Thành phố hai bên sông

Một ngày giữa thu cách nay 13 năm, tôi nhận được thông tin Đông Hà trở thành thành phố khi đang cùng bạn xuống thuyền từ mép chân cầu sắt cậy nhờ sông Hiếu để lên đường Hoàng Diệu. Trên đầu, tàu Thống Nhất đang lao tốc lực ra hướng Bắc với một âm thanh riết róng, dưới tầm tay khoát là sông Hiếu mơ màng, bờ sông có những vồng tre xanh đang nâng chiều lên bát ngát, có những tiếng chim sẻ lách chách đan cài như tiếng phát ra từ những cuống lá trong sâu thẳm vườn quê, bỗng nhớ đến những câu thơ của anh Đỗ Hoàng đã đọc từ mấy mươi năm trước: Cầu qua hai ngã, hai triền rộng/Đông Hà xinh xắn như vầng trăng/Mỗi ánh sao lên ngoài phố cảng/Tiếng bầy chim núi cứ bâng khuâng...

Công trình đập ngăn mặn sông Hiếu -Ảnh: Đ.T.T

Không mênh mang “lội không tới bờ, lặn không tới đáy” như Cửu Long Giang nơi đất rừng phương Nam; không đỏ lừ phù sa và hào hoa chảy giữa đôi bờ những vùng đất có tầng văn hóa sâu dày như sông Hồng nơi cuối trời đất Bắc; cũng không như sông Hương mang vẻ đẹp thơ mộng trường tồn của miền đất cố đô; sông Hiếu là một con sông duyên dáng và khiêm nhường như tính cách của người dân quê Quảng Trị. Không đủ dài để có sức vóc ầm ào nơi cửa bể, không đủ rộng để làm cho người đôi bờ diệu vợi, sông Hiếu là gương mặt quê thuần hậu như sinh ra để làm tròn chức phận của một đời sông lam lũ. Từ ngàn xưa, sông Hiếu đã gắn bó cật ruột với mảnh đất và con người Đông Hà. Với vị trí nằm giữa lòng thành phố, sông Hiếu tô thêm vẻ đẹp thiên nhiên vốn có và cảnh quan kiến trúc đô thị, góp phần điều hòa khí hậu, cân bằng hệ sinh thái cho toàn vùng.

Cùng với sự phát triển của cư dân đô thị, sông Hiếu đã tạo nên nhịp cầu nối đôi bờ duyên dáng và được quy hoạch như là một không gian kiến trúc thoáng đãng, điểm nhấn kiến trúc độc đáo của thành phố Đông Hà. Từ những lợi thế đó, về hướng phát triển không gian đô thị theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đông Hà trong tương lai đã xác định lấy sông Hiếu làm trung tâm cảnh quan và là điểm nhấn kiến trúc phát triển đô thị. Khai thác quỹ đất hiện có, mở rộng đô thị về phía Bắc, phát triển theo hai bờ sông Hiếu kéo dài đến Ngã Tư Sòng.

Trong những lần theo đường Hoàng Diệu để lên quê Cam Lộ, hay đi qua những thôn làng về phía hạ nguồn, tôi đã dõi theo và cảm nhận được từng sự thay đổi của vùng đất bờ Bắc Hiếu Giang trong nỗ lực biến ý tưởng quy hoạch đô thị thành hiện thực sống động. Cách nay nhiều năm về trước, khi dịch bệnh chưa xuất hiện, cứ chiều xuống, rất đông người dân Đông Hà và những vùng lân cận đã tìm về nơi những triền sông Hiếu để hóng mát. Người dân làng hoa An Lạc xứng danh là những người nhanh nhạy với thời cuộc khi “bung” ra, chiếm lĩnh khoảnh đất còn ướt đẫm mùi nê địa ngay trước thềm nhà khi con nước ròng Hiếu Giang vừa rút xuống để đóng trại dựng lều mở mang dịch vụ ăn uống, giải khát. Lúc bấy giờ, một đoạn đường Trần Nguyên Hãn nhỏ hẹp, lẫn trong tre trúc, kề bên mép nước quẹo từ cầu Đông Hà về chưa đến đập Đại Độ đã chen dày những hàng quán. Những tên quán nghe bình dị, chân mộc như Bãi Bồi, Cát Vàng, Bên Sông... hay ẩn nhẫn một khát vọng tốt lành như Phúc Lai, An Bình, luôn đầy ắp thực khách. Người uống bia dầm chân xuống đất ẩm, trò chuyện trong tiếng giòn vang của đò máy xuôi ngược và tiếng gõ mạn thuyền thư thái của dân chài thả lưới.

Bên cạnh mở mang dịch vụ, những năm gần đây, địa bàn phường Đông Giang, Đông Thanh được biết đến là một trong những nơi cung cấp nguồn rau sạch cho thị trường, chủ yếu là thành phố Đông Hà. Do đặc thù cận giang nên cứ mỗi mùa lũ về, nước sông Hiếu tràn vào đồng bãi, xóm làng, gây ngập úng, có khi rất dài ngày. Nước rút, phù sa ở lại. Phù sa đắp bồi cho đất đai nơi đây năm này qua năm khác, luôn có độ phì nhiêu, tơi xốp. Cây cối gieo trồng đất phù sa không cần chăm bón nhiều vẫn tươi tốt quanh năm. Người dân Đông Giang, Đông Thanh nổi tiếng cần cù chịu khó, khéo tay, hay làm. Cái thế cận thị, cận giang đã góp phần tạo nên tính năng động trong cung cách làm ăn của người dân nơi đây. Làm giá đỗ, bún bánh, ngành nghề, dịch vụ, chăn nuôi, làm lúa, trồng hoa, cây cảnh... đủ cả. Riêng về trồng hoa, cây cảnh và trồng rau màu, chuyên tâm rau sạch, rau an toàn, người dân Đông Giang, Đông Thanh đã đạt đến mức lành nghề, khắp nơi biết tiếng.

Thành phố bên bờ sông -Ảnh: KHÁNH TOÀN

Hơn một thập kỷ hiện thực hóa ý tưởng bố trí không gian cảnh quan kiến trúc theo mô hình “Thành phố bên sông nước”, “Đô thị nhà vườn” trên cơ sở phát huy những lợi thế đa dạng về địa thế, không gian mặt nước… Đông Hà đã từng bước hình thành được dáng vóc ban đầu đầy triển vọng. Bây giờ, ai có dịp đến thưởng thức đặc sản bánh ướt An Lạc trứ danh sẽ thấy rộng mở trước mắt con đường Thanh Niên vạch một lối đi rộng rãi, năng nắn xuôi về phía Đông, nhập vào đường xuyên Á để ra biển Cửa Việt. Đường xuôi về đến đâu, phố xá, khu dân cư theo đến đó. Một vùng quê thuần nông, xa xôi, cách trở đang được nối gần lại với thị thành. Rồi nữa, một đoạn đường Hoàng Diệu nối đến cầu sông Hiếu, những công sở bề thế của tỉnh đã mọc lên. Làng quê của người dân Đông Thanh dọc theo bờ Hiếu Giang vốn mộc mạc bởi những nếp nhà ẩn giữa mảnh vườn rộng, có chuối trồng sau, cau trồng trước, yên hòa và thuần hậu đã có sự dịch chuyển theo hướng xây dựng nhà vườn, biệt thự vườn với đầy đủ hạ tầng cần có cho sự phát triển của đô thị. Nhờ vậy, những cơ sở kinh doanh dịch vụ nơi đây đã liên tục phát triển... Đường Hoàng Diệu, đường Thanh Niên thực sự là “tuyến đường động lực” được đầu tư xây dựng nhằm hiện thực hóa định hướng lấy sông Hiếu làm trục trung tâm phát triển của Đông Hà và tạo ra điểm nhấn cơ bản về cảnh quan, hạ tầng, dân cư của thành phố ở khu vực phía Bắc sông Hiếu.

Trên sông Hiếu đoạn qua Đông Hà bây giờ, cầu sông Hiếu và đường hai đầu cầu, công trình đập ngăn mặn sông Hiếu, cầu dây văng sông Hiếu đã được triển khai xây dựng. Người xưa có câu “Cây cầu là đầu con lộ”. Từ những cây cầu này, Đông Hà sẽ kết nối thuận lợi đôi bờ sông Hiếu và vùng vành đai thành phố, mở ra hướng giao lưu thông suốt với các địa phương trong tỉnh, trong nước. Trong quy hoạch phát triển sẽ hướng tới xây dựng Đông Hà thành một trong những đô thị phát triển của khu vực miền Trung. Với định hướng chủ đạo đó, Đông Hà sẽ gánh vác những trọng trách, đó là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh; là trung tâm thương mại, du lịch với quy mô cấp vùng và khu vực; trung tâm công nghiệp, khoa học kỹ thuật; trung tâm văn hóa-xã hội; trung tâm giao dịch quốc gia và quốc tế, một cực phát triển năng động nơi đầu cầu Hành lang kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam và là một địa bàn chiến lược nối liền mạch trục kinh tế động lực hai đầu đất nước. Tất cả đang được quan tâm chăm lo, hoạch định, triển khai với những bước đi chắc chắn và hiệu quả. Thì tương lai bao giờ cũng được nghĩ tới bằng niềm hy vọng từ những việc làm hiện tại, đã có, đang có. Đôi bờ sông Hiếu bây giờ đã qua rồi thời chìm trong tre trúc rối bời, chật hẹp và những dãy phố tạm bợ, gập ghềnh. Tất cả đang soi mình xuống Hiếu Giang để luôn được nhìn thấy gương mặt quê hương nhiều nội lực và rất đỗi ân tình.

Đào Tâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=166449&title=thanh-pho-hai-ben-song