Thành phố Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực, về đích trong năm 2022

Đến nay, TP. Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn NTM. Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực, phấn đấu 100% cấp huyện của thành phố hoàn thành xây dựng NTM.

Đến nay, TP. Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thành phố sẽ ưu tiên nguồn lực, phấn đấu 100% cấp huyện của thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.

15/18 huyện đã đạt chuẩn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đến nay, toàn thành phố đã có 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới. Về cấp huyện cũng đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. 3 huyện còn lại là: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức đang bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiến hành hoàn thiện các tiêu chí huyện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

 Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị

Về xây dựng nông thôn mới nâng cao, toàn thành phố cũng đã có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Điển hình là huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong năm 2022, huyện Đan Phượng đã đăng ký thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ theo Bộ tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận năm 2022.

Từ năm 2021 đến quý II/2022, có 9 quận thuộc thành phố đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí là 386,3 tỷ đồng. Trong đó quận Tây Hồ đã bố trí hỗ trợ 5 huyện (Mỹ Đức, Sóc Sơn, Ứng Hòa, Mê Linh, Phú Xuyên) với tổng kinh phí là 175,8 tỷ đồng; quận Thanh Xuân (75 tỷ đồng), quận Ba Đình (57 tỷ đồng), Hoàn Kiếm (31,9 tỷ đồng)...

Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), đến nay thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP (gồm 4 sản phẩm 5 sao, 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm 3 sao). Thành phố hiện có 1.342 hợp tác xã nông nghiệp. Trong đó, có 60 hợp tác xã nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và theo hướng hữu cơ; 84 hợp tác xã nông nghiệp có liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm…

6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã huy động được 3.950 tỷ đồng thực hiện xây dựng nông thôn mới; giải quyết việc làm cho trên 118,9 nghìn lao động, đạt 74,3% kế hoạch giao năm 2022, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021…

Bên cạnh kết quả đạt được, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại như: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô; việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều; chưa có nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ quy mô lớn...

Nỗ lực hoàn thành các tiêu chí

Tại hội nghị giao ban mới đây, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa (1 trong 3 huyện chưa đạt chuẩn) - cho biết, huyện đang rà soát lại các tiêu chí nông thôn mới cấp huyện giai đoạn 2021-2025. Về cơ bản toàn huyện đã đạt được 7/9 tiêu chí; còn 2 tiêu chí chưa đạt là về môi trường và nhà văn hóa xã. Huyện cũng đang rà soát bố trí nguồn lực, huy động sự vào cuộc của đông đảo các tầng lớp nhân dân để xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã đã đạt chuẩn. Huyện kiến nghị thành phố quan tâm, tạo điều kiện xây dựng hạ tầng giao thông tại khu vực phía Nam thành phố, qua đó hỗ trợ các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên phát triển. Lãnh đạo 2 huyện: Ba Vì, huyện Mỹ Đức cũng khẳng định sẽ phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới đã được thành phố giao năm 2022.

Huyện Đan Phượng đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao

Nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy - đề nghị, các cơ quan chuyên môn hướng dẫn huyện Đan Phượng hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 huyện Ba Vì, Ứng Hòa và Mỹ Đức hoàn thành tiêu chí, hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, để trong năm 2022, thành phố có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Lưu ý xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ không có điểm dừng, bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, các đơn vị, địa phương tiếp tục ưu tiên, dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu về đích theo đúng kế hoạch.

Cùng với đó là tăng cường tuyên truyền, tập huấn để nâng cao nhận thức cho người dân; qua đó khơi dậy tinh thần đoàn kết, tính trách nhiệm và sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đề nghị các quận tiếp tục quan tâm hỗ trợ các huyện đang xây dựng nông thôn mới theo quy định, đặc biệt là các huyện còn nhiều khó khăn và các huyện phấn đấu hoàn thành mục tiêu đạt huyện nông thôn mới năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị các địa phương, đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi; hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập...

Bà Nguyễn Thị Tuyến - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội: Các địa phương, đơn vị tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online...

Hạnh Nguyễn

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-ha-noi-uu-tien-nguon-luc-ve-dich-trong-nam-2022-183571.html