Thành phố Hồ Chí Minh: Nỗ lực xây dựng thành phố khởi nghiệp sáng tạo

Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực xây dựng thành phố khởi nghiệp sáng tạo và bước đầu gặt hái được những thành công. Trong thành tích chung đó, nhiều cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã đóng góp những công trình, dự án thiết thực trên nhiều lĩnh vực.

Mẫu máy bay không người lái Noba Robotics AQ10 bay trình diễn phun thuốc trừ sâu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Định An (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).

Những sản phẩm thuần Việt

PGS.TS Vũ Ngọc Ánh, 37 tuổi, hiện là giảng viên ngành kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Sau hơn 3 năm nghiên cứu, phát triển, anh và cộng sự đã chế tạo thành công mẫu máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp mang tên Noba Robotics AQ10.

Mẫu máy bay này nặng khoảng 25kg, thời gian hoạt động 15-20 phút, chỉ mất 10 phút để phun thuốc trừ sâu cho 1ha đất canh tác, nhanh gấp 50 lần phun thủ công và tương đương hiệu quả của 28 lao động. Noba Robotics AQ10 hoạt động theo lộ trình được thiết lập sẵn, khi hết thuốc sẽ tự động quay về nạp thuốc, bay về vị trí cũ để phun tiếp. Đặc biệt, máy bay này có thể hoạt động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

Theo PGS.TS Vũ Ngọc Ánh, năm 2019, mẫu máy bay đầu tiên được bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk thử nghiệm đa nhiệm vụ. Mẫu máy bay thứ hai dùng để hỗ trợ nông dân phun thuốc trừ sâu. Năm 2020, nhóm phát triển thành công mẫu máy bay thứ ba, dùng để gieo hạt trồng cây gây rừng tại những vùng con người khó tiếp cận. “Chúng tôi đặt mục tiêu sản xuất số lượng lớn, với giá thành khoảng 100 triệu đồng/chiếc, để phục vụ nông dân trong cả nước sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh nói.

Một sản phẩm thuần Việt khác cũng đang dần mở rộng thị phần tại các công ty trong nước và nước ngoài ở Việt Nam. Đó là các mẫu Robot3T của Công ty TNHH Chế tạo máy 3C (có trụ sở tại phường 5, quận 8). Giá thành các loại Robot3T chỉ bằng 70% sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Nổi bật trong số đó là robot cho ngành Y tế; robot công nghiệp…

Kỹ sư Trương Trọng Hải, Trưởng nhóm Robot3T cho biết, các sản phẩm robot của Công ty TNHH Chế tạo máy 3C đang được hơn 500 khách hàng từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng. Trong đó, có các thương hiệu lớn như: M2M Solutions, Genesis CNC, Thaco Trường Hải, Rạng Đông…

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 24 cơ sở ươm tạo, là nơi tiếp nhận và nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để từ ý tưởng có thể được phát triển thành sản phẩm. Có thể kể đến những cái tên nổi bật như: Hệ sinh thái doanh nghiệp BestB, Saigon Innovation Hub (SIHUB), Vườn ươm doanh nghiệp Phần mềm Quang Trung…

Trong số này, BestB là một trong những hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Qua 6 năm phát triển, BestB đã xây dựng cho mình một hệ sinh thái rộng khắp. Ông Phạm Huy Cường, nhà sáng lập Hệ sinh thái doanh nghiệp BestB cho biết, đã có hơn 200 dự án của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên cả nước được BestB hỗ trợ trong 6 năm qua.

Trong khi đó, SIHUB (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh) là nơi tiếp nhận các nguồn lực của thành phố để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. Giám đốc điều hành SIHUB Huỳnh Kim Tước cho biết, SIHUB không trực tiếp ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo mà đóng vai trò định hướng, điều phối, phân bổ các nguồn lực cho các đơn vị chuyên môn để hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp này.

Từ khi thành lập (năm 2016) đến nay, SIHUB đã hỗ trợ 960 dự án khởi nghiệp, 15 vườn ươm, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển mạng lưới cho hơn 100 cố vấn khởi nghiệp, đào tạo 115 giảng viên đại học về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các quận, huyện...

Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh hiện được UBND thành phố giao là một trong những đầu mối chính thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố. Hiện, thành phố Hồ Chí Minh có hơn 1.900 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chiếm hơn 50% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của cả nước. Đã có hơn 2.500 dự án khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ phát triển.

Dù chưa hết năm 2020, nhưng riêng chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (SpeedUp) của Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh đã hỗ trợ 5 tỷ đồng cho 7 dự án khởi nghiệp sáng tạo nổi bật. Chương trình cũng đã hỗ trợ 25,3 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước cho 40 dự án khởi nghiệp khác, với kinh phí đối ứng từ các quỹ đầu tư cho các dự án này là 10,3 tỷ đồng.

“Trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp” theo hướng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm khu vực”, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Việt Dũng cho biết.

Huỳnh Như

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/985623/thanh-pho-ho-chi-minh-no-luc-xay-dung-thanh-pho-khoi-nghiep-sang-tao