội lực của Hữu Ước... Phía trước bình an hay sóng gió, với ông Hữu Ước thật khó đoán định, bởi trong ông luôn ắp đầy một năng lượng, năng lượng đó không kìm chân Hữu Ước đứng yên. Hữu Ước không thuộc tuýp người về hưu an nhàn hưởng thụ. Bởi Hữu Ước có quá nhiều năng lượng. Ông dành năng lượng ấy cho tình yêu với cuộc sống, với sự sáng tạo vô giới hạn. Nghỉ bút viết tiểu thuyết thì ông làm thơ, xong công trình Công viên Ước thì ông làm điêu khắc vượn tượng thơ đá...

Và cũng bởi nếu thiếu đi tình yêu ấy, thiếu đi sự sáng tạo không ngưng nghỉ kia thì không còn là Hữu Ước nữa. Thế nên, việc ông dồn hết tâm lực để làm việc, sáng tạo, chạy đua với thời gian, để cống hiến cho đời những tác phẩm nghệ thuật và công trình Công viên Ước trong những năm tháng nghỉ hưu bận rộn này mới đúng chất "đặc biệt" của một vị Trung tướng - nhà văn.

(Viết tại Công viên Ước tiết Thanh Minh trong ngày lễ ra mắt bộ tiểu thuyết "Kiếp Người" và tập thơ "Gió hoang" cùng vườn thơ đá. 28-4-2018).

N.B

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/thanh-minh-noi-cong-vien-uoc-489206/