Thành phố Hồ Chí Minh: 80% học sinh thông thạo tiếng Anh vào năm 2030?

Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% học sinh trung học phổ thông thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ.

Báo Người Lao động đưa tin, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030, có 80% học sinh trung học phổ thông thông của Thành phố có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ, tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ.

Để thực hiện các mục tiêu trên, ngành giáo dục Thành phố đề ra nhiều giải pháp, trong đó thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo.

Tuy vậy, nhiều giáo viên băn khoăn với chỉ tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra, liệu mục tiêu này có khả thi không?

Người trong cuộc nói gì về năng lực giáo viên tiếng Anh?

Muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi. Vấn đề đặt ra là, đội ngũ giáo viên dạy môn Tiếng Anh ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã thực sự giỏi hay chưa?

Thầy Nguyễn Đ.H, giáo viên môn Tiếng Anh một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, hiện nay thầy cô có trình độ chuyên môn tiếng Anh giỏi chủ yếu tập trung ở các trường chuyên, trường tốp đầu của Thành phố.

"Tổ tôi có 15 giáo viên tiếng Anh, trong đó nhiều thầy cô có bằng thạc sĩ nhưng được khoảng 4 người may ra trình bày được những chủ đề thông thường ở mức giao tiếp. Còn người dám nói đến các chủ đề như kinh tế, chính trị, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo,.. thì hầu như không có ai vì họ không đủ vốn từ chuyên môn cũng như sự am hiểu về các lĩnh vực đó.

Tôi lấy ví dụ thế này cho dễ hiểu, giáo viên người Việt dạy tiếng Anh được người bản ngữ (sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ) hỏi: 'Bạn chơi tennis với ai' thì họ thường trả lời: 'Tôi chơi tennis với bạn tôi (friend). Hay khi được hỏi: 'Bạn đi bơi với ai' thì họ cũng trả lời: 'Tôi đi bơi với bạn tôi', nghĩa là cũng dùng từ 'friend'. Đó không phải là giao tiếp thông dụng trong cuộc sống.

Cần biết rằng, 'chơi tennis' thì phải nói là 'chơi với bạn đánh tennis' chứ không phải 'friend'. Hay 'đi bơi' là bơi cùng 'huấn luyện viên bơi lội' hay bơi với 'bạn đồng môn', chứ không phải chỉ mỗi 'friend'. Như vậy mới tạm gọi là giao tiếp tự nhiên trong cuộc sống về các đề tài thông thường", thầy Nguyễn Đ.H thẳng thắn chia sẻ.

Để kiểm chứng năng lực giáo viên người Việt dạy tiếng Anh ở trường trung học phổ thông này, thầy Nguyễn Đ.H đã từng trò chuyện với một vài giáo viên bản ngữ thì nhận được câu trả lời "họ (giáo viên người Việt) thường chào hỏi và hỏi vài câu ngữ pháp thôi".

Còn Thạc sĩ Nguyễn T.Q, giáo viên môn Tiếng Anh một trường trung học cơ sở công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, giáo viên người Việt dạy tiếng Anh có trình độ chênh nhau rất lớn, người giỏi khá nhiều nhưng người dở cũng không phải là ít.

"Giáo viên tốt nghiệp cử nhân tiếng Anh ở trường đại học sư phạm có tiếng, mặt bằng chung sẽ giỏi hơn người tốt nghiệp ở trường đại học đào tạo đa ngành (có khoa sư phạm tiếng Anh). Tương tự, người tốt nghiệp đại học sư phạm thường giỏi hơn người tốt nghiệp trường đại học tổng hợp (đào tạo đa ngành) có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Người tốt nghiệp trường đại học công lập thường giỏi hơn người tốt nghiệp ở trường đại học tư thục.

Tôi khẳng định như vậy vì thực tiễn tuyển sinh đại học cho thấy, điểm chuẩn ngành tiếng Anh ở nhiều trường đại học sư phạm cao hơn hẳn các trường ngoài sư phạm, dao động từ 5 đến 7 điểm hoặc cao hơn nữa. Chưa kể, nhiều giáo viên người Việt dạy tiếng Anh rất ít giao tiếp với người bản ngữ, có bao nhiêu kiến thức thì dùng bấy nhiêu, hết năm này qua năm khác cũng dạy chừng đó bài thì làm sao giỏi được", thầy Nguyễn T.Q nói thêm.

Còn chuyện để có được chuẩn B2 (Khung tham chiếu châu Âu) thì rất nhiều giáo viên không thể thi nổi vì năng lực tiếng Anh của họ hạn chế.

Giáo viên giỏi tiếng Anh không ở trong hệ thống trường công lập

Ngoài ra, theo ghi nhận của thầy Phan Anh, giáo viên bậc trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều giáo viên người Việt giỏi tiếng Anh ở Thành phố thường hợp đồng giảng dạy ở các trung tâm (hoặc mở lớp dạy ở nhà) vì lương cao và đối tượng học sinh khá, giỏi dễ dạy hơn.

Theo thầy Phan Anh, hiện nay giáo viên trung học phổ thông công lập có thâm niên 5 năm cũng chỉ nhận mức lương khoảng 5 triệu đồng/ tháng, trong khi đó nếu dạy ở trung tâm, mức thu nhập của họ có thể gấp 4, 5 lần. Vậy nên, khá nhiều giáo viên người Việt giỏi tiếng Anh bỏ viên chức đi làm công ty nước ngoài để nhận mức lương cao hơn và mong muốn có thêm cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh có điều kiện học tập môn ngoại ngữ tốt hơn so với nhiều tỉnh thành khác, điều đó đã được chứng minh bằng điểm số qua các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm.

Tuy vậy, như những gì đã phân tích, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu 80% sinh trung học phổ thông thông thông thạo tiếng Anh vào năm 2030, liệu có khả thi?

Ly Hương

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-80-hoc-sinh-thong-thao-tieng-anh-vao-nam-2030-179230227172028195.htm