Thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch

Trong Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân giai đoạn 2021-2030, thành phố Hồ Chí Minh đề ra các giải pháp ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Trong đó, đẩy mạnh phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn...

Xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) đang được thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh phát triển.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Số liệu thống kê của Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố Hồ Chí Minh đang có 2.043 xe buýt tham gia hoạt động trên 127 tuyến xe buýt. Trong số này có 496 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, xe buýt CNG gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng, hiện chỉ có Công ty cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam (PVGas South) đầu tư trạm cấp và quyết định giá bán nhiên liệu sạch. Tuy nhiên, mức giá này không ổn định, có xu hướng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đầu tư xe buýt CNG.

Bên cạnh đó, thành phố chỉ có 3 trạm nạp khí CNG cho xe buýt, với công suất phục vụ 180 lượt xe/ngày. Việc hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG không nhiều và không thuận tiện cho mỗi lần nạp (lâu gấp 4 lần so với bơm dầu), gây nhiều phiền toái cho nhân viên phục vụ loại xe này. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thêm trạm nạp thường phải kéo dài, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến khí đốt. Mặt khác, các loại xe buýt CNG thường có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu truyền thống (diesel) từ 20 đến 50%. Đây cũng là một rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc phát triển loại xe buýt này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, với một đô thị lớn như thành phố Hồ Chí Minh, việc phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng là bắt buộc để giảm ùn tắc giao thông. Trong đó, phương tiện giao thông cần được khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch góp phần giảm ô nhiễm không khí, giúp đa dạng, hiện đại hóa loại hình này.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, Sở đã phối hợp với các bên liên quan khảo sát, xác định các vị trí có thể xây dựng trạm nạp khí CNG, hỗ trợ PVGas South đơn giản hóa thủ tục xây dựng để mở rộng hệ thống trạm. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi mua sắm xe buýt CNG thấp hơn xe buýt thường 3%.

Cùng với đó, ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh còn có kế hoạch phát triển xe buýt chạy điện. Từ năm 2017 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng 6 xe buýt 12 chỗ ngồi chạy điện phục vụ hơn 12.400 lượt hành khách. Thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải thành phố tiếp tục triển khai thí điểm loại xe điện này, phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ. Qua những hoạt động thử nghiệm, các cơ quan quản lý sẽ có căn cứ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá xe buýt điện, làm cơ sở chuẩn bị các bước tiếp theo để phát triển loại hình vận tải nhiều ưu điểm này.

“Vào dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đến Công viên 23-9 lên tuyến xe buýt điện đi vòng quanh tham quan thành phố. Xe chạy êm, với tốc độ vừa phải, cảm giác rất thoải mái”, chị Hoàng Thị Nhã Mi ở đường Cô Giang, quận 1 cho biết.

Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố Hồ Chí Minh được tự quyết thí điểm xe buýt điện cỡ lớn, có sức chứa từ 65 đến 70 hành khách. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với tổng số 77 xe trong 12 tháng. Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách và hướng dẫn địa phương quy hoạch hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Đồng thời kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, thuế đất… cho doanh nghiệp, nhà sản xuất phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch để thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội chung tay phát triển loại hình phương tiện mới tham gia vận tải hành khách công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh.

Gia Bảo

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/998254/thanh-pho-ho-chi-minh-phat-trien-xe-buyt-su-dung-nhien-lieu-sach