Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm khởi công Metro số 2 đúng hạn: Chạy đua với thời gian

Các cấp, ngành, địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương giải phóng mặt bằng toàn tuyến đường sắt đô thị (Metro) số 2 Bến Thành - Tham Lương, quyết tâm khởi công công trình đúng hạn (đầu năm 2021). Với nỗ lực chạy đua với thời gian, hy vọng công trình này sẽ không phải thêm một lần lỗi hẹn.

UBND quận 10 bàn giao cho Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh mặt bằng xây dựng nhà ga S5 tuyến Metro số 2.

Liên tục chậm tiến độ

Dự án xây dựng tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương giai đoạn 1 do Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR) làm chủ đầu tư. Chiều dài toàn tuyến là 11,042km (9,1km ngầm; 1,942km trên cao và chuyển tiếp), đi qua địa bàn các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Dự án được xúc tiến từ năm 2010, dự kiến hoàn thành năm 2020, sau đó được lùi sang năm 2024. Tuy nhiên, đến nay, tiến độ được xác định là: Năm 2020 tập trung hoàn thành công tác giải phóng 100% mặt bằng toàn tuyến để khởi công vào đầu năm 2021, vận hành thử vào năm 2025 và năm 2026 đưa vào khai thác.

Cũng vì chậm tiến độ, các nhà tài trợ gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) đã xác định lại tổng mức đầu tư dự án Metro số 2 từ 1,3 tỷ USD tăng lên gần 2,1 tỷ USD (khoảng 48.000 tỷ đồng). Ngoài ra, ADB chỉ đồng ý gia hạn khoản vay của dự án đến ngày 13-12-2020. EIB xem xét gia hạn vay đến tháng 8-2020. KFW cũng đồng thuận gia hạn vay đến cuối năm 2020. Sau thời hạn này, các bên tài trợ có thể rút vốn. Trên thực tế, ADB và EIB đã hủy một phần khoản vay, trị giá 137 triệu USD.

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Metro số 2 Võ Khắc Hưng cho biết, nguyên nhân của việc chậm tiến độ là vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn. Một trở ngại nữa là việc đền bù giải phóng mặt bằng bị đội vốn. Theo Trưởng ban MAUR Bùi Xuân Cường, gói bồi thường giải phóng mặt bằng theo tổng mức đầu tư tuyến Metro số 2 đã được Trung ương phê duyệt là 3.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thẩm định giá lần cuối để ban hành hệ số điều chỉnh giá đất thì tăng thêm 500 tỷ đồng, do đó phải chờ chỉ đạo từ Trung ương.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Khắc phục những tồn tại, chính quyền các cấp của thành phố Hồ Chí Minh đang quyết tâm có được 100% mặt bằng sạch trong năm 2020 để khởi công công trình vào đầu năm 2021. Trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; mở và chấm thầu lại một số gói thầu; thống nhất với các bộ, ngành và các nhà tài trợ về các khoản vay của dự án… Thành phố cũng tăng cường trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Theo ông Bùi Xuân Cường, dự án ảnh hưởng đến 602 hộ dân và cơ quan, đơn vị, tương đương diện tích đất 251.136m2. Tính đến giữa tháng 7-2020, các quận 1, 3, 10, 12, Tân Phú đã bàn giao được khoảng 60% mặt bằng. Số đất còn lại cũng đã hoàn thành phương án đền bù, các hộ dân chỉ chờ được nhận tiền là bàn giao mặt bằng. Ông Trần Thái Nguyệt Lang, ngụ tại số 473B đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 13, quận 10) - người vừa bàn giao một phần diện tích nhà cho dự án - chia sẻ: "Dù bị ảnh hưởng đến cửa hàng đang kinh doanh nhưng khi dự án hoàn tất, chúng tôi cũng được hưởng lợi. Do đó, tôi nghĩ lợi ích của nhà nước và người dân là hài hòa".

Còn tại quận Tân Bình, hiện đã bàn giao được mặt bằng xây dựng ga ngầm S10 và ga trên cao S11. Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La cho biết, đã có 297/356 hộ dân, tổ chức liên quan đã nhận tiền hỗ trợ, bồi thường và bàn giao mặt bằng. “Với những hộ dân chưa đồng thuận, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền để họ hiểu và chấp hành chủ trương của thành phố. Với những hộ cố tình chây ỳ, chúng tôi sẽ chuyển tiền đền bù vào Kho bạc Nhà nước và sẵn sàng thực hiện cưỡng chế, để có đủ mặt bằng cho dự án”, ông Châu Văn La nói.

Về các gói thầu của dự án, theo ông Bùi Xuân Cường, gói thầu CP0 (thiết kế thi công, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật) đã chọn được nhà thầu, các gói thầu chính khác sẽ được rà soát, chỉnh sửa nội dung để mời thầu trong năm 2020. Riêng khoản 137 triệu USD mà ADB và EIB hủy một phần khoản vay, MAUR đang làm việc với các nhà tài trợ để bổ sung.

Về khoản tiền tăng thêm 500 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thông tin, ngày 20-7 thành phố đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh, san sẻ từ các gói kinh phí khác để chuyển sang gói bồi thường giải phóng mặt bằng, trên cơ sở không làm tăng tổng mức đầu tư dự án. “Nếu được chấp thuận, trong năm 2020, thành phố sẽ giải ngân hết hơn 3.000 tỷ đồng chi cho giải phóng mặt bằng”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

An Tôn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/973429/thanh-pho-ho-chi-minh-quyet-tam-khoi-cong-metro-so-2-dung-han-chay-dua-voi-thoi-gian