Thành phố của tương lai - nhìn từ thế kỷ 19

Cách đây 132 năm (1899-2021), Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố. Sự kiện này ghi dấu một bước chuyển quan trọng về mặt hành chính của thành phố Đà Nẵng. Cùng phân tích và làm rõ thêm các vấn đề xoay quanh sắc lệnh thành lập thành phố vào ngày 24-5-1899, qua đó góp phần cung cấp các cơ sở cho việc đánh giá một cách toàn diện quá trình hình thành và phát triển của thành phố năng động, hiện đại bậc nhất khu vực miền Trung này.

Bản đồ vịnh Đà Nẵng (năm 1901)

Buôn bán sôi động, thường xuyên

Trước khi trở thành nhượng địa, Đà Nẵng có diện mạo như thế nào? Hồ sơ lưu trữ của chính quyền thuộc địa Pháp cho thấy, ở thời điểm này, Đà Nẵng vẫn còn là một vùng đất hoang sơ, lác đác một vài ngôi làng và một vài ngôi nhà của các quan lại bản xứ; phía bên kia sông Hàn là những pháo đài cũ đổ nát; một cửa hàng gạo lớn, hai đến ba ngôi nhà của các thương nhân người Hoa.

Quây quần khu vực ven sông là các ngôi nhà của người bản xứ và một con đường nhỏ đủ để di chuyển khi thủy triều xuống. Báo cáo của Ủy ban Navelle năm 1885 cung cấp thêm thông tin: Tại Đà Nẵng có một khu chợ chính nằm ở bờ tây của sông Hàn, nơi đây có một số cửa hàng kinh doanh, văn phòng hải quan của Pháp và văn phòng của Công ty Messageries Maritimes.

Mặc dù dân cư thưa thớt, song các hoạt động buôn bán lại diễn ra thường xuyên. Hằng tháng, các tàu, thuyền của Trung Hoa, Nhật Bản và đặc biệt là của Anh, Đức đều cập cảng mang theo nhiều loại hàng hóa. Theo đánh giá của Công ty Messageries Maritimes: Đà Nẵng được xem là một thị trường rộng lớn của khu vực Trung Kỳ. Cảng Đà Nẵng rộng rãi, an toàn và được kết nối với nội địa bằng một con sông lớn cùng các tuyến đường giao thông.

Ở phía nam của nhượng địa là đô thị Hội An có đến 1.500 người Hoa sinh sống, cùng một thị trấn từ 4 đến 500 người bản xứ. Đó là những dấu hiệu cho thấy nền sản xuất và khả năng thương mại của họ đã phát triển. Đến cuối thế kỷ XIX, trong một báo cáo gửi chính quyền thuộc địa, Auguste Homery bày tỏ sự lạc quan rằng: Đà Nẵng sẽ mang lại cho Pháp những lợi thế không thể nào từ chối được. Đó sẽ là một niềm vinh dự, một niềm vinh quang cho nước Pháp... Chúng tôi hy vọng, Đà Nẵng sẽ phát triển giống như Hồng Kông của nước Anh.

Năm 1888, Đà Nẵng chính thức trở thành nhượng địa. Công tác quy hoạch đô thị từng bước được chính quyền thuộc địa triển khai. Để có đủ cơ sở cho việc thành lập thành phố Đà Nẵng, từ năm 1884, Tổng trú xứ Bắc - Trung Kỳ Gabriel Lemaire đã cho thành lập một ủy ban đặc biệt. Ủy ban này do Eugène Navelle làm Chủ tịch (nên còn được gọi là Ủy ban Navelle) cùng các thành viên là Arthur Hennique, Bruneau, Nollet và Larosìere. Nhiệm vụ của ủy ban là cung cấp các thông tin cần thiết cho việc quy hoạch nhượng địa Đà Nẵng. Sau ba tháng làm việc tích cực, vào ngày 22-3-1885, Ủy ban Navelle đã có báo cáo chính thức gửi Tổng trú Lemaire.

Công tác quy hoạch

Theo báo cáo của ủy ban, phần diện tích sẽ được quy hoạch cho thành phố Đà Nẵng rộng 1.360ha, gồm: 1- Phần diện tích ở cửa sông Hàn và các bờ của nó. Vì đây là con đường duy nhất, đảm bảo cho các giao dịch thương mại của cảng và từ cửa sông rất dễ để giám sát các hoạt động ở hai bờ. 2- Bán đảo Sơn Trà, phải giữ bán đảo này để duy trì các địa điểm phòng thủ khác nhau và trong đó, cần phải thiết lập được một căn cứ quân sự. 3- Các khu đất rộng vươn về phía tây và phía nam của thành phố để xây dựng các cơ quan chức năng. Đồng thời, địa điểm này sẽ là trung tâm quy tụ các thương nhân, các công dân châu Âu đến định cư. 4- Ngũ Hành Sơn nằm về phía đông nam của Đà Nẵng. Khu vực này chứa đựng nhiều vật liệu xây dựng quý giá nên cần được đưa vào để hỗ trợ cho việc xây dựng các công trình trong nội đô. 5- Một số ngôi làng của người bản xứ nằm trong khu vực nhượng địa.

Năm 1889, một bản quy hoạch mới được ban hành. Bản quy hoạch thành phố lần này không bao gồm Ngũ Hành Sơn nhưng thay vào đó, nó mở rộng trên tất cả các vùng phía tây, phía nam của Đà Nẵng và tất nhiên là nó bao gồm luôn cả bán đảo Sơn Trà. Triều đình nhà Nguyễn không chấp nhận bản quy hoạch này. Do đó, vào tháng 7-1889, đại diện triều đình chính thức lên tiếng, yêu cầu phía Pháp phải có sự điều chỉnh. Theo triều đình, cùng với 8 làng trong bản quy hoạch cũ, bản quy hoạch mới bổ sung thêm 18 làng và nâng tổng số lên thành 28 làng bao gồm luôn cả bán đảo Sơn Trà.

Ngoài ra, phạm vi của bản đồ quy hoạch mới cũng lớn hơn bản đồ cũ đến 10 lần, thậm chí là 12 lần vì vậy mà diện tích nhượng địa đã trở nên quá lớn. Triều đình yêu cầu phía Pháp phân chia lại phần diện tích đã quy hoạch thành hai phần bằng nhau. Một phần sẽ trở thành nhượng địa của Pháp và phần còn lại sẽ thuộc về quyền quản lý của triều đình bao gồm luôn một nửa bán đảo Sơn Trà.

Dù nhận thức được tầm quan trọng của vùng đất Đà Nẵng, song các nỗ lực của triều đình nhà Nguyễn đã tỏ ra kém hiệu quả trong vấn đề này. Sau khi vua Thành Thái ban hành đạo dụ nhượng thêm cho Pháp 8 xã thuộc huyện Hòa Vang và 3 xã thuộc huyện Diên Phước cùng với phần còn lại của xã Mân Quang, ngày 26-1-1901, Toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định phê chuẩn chỉ dụ của vua Thành Thái. Cùng với các chỉ dụ và nghị định nêu trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thêm về tấm bản đồ năm 1901 để xem đô thị Đà Nẵng đã có những sự thay đổi như thế nào so với trước đó.

Cụ thể, trên đảo Cô (hòn đảo nhỏ nằm về phía đông - nam vịnh Đà Nẵng, còn gọi là I’Observatoire), chính quyền thuộc địa Pháp cho xây dựng đài quan sát, căn cứ lưu trú hải quân, các gian hàng tổng hợp, kho xăng dầu, văn phòng đại diện cho các công ty. Các công trình mà chính quyền dự kiến thực hiện là đê chắn sóng, cầu cảng, bến tàu. Từ đảo Cô, đoạn gần nghĩa trang Pháp - Tây Ban Nha, một con đường bộ bao quanh đảo kéo dài đến Mỹ Khê. Từ Mỹ Khê một con đường bộ kéo thẳng tới sông Hàn hướng sang trung tâm thành phố. Ở vùng nội đô là 14 tuyến đường giao thông. Phía bắc có tuyến đường Thanh Khê chạy dọc bờ biển và tuyến đường đi Huế nối thẳng với đường Gia Long. Nhà ga trung tâm Đà Nẵng đặt ở khu vực Thanh Khê. Tại đây sẽ có một tuyến đường từ Quy Nhơn kéo ra và một tuyến từ Huế kéo vào.

Đà Nẵng năm 1929.

Đến ngày 7-12-1911, cùng với các làng, xã quy định trong sắc lệnh ngày 1-10-1888 và 15-1-1901, Toàn quyền Đông Dương tiếp tục ban hành nghị định sáp nhập thêm các làng thuộc Bình Thái, Thanh Châu, An Hòa của huyện Hòa Vang và An Lưu, Thanh Quyết của phủ Điện Bàn vào nhượng địa dưới một tên gọi thống nhất là Đà Nẵng. Lúc này Đà Nẵng có tổng cộng 19 làng là: Phước Ninh, Nam Dương, Xuân Đăng, Hà Khê, An Khê, Xuân Hòa, Cổ Mân, Hải Châu, Phước Trường, Liên Trì, Thạc Gián, Thạch Thăng, Nại Hiên, Thanh Khê Đông, Bình Thuận, Hóa Khuê, Mân Quang, An Hải, Phú Lộc. Đến thời điểm này, diện tích thành phố đã mở rộng thêm nhiều: phía nam của thành phố bắt đầu từ khu vực Mỹ Khê vắt ngang qua sông Cổ Cò, vào Túy Loan và kéo dài lên đến núi Bà Nà. Phía bắc của nhượng địa Đà Nẵng được giới hạn từ biển vào khu vực bìa rừng Liên Chiểu và lên đến phía tây của lưu vực sông Cu Đê.

Công tác quy hoạch thành phố cùng sự xuất hiện của các công ty, các nhà đầu tư đã làm cho Đà Nẵng có nhiều thay đổi. Ngay từ năm 1900, Warres Smith đã có những miêu tả rằng: Đô thị Đà Nẵng được xây dựng khá kỹ lưỡng, trải dài hơn 3km dọc theo tả ngạn sông Hàn. Nó bao gồm nhiều công trình như: Dinh Đốc lý, bệnh viện, doanh trại quân đội, Nha Thuế quan, Kho bạc, Bưu chính, Tòa Thị chính cùng các cơ sở kinh doanh... Trong đó, nổi bật là chi nhánh Ngân hàng Đông Dương, văn phòng đại diện của Messageries Maritimes, khách sạn Gassier Hotel, Courbet Hotel...

Các ngôi chợ được xây dựng bằng gạch, đá với diện tích khá rộng, gồm vài trăm gian hàng. Bên kia hữu ngạn sông Hàn cũng có một số tòa nhà nằm trong phạm vi của khu nhượng địa và một xưởng dệt đã được xây dựng. Từ đây đi bộ khoảng 25 phút sẽ đến làng Mỹ Khê cũng chính là tên gọi của một bãi biển xinh đẹp đã được nhiều người châu Âu biết đến. Mậu dịch thương mại của Đà Nẵng ngày càng phát triển. Công ty Messageries Maritimes và Công ty Nationale de Navigation đã thành lập chi nhánh ở Đà Nẵng. Tàu của các công ty này cùng với các tàu đến từ Hồng Kông mậu dịch ở cảng Đà Nẵng mỗi tháng 12 lần.

Ngoài ra, một số lượng lớn các thuyền buồm đến từ Trung Hoa cùng các cảng ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ đã mang đến cho Đà Nẵng một lượng giao dịch đáng kể. Các loại trà, cà phê và thuốc lá được canh tác nhiều tại Đà Nẵng. Trong đó, có nhiều đồn điền được sở hữu bởi người châu Âu. Từ trung tâm Đà Nẵng, sẽ mất khoảng một tiếng đồng hồ để di chuyển tới Ngũ Hành Sơn - một thắng cảnh tuyệt đẹp mà khi tới đây, các du khách không thể nào không đến thăm chúng.

“Thành phố của tương lai”

Năm 1925, Tạp chí L’Eveil Économique de l’Indochine trong bài viết “Đà Nẵng - Thành phố của tương lai” có những miêu tả rằng: Đà Nẵng đang tự thể hiện là trung tâm của một vùng nội địa rộng lớn, với nhiều khả năng phát triển. Con đường cái quan hoàn thiện đã biến Đà Nẵng trở thành xuất phát điểm quan trọng của các luồng thương mại tiến về phía nam. Mỏ than Nông Sơn đang được khai thác và một mỏ khác đang quy hoạch. Một công ty của Pháp được thành lập với số lượng vốn lớn và có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, xuất khẩu trà.

Tuyến đường sắt Đà Nẵng - Đông Hà sẽ sớm được kết nối với tuyến Hà Nội và mạng lưới đường sắt ở Bắc Kỳ. Ban quản lý đường sắt cũng vừa quyết định xây dựng các phân xưởng lớn ở Đà Nẵng. Cùng với Vinh, nhà ga Đà Nẵng sẽ trở thành cơ sở sửa chữa, bảo trì, lắp đặt đầu máy, đường ray xe lửa đi từ mũi Đại Lãnh đến Vân Nam. Từ góc độ du lịch, Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến kỳ thú với các khu nghỉ mát ở Bà Nà, di tích Mỹ Sơn tráng lệ, bảo tàng Chăm...

Đà Nẵng trước kia chỉ là một thị trấn bình thường, không có bóng dáng của ngành công nghiệp, nhưng bây giờ đang trỗi dậy từ sự trầm lặng kéo dài của nó. Một nhà máy phát điện, một nhà máy xay xát gạo đã được thành lập. Các thương nhân như Denis Frères, Descours, Cabaud, Morin,... đã phát triển hệ thống kinh doanh ở đó. Công ty vận tải miền Trung Annam đã lắp đặt một gara rộng lớn với nhiều trang thiết bị hiện đại. Công ty này còn cung cấp các dịch vụ vận tải ô-tô với giá rẻ...

Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: L.H TUẤN

Như vậy, có thể thấy rằng, dưới thời Pháp thuộc, dù chịu sự kiềm tỏa của chính quyền thuộc địa Pháp, song, Đà Nẵng với những lợi thế vốn có của mình đã chủ động tiếp biến những giá trị tân tiến của thời đại để vươn lên trở thành một đô thị năng động bậc nhất khu vực miền Trung lúc bấy giờ. Những tiền đề được tích lũy ở giai đoạn này sẽ tạo nên cơ sở và động lực cho sự phát triển về sau này của một đô thị hiện đại mà tương lai sẽ nắm giữ vai trò là trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung Việt Nam.

TS. DƯƠNG THANH MỪNG

Tài liệu tham khảo

1. ANOM, “Construction d’un port dans la baie de Tourane”, Fonds Nouveaux du Gouvernement Général de l’Indochine, série O, dossier 6008. 2. ANOM, “Lettre de Monsieur Lemaire, Résident Général à Húe”, Fonds ministériels, Séries G, série A, dossier 107. 3. D. Ganter (1895), Recueil de la législation en vigueur en Annam et au Tonkin, Éditeur: Hanoi. 4. D. Warres Smith (1900), European settlements in the Far East, Publisher London, S. Low, Marston & company. 5. “Tourane - Ville d’Avenir”, L’Eveil Économique de l’Indochine, Vo.413, 10 mai 1925.

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/bao-da-nang-xuan-nham-dan-2022/202202/thanh-pho-cua-tuong-lai-nhin-tu-the-ky-19-3902512/