Thanh niên vùng lũ may bóng cho làng cầu thế giới !

Người trong cuộc không thể ngờ và chúng tôi cũng vậy! Đâu mấy người tin rằng giới trẻ vùng lũ Nhị Mỹ (Đồng Tháp) lại là nơi may bóng cho danh thủ nhiều nước thi tài.

Chuyện người may bóng

Chị Nguyễn Xuân Mỹ, 33 tuổi, Tổ trưởng tổ may bóng xuất khẩu xã Nhị Mỹ hôm gặp chúng tôi đã bộc bạch không do dự “Ngày trước tôi không có việc làm ổn định do gia đình ruộng đất ít, có chăn nuôi thêm mấy con heo nhưng thời gian rảnh rỗi rất nhiều trong khi không có việc làm thêm để tăng thu nhập. Khi nghe xã Mỹ Trà, thị xã Cao Lãnh có mở lớp dạy nghề may bóng xuất khẩu nên tôi tham gia để có việc làm. Tôi và hai chị em ở Nhị Mỹ về Mỹ Trà dự lớp may bóng vào đầu tháng 12.2003. "Vạn sự khởi đầu nan" đã hiển hiện ngay từ khi nhập lớp. Da may bóng cứng, kim đâm chảy máu, đầu ngón tay phồng rộp sưng tấy, bóng may không tròn mà lại méo, múi banh bị lồi nhìn muốn khóc. Buồn nản lắm nhưng tụi tui cố cắn răng vượt qua. Người ta may được, vậy mình thua à? Tự động viên mình và động viên lẫn nhau để tìm vào một nghề mới. Tôi vẫn ngày ngày miệt mài bên con ngựa gỗ (dụng cụ giúp may bóng) thâu đêm suốt sáng để khi trái bóng tròn lụi quăng xuống đất đã đủ độ nảy cà tưng cà tưng thật không gì sướng cho bằng. Ra đời sản phẩm đầu tiên tôi vui lắm. Tôi gọi bè bạn lại và chỉ đây là sản phẩm hoàn chỉnh, tôi làm được thì các bạn cũng phải như tôi. Chồng tôi cũng được tôi hướng dẫn cách làm chỉ, khâu ghép các miếng da... thế các bạn không làm theo được sao? Chất vấn, lớn tiếng để rồi cuối cùng năn nỉ: "Ráng lên các bạn, chúng ta sẽ khâu bóng cho các danh thủ thế giới đấy...".

Danh thủ nào, chị nói chúng tôi nghe? - Đây Shevchenko, Zidane, Drogba, Mutu... họ vờn quả bóng ngôi sao đó. Và chị em tôi đã từng may những quả bóng ngôi sao này rồi! Thực tế các danh thủ trên có thi thố tài năng từ các quả bóng do các bạn trẻ ở Nhị Mỹ may hay không chúng tôi không khẳng định ở đây. Nhưng có một thực tế như lời anh Lê Thành Công, Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp: "Bóng do thanh niên xã Nhị Mỹ xuất khẩu thời gian qua được Công ty sản xuất và kinh doanh dụng cụ thể dục thể thao thuộc Tổng công ty cao su Việt Nam (đơn vị đặt hàng) liên tục xuất sang châu u, Nam Mỹ và công việc sẽ tiếp tục rộng mở".

Trở lại câu chuyện may bóng, chị Mỹ tiếp tục khoe: Bây giờ tôi có thể vừa xem đá bóng trên ti vi vừa khâu mà không hề trật. "Vậy chị kể chúng tôi nghe từng chi tiết của quả bóng xem nào ?". "Tất thảy 32 miếng, trong đó có 20 miếng 6 góc, 12 miếng 5 góc, 90 đường may, 15m chỉ, 1.008 lỗ và 2 cây kim vào 1 lỗ". "Chị hiện là vô địch may bóng của làng Nhị Mỹ ?". "Không, tôi không phải là vô địch về số lượng nhưng tôi hiện là người duy nhất giữ vai trò "khâu kín quả bóng". Đây là giai đoạn khó nhất của cả quy trình may bóng. Giới thiệu với anh kiện tướng may bóng Nhị Mỹ là em Trần Thị Hiếu 19 tuổi". Chúng tôi à lên một tiếng vì lúc nãy Hiếu chính là người bơi xuồng đưa chúng tôi vượt sông. Hiếu ốm và gầy nhưng khi vào việc thì thoăn thoắt đạt 4 bóng/ngày. Bóng xuất đi không bao giờ bị trả. "Sao tài vậy ?". "Làm riết rồi quen! Em cũng đâu có bí quyết gì cao siêu, chỉ nhớ rằng khi đã ngồi vào con ngựa thì phải tập trung cao và không được may sai ô. May mà bị “mãng cầu” (múi bóng gồ ra ngoài) hoặc quá tay kim thọc sâu lủng ruột là toi công, phải đền. Tiền đền 100% gấp 5 lần tiền công may 1 quả. Gút chỉ quá tay cũng không được mà gút nhẹ thì rạn chỉ bóng dễ thấm nước. Hỏng !". "Em có thể vừa nhắm mắt vừa khâu ?". "Dạ được, đâu có khó gì! Đâu phải mình em, nhiều chị khác cũng làm được, tại mấy chị không nói thôi... Như chú Đặng ở xã Mỹ Quý, tháng 10 rồi thu nhập hơn 700 ngàn đồng từ việc may bóng, cô Liễu giáo viên ở ấp Bình Nhứt mỗi tháng cũng kiếm thêm cả 500 ngàn đồng từ những đường kim mũi chỉ này".

Chuyện ngày mai

Chị Mỹ cho biết: chị em mới vào nghề phải theo lớp chừng 20 ngày nhưng nếu ai chịu khó đến đây tôi dạy miễn phí thực tế chừng 3 ngày là xong. Nghề này càng nhân rộng càng tốt, giấu làm gì. Chị Phạm Thị Tiền, Chủ tịch Hội LHTN xã Nhị Mỹ cho biết: Chi hội khâu bóng của xã hiện có 83 anh chị em là thợ chính, trong đó 52 người được cấp mã số. Từ tháng 3.2004 đến nay, các hội viên đã may hơn 11.500 trái bóng xuất đi các nước. Chất lượng bóng được đánh giá rất cao qua việc bóng bị trả lại rất ít, người may bị trừ tiền do lỗi kỹ thuật ngày càng giảm dần. Chị Phan Thị Ái Xuân, Bí thư Huyện đoàn Cao Lãnh phấn khởi nói rằng số đông anh chị tham gia tổ may bóng xuất khẩu ở xã Nhị Mỹ đều là giới trẻ, họ tận dụng thời gian nông nhàn để kiếm thêm thu nhập rất ổn định. Chúng tôi cũng không thể ngờ rằng có ngày giới trẻ vùng lũ chân chất này lại có thể may bóng cho làng cầu thế giới thi tài. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng tổ may bóng xuất khẩu Nhị Mỹ thành HTX may bóng, hình thành làng nghề hẳn hoi và sẵn sàng chuyển giao tay nghề miễn phí cho nhiều nơi khác. Tất cả cũng nhằm giúp thanh niên có việc làm ổn định, sống lành mạnh, bởi nghề này cũng chẳng có độc hại gì. Thanh niên nông thôn lúc nào rảnh thì may, lúc bận làm đồng ban ngày thì ban đêm ngồi khâu, vừa làm vừa xem tivi. Đầu ra sản phẩm đã có Hội LHTN tỉnh Đồng Tháp lo nên rất an tâm. Nếu các bạn ở Nhị Mỹ làm ăn không đàng hoàng thì phía Tổng công ty cao su Việt Nam đã cắt hợp đồng từ lâu rồi.

Quang Minh Nhật

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/thanh-nien-vung-lu-may-bong-cho-lang-cau-the-gioi-94161.html