Thanh niên phải dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi ro trong khởi nghiệp

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thanh niên cũng cần phải có tinh thần dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi trong khởi nghiệp. Đồng thời cần có 'vũ khí' trong mọi mặt trận, phải có sự chuẩn bị cần thiết và tập trung ở địa bàn mình.

Tiếp tục chương trình Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi gặp gỡ, đối thoại với thanh niên về những vấn đề liên quan đến thanh niên, công tác Hội và phong trào thanh niên hiện nay với chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - Vì Tổ quốc giàu mạnh văn minh”. Cùng dự buổi đối thoại có Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và lãnh đạo các bộ, ngành.

Tại cuộc đối thoại, đại biểu Trần Thị Lệ Chi (Đà Nẵng) chia sẻ, 5 năm trở lại đây nhắc cụm từ "khởi nghiệp", đổ xô khởi nghiệp như "mốt" dù không có kinh nghiệm, chi phí. Có nên chăng phải định hướng vấn đề khởi nghiệp một cách nghiêm túc, khởi nghiệp trực tiếp gián tiếp phải song hành?

"Không có khái niệm khởi nghiệp gián tiếp", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời. Thủ tướng khẳng định khởi nghiệp sáng tạo cả xã hội, cả người trẻ, người lớn nhưng đặc biệt ưu tiên người trẻ. Thủ tướng mong muốn thời gian tới các bạn thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.

Cũng quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, đại biểu Lý A Tàng (Quảng Ninh) chia sẻ câu chuyện thanh niên tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo ở địa phương rất ít vì khó về nguồn vốn. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh chia sẻ, trong 5 năm trở lại đây, Bộ phối hợp với Trung ương Đoàn với nhiều kỳ vọng. Chặng đường qua có nhiều niềm vui, vì vấn đề khoa học công nghệ, nhiều mô hình có mặt ở khắp các "mặt trận" từ nông nghiệp, nông thôn đến khoa học, sáng tạo.

"Nhưng nhân ra thế nào?", Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đặt vấn đề. Theo ông, với các bộ ngành, bên cạnh vế "dám nghĩ dám làm" phải có "dám chịu trách nhiệm". Do đó, ông cho rằng thanh niên cũng cần phải có tinh thần dám chịu trách nhiệm, chấp nhận rủi trong khởi nghiệp; đồng thời cần có "vũ khí" trong mọi mặt trận, phải có sự chuẩn bị cần thiết và tập trung ở địa bàn mình.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề khởi nghiệp. Ảnh: Nam Trần/Tuổi trẻ

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời câu hỏi của đại biểu về vấn đề khởi nghiệp. Ảnh: Nam Trần/Tuổi trẻ

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng, dù phân định theo cách nào thì khởi nghiệp ngoài khát vọng phải được trang bị kiến thức cần thiết. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải có chuẩn bị cẩn thận. Nói cho cùng, để bứt xa thì phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng mới về kinh doanh, dựa trên nền tảng tiến bộ kỹ thuật”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.

Tại chương trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, khái niệm khởi nghiệp sáng tạo (startup) khác khởi nghiệp hiểu theo nghĩa khởi sự kinh doanh. Có nhiều đặc điểm của khởi nghiệp sáng tạo, nhưng nổi bật là tạo ra cái mới, thị trường mới, phân khúc mới, dựa trên công nghệ và có tính rủi ro, do đó cần có quỹ rủi ro đầu tư.

“Tôi mong muốn các bạn hun đúc tinh thần lập nghiệp, trong đó đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo. Anh làm 10 cái nhưng thất bại 9, được 1 cái thì có thể bù lại", Phó thủ tướng chia sẻ.

Trước đó, theo báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam tiếp tục phát triển. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 03 hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất ASEAN. Trong 10 tháng đầu năm 2019, lượng vốn thu hút được từ 29 thương vụ có công bố đã là 751 triệu USD. Trong đó, thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính có giá trị lên tới 300 triệu đô-la Mỹ, đứng thứ nhất trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á. Quy mô các thương vụ đầu tư lớn ngày càng tăng cho thấy tiềm năng hình thành các kỳ lân mới – các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên 1 tỷ USD tại Việt Nam là rất thực tế.

Minh chứng từ số liệu báo cáo ES Capital và Cento Ventures, trong năm 2019 Việt Nam đứng thứ ba trong số sáu quốc gia ASEAN về hệ sinh thái khởi nghiệp, chỉ sau Indonesia và Singapore. Ba năm qua, nhiều hoạt động xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã được triển khai. Theo xu hướng đó, hành lang pháp lý cho các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo được hình thành. Hệ thống các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong phạm vi cả nước phát triển nhanh về số lượng.

23 tổ chức thúc đẩy Kinh doanh với những tên tuổi lớn trên thế giới đã vào Việt Nam như 500 startup, 38 vườn ươm khởi nghiệp, và đặc biệt là trên 170 khu làm việc chung với những thương hiệu đang mở rộng ra thị trường quốc tế như Up, Toong. Hiện, 52/63 địa phương đã ban hành kế hoạch và bố trí nguồn lực hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ủy ban, bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch cụ thể để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam.

Bảo Lâm

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thanh-nien-phai-dam-chiu-trach-nhiem-chap-nhan-rui-ro-trong-khoi-nghiep-d166975.html