Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương

NDĐT- Đây là chủ đề hoạt động trong tháng 3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Hoạt động sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 31-3.

“Thanh niên và đồng bào các dân tộc với biển đảo quê hương” gồm chuỗi các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa gắn với tình yêu biển đảo của thanh niên và đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Với các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ sẽ góp phần thu hút khách du lịch, tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn, du khách gặp gỡ, giao lưu, đặc biệt là thanh niên, học sinh trong các chương trình dã ngoại, sinh hoạt gắn với chủ đề tình yêu biển đảo của Tổ quốc.

Hoạt động tháng 3 có sự tham gia của khoảng 80 đồng bào của 11 dân tộc: Tày, Dao, Mông, Thái, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer với sự tham gia của 11 địa phương: Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Đác Lắc, Sóc Trăng. Sinh viên, nghệ sĩ, diễn viên của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc; Nhà hát Múa rối Việt Nam; câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình và Đoàn Thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tham dự hoạt động.

Tại Nhà triển lãm làng III, từ ngày 10 đến 31-3 sẽ giới thiệu Không gian biển đảo trong lòng đồng bào: Không gian tổng hợp giới thiệu về biển đảo Tổ quốc qua hệ thống âm thanh, hình ảnh, hiện vật, phim tài liệu phong phú, hấp dẫn giới thiệu 21 phiến đá chủ quyền quần đảo Trường Sa; Cột mốc chủ quyền thu nhỏ cùng với nhiều hiện vật của chiến sĩ, nhà báo… về Trường Sa và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Về nơi biển đảo tại Hải Phòng, ngày 15-3: Chương trình về tri ân, gặp gỡ và tặng quà cựu chiến binh Lê Xuân Phát (tại Quán Toan, Hồng Bàng, TP Hải Phòng), là người cắm cờ giải phóng đảo Song Tử Tây, mở màn giải phóng quần đảo Trường Sa ngày 14-4-1975. Đồng thời, tham quan Bảo tàng Hải Quân (Km 0, đường Mạc Quyết, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng). Chuyến đi với sự tham gia của đại diện 11 cộng đồng dân tộc đang sinh sống tại “Làng” và đoàn viên thanh niên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chương trình “Mãi mãi tình yêu biển đảo” tại sân khấu lễ hội làng dân tộc III, ngày 25-3: Chương trình giao lưu, trao đổi về những câu chuyện xúc động, kỷ niệm gắn với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc giữa các cựu chiến binh, những người lính đảo, thân nhân, nhà báo, đồng bào các dân tộc và đại diện đoàn thanh niên. Đồng thời, đại diện đồng bào dân tộc đang sinh sống tại Làng sẽ tặng quà các chiến sĩ.

Với chuyên đề “Xuân trên bản làng em”, sẽ tái hiện lễ hội AzaKoonh của dân tộc Tà Ôi và “Lễ hội Xên Lẩu Nó” của đồng bào dân tộc Thái. Tại làng Tà Ôi, ngày 4-3 tổ chức lễ hội AzaKoonh, là một nghi lễ nông nghiệp của đồng bào dân tộc Tà Ôi cầu mong thần linh phù hộ mùa vụ tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi, đồng thời giới thiệu các loại hình văn nghệ dân gian như âm nhạc, múa… của đồng bào dân tộc Tà Ôi. “Lễ hội Xên Lẩu Nó” của đồng bào dân tộc Thái diễn ra tại làng Thái, ngày 24-3: Lễ Xên Lẩu Nó được tổ chức để cảm tạ tổ tiên, thần sông, thần núi và là dịp để tạ ơn công đức của thầy cúng đã chữa bệnh cho mọi người.

Hoạt động tháng 3 của Làng có các chương trình nghệ thuật: “Mùa xuân trên rẻo cao”, Chương trình múa rối nghệ thuật “Mùa xuân yêu thương” của Nhà hát Múa rối Việt Nam và Chương trình ca múa nhạc “Vùng cao mến yêu” của Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc.

Bên cạnh đó là các hoạt động giới thiệu về người phụ nữ, về hạnh phúc gia đình, dân tộc về thế hệ trẻ nhân các ngày kỷ niệm, ngày lễ của tháng; hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hội xuân, chương trình du lịch trải nghiệm, giới thiệu làm bánh, gói bánh phục vụ du khách, trò chơi dân gian; hoạt động cầu an, chúc phúc tại các không gian tâm linh chùa Khmer, tháp Chăm và chùa Pháp Ấn;... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Đ.N

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/35707202-thanh-nien-va-dong-bao-cac-dan-toc-voi-bien-dao-que-huong.html