Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện thực phẩm phục vụ Tết kém chất lượng

Trong những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, các cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh tăng cường công tác kiểm tra và phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng với quy mô lớn khiến cho người tiêu dùng lo ngại.

Theo các cơ quan chức năng, các loại thực phẩm kém chất lượng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện vi phạm nhiều nhất trong những ngày cận Tết Kỷ Hợi 2019 chủ yếu là các loại thực phẩm chế biến như giò, chả, thịt nguội, dăm bông; các loại mứt, bánh kẹo, nước giải khát…kém chất lượng và người tiêu dùng khó mà tránh khỏi.

Từ đầu tháng 1/2019 đến nay, Cục Quản lý Thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh phát hiện 9 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm; đã xử lý xử lý 10 con gà và 90 con heo bị bệnh. Cùng với lực lượng liên ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, QLTT thành phố phát hiện 6 vụ vi phạm, do không lưu mẫu thức ăn, chưa xuất trình được các giấy tờ theo yêu cầu, không có ủng hoặc giày, dép sử dụng trong khu vực sản xuất.

Kiểm tra chất lượng thực phẩm, QLTT thành phố phát hiện 39 vụ vi phạm, do không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; đã tạm giữ 1.146 kg nhãn, vải, hạt đười ươi, la hán quả, cẩu kỷ tử, bông cúc, táo tàu sấy khô; 54.731 đơn vị sản phẩm kẹo, bánh và bột gia vị các loại.

Cơ sở sản xuất bún tươi ở quận Bình Tân bị phát hiện sản phẩm kém chất lượng đã bị Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh yêu cầu tạm dừng sản xuất

Đơn cử, ngày 9/1, Đội QLTT số 28 Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cùng với Cục Cảnh sát môi trường Bộ Công an kiểm tra hai cơ sở sản xuất bún tươi Minh Hoàng trên quốc lộ 1A và cơ sở số 221/1/1 đường Bình Thành, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, phá hiện hai cơ sở này sản xuất bún tươi kém chất lượng.

Kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, cơ sở trên quốc lộ 1A sản xuất bún không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Chủ cơ sở Đỗ Thanh Minh thừa nhận, cơ sở có sử dụng bún cũ đã hết hạn sử dụng do khách hàng trả lại để làm nguyên liệu sản xuất bún tươi bán cho người tiêu dùng. Tại cơ sở, ông Minh tự xử lý 530kg bún thành phẩm, 825 kg bún đã hết hạn sử dụng. Đoàn kiểm tra yêu cầu cơ sở này tạm ngừng sản xuất bún cho đến khi có đầy đủ các giấy tờ pháp lý theo quy định.Cùng ngày, đoàn kiểm tra cơ sở sản xuất bún tươi số 221/1/1 đường Bình Thành, phát hiện cơ sở không thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu dừng việc sản xuất.

Trước đó, ngày 5/1, Đội QLTT số 26 Cục QLTT thành phố kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa (số 1610 Võ Văn Kiệt, quận 6), đã phát hiện và lập biên bản tạm giữ 18.830 đơn vị sản phẩm bánh, kẹo không có hóa đơn chứng từ .

Ông Lê Minh Hải, phó Ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQLANTP) TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2018, BQLANTP thành phố đã kiểm tra trên 41.000 cơ sở, phát hiện vi phạm chiếm tỷ lệ 27,8% các vụ đã kiểm tra, đã xử phạt đối với 2.780 vụ vi phạm, thu tiền phạt gần 17 tỷ đồng. Thực trạng thực phẩm bẩn, kém chất lượng trên địa bàn thành phố hiện nay còn diễn ra phổ biến và diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm.

Theo đánh giá của ông Hải, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay vẫn tồn tại một số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm trong điều kiện khu sản xuất, chế biến xuống cấp; vi phạm về khám sức khỏe cho người trực tiếp tham gia sản xuất, còn nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm nhận thức chưa tốt về vấn đề an toàn vệ sinh trong sản xuất, bảo quản, lưu thông, bày bán thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ngoài lo ngại các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoạt động khi chưa có đủ điều kiện để sản xuất kinh doanh, dùng nguyên liệu kém chất lượng, thậm chí là nguyên liệu đã ôi thiu, tẩm ướp hóa chất độc hại để sản xuất thực phẩm, người tiêu dùng còn “phát sợ” đới với nhiều cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thức ăn kếm chất lượng, che đậy không đúng cách, bày bán ở những địa thiếu sạch sẽ.

Theo BQLANTP, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 20.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.000 người kinh doanh. Người tiêu dùng không khỏi lo ngại do đặc tính của loại hình kinh doanh thức ăn đường phố như nơi bày bán không cố định, điều kiện kinh tế của người kinh doanh đa số đều khó khăn, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng còn thấp, dẫn đến nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao. Để hạn chế những rủi lo cho người tiêu dùng từ các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, BQLANTP thành phố yêu cầu người kinh doanh thực hiện 10 tiêu chí với phương châm “Hãy làm thức ăn cho người khách giống như làm thức ăn cho gia đình” để đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Tuy nhiên theo các chuyên gia về thực phẩm, chỉ có khuyến cáo, vận động của các cơ quan chức đối với người kinh doanh thức ăn đường phố không thôi là chưa đủ mà cần phải có những chế tài mạnh, tổ chức xử lý nghiêm minh thì mới đủ sức răn đe.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền cục trưởng Cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị sẽ phối hợp lực lượng chức năng chủ động kiểm tra an toàn thực phẩm, nhất là các mặt hàng trọng điểm như mứt, kẹo bánh, thực phẩm chế biến, nước giải khát, rượu bia. Tiếp tục phối hợp với tốt với các đoàn liên ngành về phòng chống dịch bệnh gia cầm, gia súc, an toàn thực phẩm tạo điều kiện cho người dân thành phố mua sắm các loại thực phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết sắp đến.

Thế Vĩnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-hien-thuc-pham-phuc-vu-te-t-kem-chat-luong-114841.html