Thanh niên nói không với rác thải nhựa

Thời gian qua, các cấp bộ đoàn ở Hải Dương đã có nhiều việc làm, mô hình hay, vận động đoàn viên thanh niên hạn chế, không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần.

Hằng tuần, đoàn viên thanh niên phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia thành các tổ đi thu gom rác

Hằng tuần, đoàn viên thanh niên phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chia thành các tổ đi thu gom rác

Nhiều hoạt động thiết thực đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa (RTN) và nâng cao nhận thức của giới trẻ về tác hại của RTN.

Đa dạng mô hình

Từ hè năm 2019 đến nay, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) phường Thanh Bình (TP Hải Dương) đã quen với lịch ra quân dọn RTN tại sân vận động của phường. Mỗi tuần một lần, các bạn trẻ lại cùng nhau nhặt RTN. Mỗi lần có từ 10 - 15 ĐVTN tham gia, chia nhau thành từng nhóm nhỏ thi đua xem nhóm nào nhặt được nhiều rác. "Kết thúc mỗi buổi dọn vệ sinh, chúng tôi thường thu gom cả một xe RTN. Sau mỗi buổi, cán bộ Đoàn còn tuyên truyền cho các bạn những vấn đề liên quan đến RTN như tác hại, thời gian tự tiêu hủy của số lượng RTN đã thu gom và những tác động nguy hại của RTN tới môi trường. Thông qua các buổi ra quân, ĐVTN không chỉ hiểu hơn về RTN mà còn góp phần thay đổi hành động khi sử dụng các sản phẩm này", anh Bùi Quang Thắng, Bí thư Đoàn phường Thanh Bình nói.

Tháng 10.2020, Tỉnh đoàn đã ra mắt mô hình "Chợ dân sinh giảm thiểu RTN" tại thị trấn Gia Lộc. Mô hình tập trung vào việc tuyên truyền trực quan về tác hại cũng như các biện pháp giảm thiểu RTN trong cộng đồng; thực hiện phân loại, thu gom RTN để tái chế; vận động người dân sử dụng các sản phẩm thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, túi nilon. Mô hình đã trao tặng 2.000 túi thân thiện môi trường, 100 chiếc làn cho người dân đi chợ, tặng 20 thùng rác cho ban quản lý chợ. Với mô hình này, Tỉnh đoàn hy vọng sẽ góp phần thay đổi nhận thức, thói quen và hình thành ý thức bảo vệ môi trường trong thanh niên và nhân dân.

Theo ghi nhận của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2020, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh tổ chức ra quân đồng loạt các "Ngày chủ nhật xanh" tại tất cả các xã, phường, thị trấn, thu hút gần 20.000 ĐVTN tham gia, đã thu gom trên 20 tấn rác thải, 3 tấn RTN, túi nilon… Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì được 5 đội thanh niên tình nguyện thu gom rác thải cấp xã với 75 thành viên.

Ngoài ra, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ đoàn thực hiện mô hình "Nói không với sử dụng chai nhựa", "Hội nghị xanh" không sử dụng nước đóng chai nhựa dùng một lần... Bên cạnh việc triển khai các mô hình, các cấp bộ đoàn, hội trong tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: thông qua truyền thông mạng xã hội, các ấn phẩm tuyên truyền trực quan, infographic tuyên truyền về bảo vệ môi trường, phòng chống RTN.

Thay đổi nhận thức

Thực tế, thanh niên đang là đối tượng có thói quen sử dụng các loại RTN dùng một lần. Vì sự tiện lợi nên nhiều bạn trẻ đã vô tình thải ra môi trường một lượng lớn RTN. Nhận thức rõ điều này, các cấp bộ đoàn đã tăng cường vào cuộc tuyên truyền, vận động các bạn trẻ bằng nhiều hình thức. Các mô hình, hoạt động ở trên nhằm tác động tới các bạn trẻ. Các cấp bộ đoàn cũng phân loại từng đối tượng để có cách thức tuyên truyền, vận động để ĐVTN hiểu và nhận thấy trách nhiệm của mình với môi trường.

Là thành viên tích cực trong đội dọn RTN tại sân bóng của Đoàn phường Thanh Bình, anh Nguyễn Đức Khiêm ở khu 2 đã thay đổi nhận thức về RTN. "Trước đây đi mua đồ tôi thường sử dụng túi nilon hay dùng cốc nhựa, nhưng từ khi tham gia thu dọn, được tuyên truyền tôi mới hiểu rõ tác hại của RTN tới môi trường sống của chính mình. Hiện nay, tôi rất ít khi dùng túi nilon hoặc đồ nhựa dùng một lần. Ngoài ra, tôi cũng luôn tuyên truyền cho người thân và bạn bè hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần", anh Khiêm chia sẻ.

Hưởng ứng phong trào 3T (Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế) do ngành y tế và Đoàn Thanh niên Bệnh viện Đa khoa tỉnh phát động, đoàn viên Nguyễn Thị Huế đã thay đổi thói quen sinh hoạt. Trước đây, chị Huế không quan tâm nhiều tới tác hại của việc sử dụng đồ bằng nhựa, nilon, cao su. Từ khi hưởng ứng phong trào trên, từ trong công việc tới sinh hoạt, chị Huế đều hạn chế tối đa việc sử dụng các đồ dùng một lần làm từ nhựa. "Chỉ một thay đổi nhỏ của mình giúp hạn chế thải rác ra môi trường. Việc làm nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn", chị Huế vui vẻ nói.

Để phong trào sâu rộng hơn, thời gian tới, các cấp bộ đoàn tiếp tục tuyên truyền, vận động ĐVTN và người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần. Tiếp tục tổ chức các hoạt động thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh...

HOA LAN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/thanh-nien-noi-khong-voi-rac-thai-nhua-154417