Thanh Nghị, nhà văn, nhà báo yêu nước tài năng và đức độ

Tôi biết tiếng 'Thanh Nghị' khá sớm vào những năm 1951, 1952 qua những cuốn từ điển Pháp – Việt, rồi Anh – Việt mang tên ông mà chúng tôi – học sinh thời đó thường sử dụng hàng ngày. Song mãi đến Hội nghị trù bị Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất cả nước với phiên họp đầu tiên tại Hà Nội ngày 6/7/1976, tôi mới có dịp làm quen với ông. Lúc đó, ông là đại biểu Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam, còn tôi là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt – Trưởng ban trù bị Đại hội t

Bút tích nhà báo Thanh Nghị.

Tại Hội nghị đó, tình cờ ông và tôi lại được cử vào tiểu ban văn kiện Đại hội. Qua quá trình làm việc, từ quen thành thân. Đặc biệt, sau này khi ông được bầu làm Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận, được tiếp xúc nhiều với nhà văn, nhà báo, nhà tự điển học Thanh Nghị, chúng tôi “khám phá” được rất nhiều phẩm chất cao quý ở ông – một trí thức uyên thâm, đa tài và giàu lòng yêu nước.

***

Thanh Nghị tên thật là Hoàng Trọng Quy, còn Thanh Nghị là bút danh anh thường dùng. Hoàng Trọng Quy sinh năm 1917 tại Hương Thủy – Thừa Thiên – Huế trong một gia đình khoa bảng quan lại nghèo. Cụ thân sinh ra anh là Hoàng Trọng Đàn – “dân Tây học” như báo chí thời đó thường viết. Anh là con thứ ba. Lên 6 tuổi, anh học theo chương trình giáo dục của Pháp, thời đó. Ngoài học ở trường, anh còn học chữ Nho theo chế độ hàm thụ. Là người “sáng dạ”, thông minh, mới học được 6 tháng, anh đã đọc được Tam Quốc Chí và báo chí tiếng Trung.

Sau khi tốt nghiệp tú tài phần I mới 16 tuổi, anh rời quê hương vào Sài Gòn vừa kiếm sống, vừa học thêm, mà tự học là chủ yếu; học qua sách báo, qua tự điển, qua công việc và bạn bè v.v…

23 tuổi, anh với bút danh Thanh Nghị tham gia phụ trách tạp chí Trong khuê phòng – một tạp chí của những cây bút có tên tuổi như: Hàn Mạc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Thúc Tề, Trần Thanh Địch v.v… Đồng thời anh làm trợ bút cho tờ ASIE NOUVELLE.

Ngày 1/9/1939 chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận dân chủ bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Tạp chí Trong khuê phòng cũng như nhiều tạp chí, nhiều tờ báo tiến bộ khác đều bị đóng cửa.

Sau khi tạp chí Trong khuê phòng bị cấm phát hành, anh cùng em trai là Hoàng Trọng Miên ra tờ Người mới – một tờ báo khá hấp dẫn bạn đọc thời đó vì nội dung phong phú, hấp dẫn đưa tin sớm về thể thao và điện ảnh. Báo bán rất chạy và thu lời khá, giúp anh có vốn để tổ chức một xưởng in riêng và sắm các phương tiện chuyên sâu để chuyển sang nghề biên soạn và in ấn tự điển.

Ngày 9/3/1945, Nhật hất cẳng Pháp. Tình hình xã hội bất ổn, anh mang cả gia đình ra Vũng Tàu lánh nạn và tranh thủ học thêm chữ Hán. Tháng 6/1945, theo Lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, được đồng nghiệp báo chí giúp đỡ, anh trở về Sài Gòn và được gặp đồng chí Trần Văn Giàu – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ và được phân công tham gia giành chính quyền ở Sài Gòn – Chợ Lớn.

Vừa giành được chính quyền ít ngày thì đêm 22 rạng sáng 23/9 năm 1945, quân đội Pháp được sự trợ giúp của quân Anh với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân Nhật, đã nổ súng tấn công các lực lượng của ta ở Sài Gòn – Gia Định. Hội nghị Xứ ủy quyết định phát triển rộng khắp các đơn vị du kích, lấy chiến tranh du kích làm chính, thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, làm “vườn không nhà trống”, ngăn chặn bước tiến của giặc, đồng thời vận động quần chúng, nhất là tầng lớp trí thức tản cư, bất hợp tác với giặc. Bản thân Thanh Nghị được điều ra công tác tại Liên khu IV.

Cuối năm 1946, anh được tổ chức điều trở lại Sài Gòn để hoạt động bí mật.

Vốn có sẵn nhà in riêng và các phương tiện chuyên môn cần thiết cho việc biên soạn và in ấn tự điển, anh từ một nhà văn, nhà báo trở thành nhà “tự điển học”. Theo anh thường kể: “Mình huy động cả gia đình vào sự nghiệp mới: làm tự điển. Bản thân mình đem hết trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết cho công việc này song song với nhiệm vụ “tối mật” mà tổ chức phân công”.

Công việc được tiến hành thuận lợi; nhiều cuốn tự điển được xuất xưởng như: “Việt Nam tân tự điển minh họa”; “Pháp – Việt tân tự điển minh họa”; Anh – Việt tự điển”, “Việt – Anh tự điển”, “Việt – Pháp tự điển” v.v… Và “tài liệu mật”, “báo cáo mật” vẫn đều đặn gửi ra “vùng căn cứ”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết vào ngày 20-7-1954 quy định:

1. Các nước dự Hội nghị công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; quy định sẽ Tổng tuyển cử tự do trong cả nước vào tháng 7/1956 để thống nhất đất nước.

2. Trong khi chờ đợi tiến hành Tổng tuyển cử hòa bình thống nhất đất nước, hai bên ngừng bắn, chuyển quân tập kết về hai miền Bắc và Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến tạm thời.

Anh được phân công ở lại miền Nam và tiếp tục các công việc cũ.

Song công việc không suôn sẻ. Chính năm 1960 anh cùng nhiều đồng chí trong nhóm bị chính quyền Sài Gòn bắt giam cùng toàn bộ sách báo đã và đang in chỉ vì anh định nghĩa “chủ nghĩa cộng sản” đúng với bản chất của nó trong tự điển của mình.

Ra tù, cuộc sống khó khăn, máy móc nhà in phải bán dần để mưu sinh. Anh cùng cả nhóm mất liên lạc với tổ chức.

Từ năm 1963, anh tham gia phong trào Phật giáo đòi lật đổ chế độ độc tài phân biệt đạo giáo và phong trào Dân tộc tự quyết do luật sư Nguyễn Long phát động. Năm 1965 anh lại bị chính quyền Sài Gòn bắt một lần nữa và tịch thu toàn bộ tài sản.

Năm 1968, sau Tết Mậu Thân, Thanh Nghị thoát ly ra vùng giải phóng. Anh cùng các nhân sĩ, trí thức có tên tuổi đứng lên thành lập Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam. Với trọng trách Phó Tổng thư ký Liên Minh, bằng uy tín của mình, anh đã vận động được khá nhiều trí thức thuộc nhiều ngành nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia Liên Minh để cùng toàn dân chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền Sài Gòn. Do những hoạt động yêu nước của mình, anh đã bị tòa án Sài Gòn kết án “tử hình khiếm diện” và lại một lần nữa bị tịch thu toàn bộ tài sản. Được tin này, anh nói với bạn bè trong Liên Minh: “Tài sản thì mấy lần bị vơ vét rồi, nay còn gì mà tịch thu. Còn tử hình thì vào đây mà bắt”.

Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu ra Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Nhà văn Thanh Nghị được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Thông tin – Văn hóa. Sau đó, anh được biệt phái sang cơ quan văn nghệ để cùng Bộ trưởng Lưu Hữu Phước củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Bộ Thông tin – Văn hóa.

Ngày 30/4/1975 anh trở lại Sài Gòn đáng nhớ - nơi anh đã hai lần bị tù và một lần bị “tử hình khiếm diện” – trong đoàn quân chiến thắng.

Tại Hội nghị trù bị Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất cả nước họp phiên đầu tiên vào ngày 6/7/1976 tại Hà Nội, anh được cử vào tiểu ban văn kiện Đại hội.

Đại hội thống nhất các tổ chức Mặt trận của cả nước được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống nhất thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977. Tại Đại hội lịch sử này, nhà văn, nhà báo Thanh Nghị được bầu vào Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và được Đoàn Chủ tịch phân công tham gia tiểu ban tư tưởng và văn hóa của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Với kiến thức và kinh nghiệm vốn có, anh đã cùng tiểu ban giúp Ủy ban Trung ương Mặt trận đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nền văn hóa mới và con người mới, vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới, đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực trong đời sống văn hóa – xã hội, xóa bỏ hủ tục và các tệ nạn xã hội.

Về mặt chính quyền, anh được bổ nhiệm làm Giám đốc Thư viện khoa học kỹ thuật Trung ương (khu vực II). Dựa vào những gì đã tích lũy và ghi chú trong những năm tháng ở chiến khu, anh viết cuốn Hồi ký khoảng 400 trang. Được biết Nhà nước có chủ trương biên soạn cuốn Bách khoa toàn thư, anh rất mừng và hết sức xúc động khi được Mặt trận Trung ương giới thiệu anh tham gia ban soạn thảo.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gặp gỡ, động viên khuyến khích và giao cho anh phụ trách kỹ thuật in ấn bộ sách quan trọng này. Để hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng tin tưởng giao phó, anh đã hai lần sang Pháp gặp bà con, bạn bè và các tổ chức trước đây đã từng cộng tác để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Sau chuyến sang Pháp lần thứ hai, anh lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời vào ngày 29/ 4/1988.

Để tưởng nhớ anh, năm 1989 nhân giỗ đầu, gia đình và bạn bè cho xuất bản cuốn Hồi ký “Tháng ngày tôi sống với những người cộng sản” và năm 1991 xuất bản cuốn “Việt Nam tân tự điển minh họa” được bạn đọc cả nước hoan nghênh và đánh giá cao. Nhà văn, nhà báo, nhà tự điển học Thanh Nghị là niềm tự hào của những trí thức yêu nước.

Những đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và những tác phẩm của ông sống mãi với trong nhân dân ta.

Nguyễn Túc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/thanh-nghi-nha-van-nha-bao-yeu-nuoc-tai-nang-va-duc-do-tintuc424362