Thanh niên Trung Quốc 'vỡ mộng' trước sự khốc liệt của thị trường việc làm

Bất chấp sự thúc đẩy từ phía chính quyền, nhiều người tìm việc trẻ ở Trung Quốc đang buộc phải từ bỏ khát vọng nghề nghiệp và nhường chỗ cho những vị trí được trả lương thấp hơn trong bối cảnh cơ hội công việc ngày càng bị thu hẹp.

Một phiên giao dịch việc làm tại Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã)

Tốt nghiệp một trong những trường đại học danh tiếng nhất Trung Quốc ở Bắc Kinh vào năm ngoái, nhưng sau 6 tháng loay hoay tìm việc, Stella Zhang (24 tuổi) vẫn chưa nhận được cái gật đầu nào của nhà tuyển dụng. Niềm tin của cô gái trẻ rằng "môi trường giáo dục tốt sẽ đảm bảo một tương lai tươi sáng" hoàn toàn tan vỡ trước thực tế khốc liệt của thị trường việc làm.

Zhang chia sẻ: “Bây giờ tôi đã rũ bỏ mọi kỳ vọng lý tưởng vào công việc, đơn cử như việc được nhận vào một môi trường tốt có cơ hội để hoàn thiện bản thân. Tìm được việc đơn giản là cách để tôi có được một cuộc sống ổn định”.

Stella Zhang chỉ là một trong vô số những người tìm việc trẻ Trung Quốc rơi vào cảnh "vỡ mộng" khi đang phải vật lộn với bối cảnh thị trường việc làm ảm đạm. Đáng chú ý, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở nhóm tuổi 16-24 (không tính các sinh viên mới ra trường) là 15,3% trong tháng 2/2024, tăng từ 14,6% trong tháng 1.

Trong khi chính phủ triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm củng cố thị trường việc làm - vốn được coi là chìa khóa giúp duy trì ổn định xã hội và thúc đẩy niềm tin tiêu dùng, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn đang phải đối mặt với áp lực thất nghiệp ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn.

Sự suy thoái đang diễn ra trên thị trường bất động sản, đầu tư sụt giảm và tình trạng nợ đọng thanh toán kéo dài đang gây khó khăn cho các công ty tư nhân khiến "công xưởng của thế giới" buộc phải cắt giảm lực lượng lao động, gia tăng áp lực lên nền kinh tế.

Kế hoạch thúc đẩy thị trường việc làm được Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc đưa ra trong hai kỳ họp Quốc hội đầu tháng này lưu ý: “Có những điểm yếu trong việc đảm bảo sinh kế cho người dân, với áp lực lớn để ổn định việc làm”.

Tài liệu cũng nhấn mạnh sự tăng trưởng đáng chú ý về lực lượng lao động và một số điều chỉnh về cơ cấu, chẳng hạn như di cư lao động nông thôn, đang dẫn đến nhu cầu tạo việc làm thậm chí còn lớn hơn.

Điều này đã thúc đẩy chính phủ Trung Quốc nâng cao mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở khu vực thành thị trong năm nay. Năm ngoái, đã có 12,44 triệu việc làm được tạo ra.

Tuy nhiên, con số kỷ lục 11,79 triệu sinh viên đại học sẽ tốt nghiệp trong năm nay, dự kiến sẽ tiếp tục làm gia tăng sức ép lên thị trường việc làm.

Cho biết: “Các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những sinh viên mới tốt nghiệp có nền tảng học vấn tốt và đủ kinh nghiệm làm việc”, Zhang thừa nhận cảm thấy khá hối hận vì tập trung quá nhiều vào học thuật thay vì dành thời gian thực tập.

Trong khi giới trẻ tại nền kinh tế số 2 thế giới chật vật tìm việc làm vì thiếu kinh nghiệm, ngay cả những người đã có kinh nghiệm dày dạn cũng nhận thấy thị trường việc làm đang ngày càng ảm đạm, không đáp ứng được kỳ vọng.

Ding Lin, một người tìm việc 29 tuổi đến từ tỉnh Hồ Nam cho hay: “Bằng cử nhân của tôi không còn phù hợp với thị trường việc làm nữa. Hầu hết các nền tảng lớn hiện nay đều yêu cầu ứng viên có bằng thạc sĩ từ một trường đại học danh tiếng”.

Cô nói chỉ nhận được 5 phản hồi sau khi rải hơn 500 đơn xin việc, trong đó có 2 đơn bị từ chối ở vòng phỏng vấn cuối vì lý do tuổi tác.

“Công việc tôi mới được nhận cho thu nhập thậm chí còn ít hơn công việc đầu tiên của tôi, nhưng tôi vẫn muốn tìm việc làm càng sớm càng tốt. Khoảng thời gian thất nghiệp kéo dài khiến tôi vô cùng lo lắng. Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tồn tại”.

Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm tuổi 25-29 đã đạt mức 6,4% trong tháng 2, tăng nhẹ so với mức 6,2% trong tháng 1.

Tuần trước, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Liao Min thông tin, Bộ sẽ chỉ đạo các tổ chức tài chính được chính phủ hỗ trợ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động giải quyết các thách thức về việc làm.

Ông Liao Min nói: “Chúng tôi dự đoán sẽ tận dụng thêm khoản vay 1,3 nghìn tỷ NDT (180 tỷ USD) vào năm 2024, ổn định hơn 12 triệu vị trí và thúc đẩy tạo ra hơn 600.000 việc làm mới”.

Đồng thời, chính phủ sẽ cung cấp trợ cấp khởi nghiệp cho đối tượng sinh viên mới tốt nghiệp đại học, những người gặp khó khăn trong tìm việc làm hay những người lần đầu tiên kinh doanh nhỏ theo dạng hỗ trợ khởi nghiệp.

Trong khi chính phủ đang cố gắng giảm bớt áp lực về việc làm thì những người tìm việc trẻ cũng đang loay hoay tìm lối ra.

Maxie Wu, một lập trình viên 28 tuổi ở Thâm Quyến, đã nghỉ việc vào tháng trước do lịch trình làm việc dày đặc, sớm nhận ra đây là quyết định sai lầm khi số lượng việc làm giảm đáng kể và lương cũng bị cắt giảm khoảng 30%.

Anh Wu than thở: “Nếu biết thị trường khó khăn thế này, tôi thà ở lại với công việc cũ, dù phải làm việc đến 11 giờ đêm. Ngay cả khi tìm được việc làm lần này, trong hai hoặc ba năm nữa, tôi vẫn phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bị thay thế bởi những lập trình viên trẻ hơn, nhiều năng lượng hơn nhưng sẵn sàng nhận lương thấp hơn".

Rõ ràng, dù đã có những nỗ lực từ phía chính phủ, trong thời gian ngắn hạn, viễn cảnh của thị trường việc làm Trung Quốc sẽ khó sáng sủa hơn.

(theo SCMP)

Hồng Châu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/thanh-nien-trung-quoc-vo-mong-truoc-su-khoc-liet-cua-thi-truong-viec-lam-265662.html