Thanh niên ngoại giao và xúc cảm trong chuyến đi thăm Nhà tù Hỏa Lò

Chuyến thăm Nhà tù Hỏa Lò đã khiến tôi và các bạn thanh niên thêm tự hào về tinh thần yêu nước, quả cảm và quật cường của các thế hệ cha anh đi trước

Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 26/3, Chi đoàn Vụ Trung Đông - châu Phi đã tổ chức buổi đi thăm và dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ tại Khu Di tích Nhà tù Hỏa Lò.

Nhân dịp kỷ niệm thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 26/3, Chi đoàn Vụ Trung Đông - châu Phi đã tổ chức buổi thăm và dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ tại Khu Di tích nhà tù Hỏa Lò. Cùng tham dự có các bạn đoàn viên thanh niên Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn và Học viện Ngoại giao.

Nhà tù Hỏa Lò là một trong những di tích lịch sử đặc biệt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Từ một làng nghề truyền thống của người Hà Thành xưa, nơi đây đã bị thực dân Pháp biến thành nơi giam cầm, tra tấn những người con ưu tú của đất Việt.

Năm 1896, nhằm trấn áp những người chống đối trong cuộc chiến ở Đông Dương, quân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò với quy mô và kiến trúc kiên cố bậc nhất khu vực lúc bấy giờ để giam giữ hàng nghìn chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Cùng với các nhà tù tại Côn Đảo, Phú Quốc, nhà tù Hỏa Lò được ví như “địa ngục trần gian” trong giai đoạn đất nước ta còn nằm dưới sự cai trị của thực dân Pháp.

Dù đã nhiều lần nghe đến Hỏa Lò thông qua các phương tiện truyền thông và các câu chuyện lịch sử, song đây là lần đầu tiên tôi và nhiều bạn thanh niên được "tai nghe, mắt thấy" những dụng cụ tra tấn cả về thể xác và tinh thần đối với các chiến sỹ cách mạng.

Chuyến đi là hoạt động bổ ích cho chúng tôi được biết thêm nhiều thông tin quý báu về một trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, cũng như những đức tính tốt đẹp, nhân văn của nhân dân ta, được thể hiện ngay vào những thời điểm khó khăn nhất của dân tộc.

Lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến cuộc sống tù đầy với điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt của các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, tôi càng khâm phục hơn sự dũng cảm, tinh thần lạc quan và sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc của các chiến sỹ cách mạng tiền bối.

Giữ vững tinh thần kiên trung, quật cường, không khuất phục trước bất cứ hình thức tra tấn dã man nào của thực dân Pháp, trong suốt khoảng thời gian tại nhà tù, các chiến sĩ cách mạng đã không ngừng tôi rèn bản lĩnh chính trị, xây dựng tinh thần chiến đấu anh dũng, biến nhà tù thành trường học, thành nơi để tuyên truyền tư tưởng, tinh thần cộng sản yêu nước.

Tại ngay Nhà tù Hỏa Lò này, các chiến sĩ cộng sản đã bí mật xây dựng Chi bộ từ rất sớm, thường xuyên sinh hoạt Đảng và có hình thức trao đổi tư liệu, thông tin bằng nhiều phương thức khác nhau, từ việc giấu tài liệu trong thùng chất thải, viết trên lá bàng, giấu kỹ trong ống tay áo…

Các đoàn viên thanh niên Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Học viện Ngoại giao cùng tham gia đoàn tham quan.

Các chiến sĩ của chúng ta luôn đồng lòng như một, vượt mọi khó khăn, học hỏi lẫn nhau về tư tưởng, phẩm chất cách mạng và những bài học kinh nghiệm phục vụ cuộc kháng chiến của nhân dân để rèn luyện bản lĩnh chính trị, nuôi dưỡng lòng căm thù và nâng cao tư chất của người chiến sĩ cộng sản.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã giành được thắng lợi hoàn toàn, cũng là thời điểm những chiến sĩ cách mạng cuối cùng bị thực dân Pháp giam giữ tại nhà tù Hỏa Lò được trao trả tự do; trong đó có 5 đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, sau này trở thành các Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chuyến thăm đã giúp tôi và các bạn thanh niên thêm hiểu và tự hào về sự nhân văn, bao dung của dân tộc Việt Nam, được thể hiện qua cách đối xử với các tù binh trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Trong suốt khoảng thời gian từ năm 1964-1973, các tù binh là phi công Mỹ không chỉ được đối xử nhân đạo theo đúng luật pháp quốc tế về tù binh chiến tranh, mà còn được chăm lo chu đáo cả về điều kiện vật chất và về tinh thần.

Trong bối cảnh đời sống của nhân dân miền Bắc còn nhiều khó khăn, song Đảng và Nhà nước ta vẫn cố gắng đảm bảo cho các tù binh về thực phẩm, chỗ ở, quần áo ấm, điều kiện sống… Các tù binh cũng được chơi thể thao, tham gia các hoạt động giao lưu nhằm cải thiện cuộc sống tinh thần. Trong các ngày lễ, tết của Việt Nam và của Mỹ, họ được hưởng chế độ ăn tốt hơn bình thường, với đầy đủ các món ăn truyền thống của hai nước, đặc biệt còn được cung cấp gà tây, vốn là món ăn không thể thiếu trong Lễ Tạ ơn của người theo đạo Thiên chúa. Sau khi Hiệp định Paris có hiệu lực, Việt Nam bắt đầu tiến hành trao trả các tù binh này cho phía Mỹ.

Nhà tù Hỏa Lò không chỉ là nơi lưu giữ ký ức, để “người xưa” ôn lại kỷ niệm, nhìn lại một thời hào hùng, mà còn là nơi đánh thức niềm tự hào dân tộc, tinh thần cách mạng của giới trẻ, nhắc nhở chúng ta về một thời kỳ đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Từ bài học lịch sử, lớp thanh niên chúng tôi càng có thêm quyết tâm để rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn, nuôi dưỡng ý chí tự lực tự cường, vượt lên mọi hoàn cảnh, đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong tình hình mới.

Là một cán bộ ngoại giao trẻ, để thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia, dân tộc trong bối cảnh hiện nay, tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc liên tục trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như rèn luyện tư tưởng và bản lĩnh chính trị, coi đây là ưu tiên và động lực thúc đẩy cho hành trình phát triển bản thân trong tương lai.

Ngoài ra, trong tiếp xúc đối ngoại, các cán bộ trẻ cũng cần thể hiện được tinh thần hòa hiếu và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong ứng xử, giao tiếp, từ đó quảng bá những giá trị này ra thế giới, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về lịch sử anh hùng và các phẩm chất đáng quý của dân tộc Việt Nam.

Lê Hồng Ngọc

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-nien-ngoai-giao-va-xuc-cam-trong-chuyen-di-tham-nha-tu-hoa-lo-221552.html