Thành phố Hồ Chí Minh có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp

TPHCM thời gian qua được biết đến như là 'cái nôi' của khởi nghiệp với hơn 800 startup đang hoạt động, chiếm 42% số lượng startup trên cả nước. Đồng hành với sự ra đời của các startup, TPHCM đã triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp dưới nhiều hình thức.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM.

Điển hình như Chương trình Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giai đoạn 2016 – 2020 do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện. Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Dũng (ảnh), Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM xung quanh vấn đề này.

Xin ông cho biết về tình hình hoạt động khởi nghiệp tại TPHCM hiện nay?

Trong số khoảng 1.800 startup trên cả nước, tại TPHCM có khoảng 834 startup đang hoạt động (chiếm 42%). Trong đó, có 222 startup đã và đang được hỗ trợ ươm tạo tại 10 cơ sở ươm tạo của Nhà nước trong giai đoạn từ 2011 đến nay. Ngoài ra, có khoảng 49% startup đã tìm được nhà tài trợ và đầu tư; trong đó, có khoảng 70% đang ở các giai đoạn đầu tiên của quá trình gọi vốn đầu tư khuyến khích khởi nghiệp theo hướng sản xuất, cung cấp dịch vụ mới theo công nghệ mới. Điều đó cho thấy, TPHCM có môi trường thuận lợi để khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, theo báo cáo kết quả khảo sát về chỉ số khởi nghiệp TPHCM năm 2017, nhìn chung, tỷ lệ khởi nghiệp trong doanh nghiệp ở TPHCM cao hơn so với mức trung bình của Việt Nam và đang có xu hướng tăng lên từ mức 2% năm 2013, lên 2,5% năm 2015 và 2,7% năm 2017 (so với mức 0,6% của cả nước năm 2017). Chỉ số đổi mới sáng tạo trong các hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam năm 2017 đạt 19,4%, cao hơn so với các năm trước và cao hơn mức trung bình của cả nước (13,9%).

Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã có những hoạt động hỗ trợ ra sao nhằm nâng cao năng lực cho cộng đồng khởi nghiệp, thưa ông?

Về đầu tư cơ sở hạ tầng - vật chất, Sở đã thành lập 5 không gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và kết nối với 24 cơ sở ươm tạo doanh nghiệp với tổng mặt bằng trên 22.000 m2; trong đó 50% vốn từ xã hội hóa. Về giải pháp phát triển con người, hàng loạt chương trình đào tạo – tư vấn – nâng cao năng lực được tổ chức cho nhiều đối tượng, từ khối trường phổ thông, đại học cho tới các nhà quản lý và khối doanh nghiệp hiện hữu.

Đặc biệt, trong năm 2017, đơn vị đã hỗ trợ 16 cuộc thi đổi mới sáng tạo nhằm khích lệ tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng. Bên cạnh đó, thông qua các cuộc thi để lựa chọn những ý tưởng tốt để đưa vào chương trình hỗ trợ dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (SpeedUp) với mức hỗ trợ kinh phí tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án nhằm giúp các ý tưởng hoàn thành sản phẩm của mình, cũng như đi vào các quỹ đầu tư mạo hiểm, thị trường.

Sau một năm triển khai, đã có 30/99 (đạt 30,3%) dự án hợp lệ được xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí trên 22,4 tỷ đồng. Trong đó, 13 dự án được hỗ trợ trên 1 tỷ đồng. Hiện Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng đang triển khai chương trình SpeedUp 2018-2019, mang đến cơ hội nhiều hơn cho các cá nhân, nhóm cá nhân, DN, tổ chức có dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Năm 2018, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM đã tích cực dưới sự chỉ đạo của UBND, Thành ủy TPHCM xúc tiến các hoạt động kết nối với các tổ chức quốc tế.

Các hoạt động mở rộng hợp tác quốc tế cụ thể ra sao, thưa ông?

Nhằm giúp các startup Việt Nam có cơ hội giao lưu, gặp gỡ các nhà đầu tư, đối tác; làm việc với các startup khác để học hỏi, giới thiệu cũng như hoàn thiện dự án của mình, đơn vị đã chủ động liên kết hợp tác quốc tế, qua đó đưa hoạt động này có thêm hướng tiếp cận để nâng cao chất lượng. Cụ thể, đơn vị đang đàm phán với Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ để thiết kế chương trình về đào tạo hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của TPHCM.

Dự kiến tháng 11/2018 tới đây, 20 lãnh đạo chủ chốt của hệ sinh thái khởi nghiệp TPHCM sẽ được tham gia lớp tập huấn về những chương trình và phương pháp đổi mới sáng tạo mới nhất trên thế giới. Mục tiêu của chương trình nhằm chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng hệ thống tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp của New Zealand với TPHCM. Chương trình được thiết kế riêng để phù hợp với đặc điểm của TP.HCM.

Trong quý IV/2018, TPHCM cũng sẽ phối hợp với Cơ quan đổi mới sáng tạo Israel (IIA) tổ chức các chuyến học tập kinh nghiệm, chính sách, mô hình thực tế về đổi mới sáng tạo tại Israel cho các cán bộ, công chức các sở, ban, ngành của thành phố. Đồng thời, hai bên sẽ tổ chức các hoạt động trao đổi startup, kết nối cung - cầu công nghệ qua Sàn giao dịch Công nghệ trực tuyến của TPHCM; tổ chức các chương trình tham khảo, học tập kinh nghiệm của Israel trong chính sách thúc đẩy, hỗ trợ khởi nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các trường - viện.

Trước đó, từ đầu năm 2018, SIHUB đã triển khai chương trình “Run way to the world” (tạm dịch trao đổi startup toàn cầu) với bốn quốc gia gồm: Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia. Mục tiêu khởi đầu là có 20 startup của Việt Nam đi ra các nước và 30 startup tới TPHCM mỗi năm. Trong khoảng thời gian sang các nước, các startup sẽ được các cố vấn hàng đầu tại từng nước hướng dẫn; gặp gỡ các nhà đầu tư, đối tác; làm việc với các startup khác để học hỏi, giới thiệu về dự án của mình và quan trọng nhất là được "nhúng" mình vào môi trường kinh doanh để tìm hiểu người tiêu dùng, nhu cầu thị trường.

Xin cảm ơn ông!

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020 hỗ trợ cho 2.000 dự án, mô hình DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó, tiếp tục hỗ trợ hình thành các không gian hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo theo hình thức là hợp tác công tư. Triển khai đề án liên kết nguồn lực thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về các phòng thí nghiệm, năng lực nghiên cứu, các tổ chức khoa học quốc gia. Xây dựng những quy định về nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất các tổ chức khoa học công nghệ có sự đầu tư của Nhà nước. Xây dựng và đẩy mạnh các chương trình mục tiêu trong các lĩnh vực quan trọng như đô thị thông minh, vi mạch, tế bào gốc…

Thu Dịu (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thanh-pho-ho-chi-minh-co-moi-truong-thuan-loi-de-khoi-nghiep.aspx