Thanh niên Cao vọng

Đó là tổ chức chính trị do cụ Nguyễn An Ninh phối hợp cùng một số trí thức yêu nước thành lập năm 1925 tại Nam bộ.

“Thanh niên Cao vọng” có nghĩa là thanh niên sống phải có hoài bão lớn, có ước mơ cao đẹp, mà ước mơ cao đẹp nhất là phụng sự đất nước và phải đấu tranh để đạt được ước mơ đó, phải dám ra khỏi nhà, quan sát cuộc sống quanh mình, mở tầm nhìn rộng, đem tài năng đưa dân tộc ta ngang hàng với các nước trên thế giới, làm cuộc sống dân ta tươi đẹp hơn. Tổ chức Thanh niên Cao vọng nhằm chuẩn bị lực lượng khi cách mạng cần. Hội viên tổ chức Thanh niên Cao vọng là những quần chúng yêu nước, không phân biệt giai cấp và được tuyển chọn, được học tập, bồi dưỡng rèn luyện, hoạt động sôi nổi trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn và các vùng lân cận.

 Khu tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Khu tưởng niệm Nguyễn An Ninh tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Để tuyên truyền, vận động, tuyển chọn kết nạp hội viên, cụ Nguyễn An Ninh đã vượt qua nhiều gian khổ để đi khắp các vùng Nam bộ nhằm xây dựng cơ sở (Hội kín Nguyễn An Ninh). Biết tin cụ Nguyễn An Ninh đi đến đâu, người dân đều ngưỡng mộ tìm đến gặp và mong được nghe cụ diễn thuyết, nói chuyện. Cụ thường hẹn mọi người đến các ngôi chùa hoặc ra cánh đồng vắng nói chuyện để tránh sự theo dõi, gây khó khăn của chính quyền thực dân. Qua các buổi nói chuyện, cụ chọn ra những người ưu tú, nhất là trong thanh niên người giàu lòng yêu nước để huấn luyện và kết nạp vào tổ chức. Khi kết nạp, mọi thành viên đều phải xin thề trước bàn thờ Tổ quốc, luôn trung thành với Tổ quốc, thà chết chứ không phản lại Tổ quốc, không phản lại tổ chức, đồng chí của mình. Nội dung tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện, cụ Nguyễn An Ninh tập trung giới thiệu những nội dung, tư tưởng, học thuyết cách mạng của các nhà tư tưởng, các cuộc cuộc cách mạng tiến bộ ở châu Âu, châu Á…, đồng thời khơi dậy lòng yêu nước, khát vọng giải phóng dân tộc, vạch rõ bản chất bóc lột của chế độ thực dân Pháp tại Việt Nam và những nguyên nhân, kinh nghiệm, bài học thất bại qua các cuộc khởi nghĩa… Để mọi người dễ hiểu, cụ chủ động viết sách, soạn các tài liệu theo dạng đối đáp ngắn gọn súc tích và in sách dạng khổ nhỏ để mọi người có thể bỏ túi tự học, nghiên cứu, trao đổi mọi lúc, mọi nơi. Đến năm 1926, tổ chức Thanh niên Cao vọng đã tập hợp được gần 7.000 thành viên.

Lo ngại trước sự phát triển nhanh của tổ chức Thanh niên Cao vọng lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn để trấn áp. Đến cuối năm 1929, Nguyễn An Ninh bị thực dân Pháp bắt và kết án 3 năm tù giam, 5 năm mất quyền công dân và phạt 1.000 quan về tội lập hội kín. Tuy tồn tại không dài, nhưng thông qua tổ chức Thanh niên Cao vọng, những tư tưởng cách mạng tiến bộ đã đến được với quần chúng, góp phần giáo dục, vận động cách mạng, xây dựng được lớp thanh niên ưu tú, trí thức yêu nước có lý tưởng, hoài bão. Sau này hầu hết những cốt cán trong tổ chức Thanh niên Cao vọng đều đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản.

Trẻ em phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh vui tìm hiểu về cụ Nguyễn An Ninh tại Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh.

Cụ Nguyễn An Ninh sinh ngày 15-9-1900, tại quê ngoại thuộc xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, trong một gia đình trí thức nho học giàu truyền thống yêu nước. Sau nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, cụ hy sinh tại Côn đảo vào tháng 8-1943. Sự cống hiến, hy sinh của cụ Nguyễn An Ninh là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ về lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí bất khuất quật cường, sống giản dị, gần gũi quần chúng.

Hiện nay, nhiều trường học, đường phố ở các tỉnh, thành phố phía Nam đã được mang tên Nguyễn An Ninh. Vào dịp lễ, Tết, ngày nghỉ đông đảo thanh niên, học sinh, nhân dân lại đến dâng hương, tìm hiểu học tập tư tưởng, tấm gương cụ Nguyễn An Ninh tại khu Nhà tưởng niệm Nguyễn An Ninh ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TP Hồ Chí Minh.

Bài và ảnh: NGUYỄN DUY HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/thanh-nien-cao-vong-610081