Thành phố Hồ Chí Minh: Nguồn thu ngân sách phục hồi mạnh

Theo Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm trên địa bàn thành phố ước đạt hơn 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2020.

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bốc xếp hàng hóa tại cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Mặc dù dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp, song hoạt động thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận kết quả rất khả quan.

Đặc biệt, các khoản thu về thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất… trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ.

Trở lại điểm “hòa vốn”

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 140.300 tỷ đồng, đạt 38,45% dự toán, tăng 15,76% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong số đó, thu nội địa gần 101.493 tỷ đồng, đạt 39,51% dự toán, tăng 14,47% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 38.800 tỷ đồng, đạt 35,93% dự toán, tăng 19,38% so với cùng kỳ.

Như vậy, trung bình trong 4 tháng đầu năm 2021, mỗi ngày thành phố thu 1.978 tỷ đồng, bằng 121,29% mức trung bình phải thu trong năm và đã có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2020.

Lý giải nguyên nhân thu ngân sách thành phố phục hồi mạnh trong bối cảnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, đại diện Sở Tài chính thành phố cho rằng, thành quả này đến từ việc triển khai kịp thời các chính sách như miễn giảm gia hạn thuế và các khoản thu ngân sách; cơ cấu lại nợ, miễn giảm hạ lãi suất cho vay… của Chính phủ và các giải pháp hỗ trợ của địa phương.

Các chính sách này đã tạo điều kiện cho người nộp thuế khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2020, từ đó, tác động tích cực đến kết quả kinh doanh có xu hướng hồi phục trong những tháng đầu năm 2021.

Đáng chú ý, do nhu cầu tiêu dùng tăng, cộng thêm tác dụng tích cực của một số chính sách đã giúp một số khoản thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, khoản thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm đã tăng 30,94%. Chủ yếu do kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp bất động sản tích lũy trong nhiều năm trước và đến nay các đơn vị thực hiện kê khai quyết toán thuế để hoàn thiện cơ sở pháp lý.

Đồng thời, do trường hợp đánh giá lại tài sản các nguồn vốn của một doanh nghiệp đã thu về 1.800 tỷ đồng vào ngân sách thành phố.

Về thuế tiêu thụ đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm khoản thu này đã tăng 18,9% so với cùng kỳ, tập trung vào một số mặt hàng như bia rượu, ôtô…; trong đó, các mặt hàng bia rượu có sản lượng, giá bán tăng do nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp Tết nguyên đán.

Còn mặt hàng ôtô dưới 24 chỗ ngồi sản xuất lắp ráp trong nước có số lượng tiêu thụ tăng hơn cùng kỳ nhờ tác động tích cực của chính sách hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ áp dụng đến ngày 31/12/2020.

Đặc biệt, khoản thu tiền sử dụng đất bất ngờ tăng tới 86,79% so với cùng kỳ, do tác động của Nghị định 79/2019 liên quan đến quy định thu tiền sử dụng đất. Theo đó, việc giới hạn đối tượng được nợ tiền sử dụng đất đã dẫn đến các cá nhân nộp tiền sử dụng đất gia tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đánh giá về kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, ngân sách phục hồi mạnh trong 4 tháng đầu năm là nhờ thành phố đã có các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người nộp thuế khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, ngành tài chính thành phố dự kiến đến cuối năm 2022, thu ngân sách thành phố mới “hòa vốn" và quay lại thời kỳ giống như năm 2019 - thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện.

Tuy nhiên, mới đến giữa năm 2021, tốc độ thu ngân sách cũng đã tương đương với kết quả năm 2019. Đây được xem là tín hiệu rất tốt cho hoạt động thu ngân sách trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay.

Tăng cường chống thất thu từ hoạt động thương mại điện tử

Mặc dù đạt kết quả khả quan, song hoạt động thu ngân sách ở Thành phố Hồ Chí Minh được nhìn nhận vẫn còn nhiều khó khăn thách thức. Ngoài các yếu tố ảnh hưởng của dịch COVID-19 lên các nguồn thu, việc chống thất thu thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đang đặt ra nhiều thách thức đối với các cơ quan quản lý thuế.

Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, thương mại điện tử đang dần trở thành xu hướng tất yếu, một số tổ chức và cá nhân kinh doanh, hoạt động trong lĩnh vực này thường “lơ là,” thậm chí cố tình né tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế thành phố cho biết, việc quản lý thu ngân sách trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Hiện một số tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như Facebook, Google… đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nhưng không phải là tổ chức kinh doanh thương mại.

Theo ông Minh, để quản lý được những đơn vị này, các doanh nghiệp phải có nền tảng đặt tại Việt Nam. Các chương trình, phần mềm của các đơn vị phải được các cơ quan Nhà nước của Việt Nam quản lý.

Bên cạnh đó, muốn quản lý giao dịch của những doanh nghiệp này, Bộ Công Thương cần hỗ trợ ngành thuế để có thể vào hệ thống của các doanh nghiệp này mới quản lý được.

Trong khi đó, hiện Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đang trông chờ vào các ngân hàng thương mại cung cấp thông tin xác minh tài khoản, các khoản thu vào, chi ra. Việc này chỉ ngăn chặn được ở phần "ngọn", còn phần "gốc" là cách hình thành hệ thống, các giải pháp, các phần mềm theo dõi việc mua bán trên mạng. Do vậy, ngành thuế cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chống thất thu ngân sách trong lĩnh vực này.

Tại hội nghị triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thừa nhận, việc phát triển của các công ty công nghệ hay ngành thương mại điện tử đang diễn ra quá nhanh.

Tuy nhiên, quản lý nhà nước đối với những ngành đặc thù này còn chậm, chưa theo kịp tốc độ phát triển. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến thất thu thuế ở lĩnh vực này.

Do vậy, trong Đề án phát triển thương mại điện tử vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt, ông Phong cho biết đã lưu ý các sở, ngành liên quan đề vấn đề chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù này.

Mới đây, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường quản lý thu, đôn đốc thu, chống thất thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Đáng chú ý, bên cạnh các yêu cầu về tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý thu, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thuế, Ban Chỉ đạo yêu cầu Cục Thuế thành phố phối hợp với Sở Tài chính trao đổi thông tin để hoàn thiện quản lý thu đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Đồng thời, phối hợp với Sở Công thương tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố về văn bản đề nghị Bộ Công thương chia sẻ thông tin liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; cung cấp thông tin về khuyến mãi thương mại phục vụ quản lý thuế… Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong thời gian tới./.

Hứa Chung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-nguon-thu-ngan-sach-phuc-hoi-manh/712205.vnp