Thanh minh trời sáng mây quang

Người 'Hà Nội phố', tức những người đã sống lâu đời trên đất Hà thành, dù quê quán xa xôi hay khuất lấp theo thời gian thì vào dịp Thanh minh cũng chọn cho mình cách thể hiện lòng thành với ông bà, cha mẹ phù hợp chứ không hề xao nhãng. Và họ cũng tùy theo việc chôn cất ông bà, cha mẹ ở đâu để bày tỏ lòng thành.

Tết Thanh Minh đi tảo mộ là một nét đẹp của người Việt

Tết Thanh Minh đi tảo mộ là một nét đẹp của người Việt

Thanh minh trong tiết tháng ba

Thanh minh là 1 ngày “tiết” trong 24 tiết của năm và được tính theo Dương lịch, ngày Thanh minh thường rơi vào ngày 5-4 hàng năm (đôi khi còn rơi vào ngày 4-4) và kết thúc vào ngày 20 hoặc 21-4. Do vậy “tiết Thanh minh” không chỉ diễn ra trong một ngày cụ thể mà sẽ kéo dài hơn nửa tháng khi trời đất chuyển sang tiết “Cốc vũ” (nghĩa là những cơn mưa rào mùa hạ sẽ đổ xuống). Đã qua Giêng hai, xuân cũng đã cuối mùa, các cụ vẫn nói: “Qua Thanh minh thì trời sẽ nắng” cũng có nghĩa là mùa hè sắp tới.

Dịp Thanh minh, đó là khi vừa qua “tiết xuân phân”, khí trời sáng xanh, đất tràn hưng khí, cỏ cây mơn mởn, lòng người phơi phới, cây cối được mưa xuân tắm tưới đã nẩy lộc đâm chồi, lá non mọc lên nõn nà, cỏ dưới chân chợt trở nên xanh biếc đến “rợn chân trời”. Ngoài đồng, lúa đã qua thì con gái, cả một “biển xanh” rì rào hát khúc ca mùa vụ.

Thanh minh là một ngày đẹp trời, tên gọi “Thanh minh” đã nói lên điều đó. Chẳng thế mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Thanh minh trong tiết tháng ba/ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh/ Gần xa nô nức yến oanh/ Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân”. Và cũng chỉ với 4 câu thơ thế thôi, Nguyễn Du đã vẽ nên bức tranh xuân tuyệt vời. Và căn cứ vào những câu thơ ấy, chúng ta đều biết trong ngày Thanh minh thường diễn ra 2 nội dung chính.

Đến hẹn lại về

Mấy năm trở lại đây, đời sống kinh tế xã hội có nhiều tích cực nên dịp Thanh minh rất được người Hà Nội quan tâm và coi đây là một dịp lễ không thể thiếu, dù có bận gì thì bận nhưng Thanh minh cũng phải bố trí một ngày để về quê tảo mộ. Ngày về quê dịp Thanh minh giờ cũng “uyển chuyển” hơn. Nếu như ngày chính lễ Thanh minh rơi vào cuối tuần thì càng tuyệt vời, nếu không thì chọn ngày Chủ nhật nào đó trong dịp Thanh minh cũng được.

Người “Hà Nội phố”, tức những người đã sống lâu đời trên đất Hà thành, quê quán xa xôi hay khuất lấp theo thời gian thì vào dịp Thanh minh cũng chọn cho mình cách thể hiện lòng thành với ông bà cha mẹ phù hợp, chứ không hề xao nhãng và cũng tùy theo chuyện chôn cất ông bà cha mẹ ở đâu để bày tỏ lòng thành. Nếu mồ mả ông bà cha mẹ được táng “nhờ” ở ngoại thành thì kéo nhau ra ngoại thành hương khói. Nếu mồ mả táng ở các nghĩa trang kiểu “công viên vĩnh hằng” thì chọn ngày nghỉ để “sắm sửa ngựa xe” làm chuyến hành hương về nơi bậc sinh thành an nghỉ. Đây cũng là dịp cho con cháu được về với thiên nhiên sau những tháng ngày trên Thủ đô ồn ào, chen chúc. Khi việc hương khói xong xuôi thì anh em con cháu cùng tụ về một nhà ai đó, rồi cùng nhau ăn uống, chuyện trò cũng chẳng kém những người “có quê” để về quê đâu.

Trong quan niệm của người Việt, khi năm mới đến mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất

Lễ là tảo mộ

Hôm nay là ngày Chủ nhật, theo dòng người tảo mộ trong tiết Thanh minh, tôi cũng mang hoa tươi, hương nến cùng hòa vào dòng người nô nức. Nghĩa trang quê tôi giờ đã khang trang hơn rất nhiều. Đầu tiên là cổng được xây mới, cao và rộng đủ để cho xe ô tô 5 chỗ, 7 chỗ tới 20 chỗ ra vào thuận lợi. Con đường đất dẫn từ cổng chạy xuyên qua nghĩa trang cũng đã được mở rộng, không làm vấy bẩn những chiếc quần chiếc áo vừa lịch sự, vừa thời trang của dòng người đang lũ lượt đổ về cho dù sáng nay trời còn mưa xuân rắc bụi. Đời sống đã nâng cao nên mọi người về nghĩa trang quê nhà thắp hương kính viếng các cụ cũng chuẩn bị không những đủ đầy mà cũng khá tươm tất. Thực ra cũng hơi lãng phí và cũng hơi phù phiếm, hình như ở đây còn có chút ganh đua với người ở làng, với những người làm ăn phương xa cùng trở về dịp này. Có lẽ vậy chăng mà thay vì chỉ có chút hương hoa thì đa phần mọi người sắm sửa “mâm cao cỗ đầy” nên cảnh chen chúc khiến nghĩa trang trở nên chật hẹp. Đôi khi phải đứng nép vào sát ngôi mộ nào đấy nhường lối cho những đoàn mà kẻ thì đầu đội mâm hoa quả, người lại tay khệ nệ mâm xôi.

Thực ra (nếu hiểu cho kỹ) thì vào dịp cuối năm con cháu đã về quê, đã ra nghĩa trang làm lễ Tạ mộ. Trong lễ ấy cũng đã mâm nọ, mâm kia đầy đủ cả rồi. Ngày Thanh minh thực chất là ngày cuối xuân, đón hạ, con cháu ra “thăm” lại mồ mả ông bà sau Tết, thắp nén hương thơm, tiện tay nhổ cỏ hay lau chùi bụi mưa sương. Câu nói “tảo mộ” đã bao hàm hình thức đó. Tảo tức là chỉ “lướt” qua, thăm viếng, nhổ cỏ cho ngôi mộ tổ tiên sạch sẽ, tươm tất. Ấy là thể hiện lòng thành kính của mình, cốt là “báo cáo” với các cụ dịp Tết vừa rồi được sự phù hộ nên con cháu đầm ấm và đầy đủ. Thế là ông bà, tổ tiên biết được mà mừng, mà tiếp tục độ trì cho làm ăn phát đạt.

Hội là hàn huyên

Đối với người Việt Nam, Tết Thanh minh là dịp để hướng về cội nguồn. Dù đi xa thì vào ngày này gia đình cùng tụ họp đi tảo mộ, sau đó về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình.

Ở quê tôi cũng vậy. Chuẩn bị tới Thanh minh, ông trưởng chi đã gọi điện hỏi han, nhắn tin nhắc nhớ và “lên kế hoạch” rất cụ thể. Có chuyện đó bởi mấy ngày nghỉ Tết, trong họ có người được về quê đủ 3 ngày Tết, có người chỉ được 1 - 2 ngày, có người xa xôi thì chỉ “chạy ào” về quê hôm trước Tết. Thêm nữa, mấy ngày Tết dù có về quê, nhưng nào là chuẩn bị Tết cho nhà mình, nào là chỉ đảo qua nhà nhau nói câu chúc tụng, cùng lắm là nhấp ly rượu hay uống chén trà rồi vội vã qua sang nhà khác cho đủ lượt kẻo mang tiếng. Thành ra, gặp nhau chỉ chốc lát chứ chẳng có thời gian ngồi trò chuyện.

Ngày Thanh minh lại hay hơn ngày Tết bởi sau khi thắp hương ông bà, tổ tiên, thì kéo đến nhà ông trưởng hoặc nhà thờ họ. Thắp hương trước bàn thờ tổ xong thì rải chiếu, bày mâm, cùng nhau nâng chén rượu tíu tít hỏi han. Hỏi chuyện vừa rồi ăn Tết ra sao, công ty thưởng Tết thế nào, có đứa con nào ở xa không về được… Nhưng hỏi nhau nhiều nhất là chuyện làm ăn của năm tới rồi mừng cho nhau. Chuyện cứ dài dài, đang chuyện này chuyển sang chuyện khác, chắc là phải sửa lại câu thơ “Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” của cụ Nguyễn Du thành “Lễ là tảo mộ, hội là hàn huyên” thì mới hợp. Có trò chuyện lâu lâu mới hiểu đúng, hiểu đủ về nhau. Mà có như thế mới gọi là “về quê” chứ. Rồi sau đó mọi sự lại cuốn vào guồng quay của cuộc sống. Rồi lại hẹn nhau dịp Thanh mình năm tới lại ngồi hàn huyên.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/thanh-minh-troi-sang-may-quang-post537066.antd