Thành phố Lạng Sơn: Đồng bộ giải pháp ngăn chặn hành vi viết, vẽ lên di tíchTin khácĐể mọi trẻ em đều vui Tết Trung thuAn toàn thực phẩm Tết Trung thu: Kiểm soát chặt, tuyên truyền mạnh

Những năm qua, bằng nhiều giải pháp tích cực, các cơ quan, đơn vị liên quan ở thành phố Lạng Sơn đã từng bước giảm thiểu tình trạng viết, vẽ, khắc tên lên di tích.

Chùa Tam Thanh là một trong những di tích thuộc Quần thể danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị, thành nhà Mạc đã được xếp hạng cấp Quốc gia, mỗi năm thu hút khoảng 300.000 lượt khách tham quan, chiêm bái. Khác với trước kia, các cột của lầu Vọng Thị, khu vực nhà sàn, vách đá trong động… có rất nhiều nét viết, vẽ bậy của những người thiếu ý thức “để lại” gây mất mỹ quan thì nay đã cơ bản được xử lý sạch sẽ, trả lại sự trang nghiêm cho di tích.

Nhân viên Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố tẩy các vết viết, vẽ trong khuôn viên di tích chùa Tam Thanh

Bà Lương Thị Sinh, Tổ trưởng Tổ quản lý khu di tích, Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố cho biết: Hằng ngày, chúng tôi thường xuyên bố trí đội ngũ nhân viên trực tại các vị trí trong di tích để kịp thời tuyên truyền, nhắc nhở du khách. Với những chỗ đã bị viết, vẽ lên, mỗi năm hai lần, chúng tôi sẽ xử lý bằng biện pháp kỹ thuật với các chất tẩy chuyên dụng, đối với bề mặt gỗ tiến hành sơn lại.

Hiện nay, thành phố Lạng Sơn đang sở hữu 28 điểm, khu di tích, trong đó có 11 di tích cấp Quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh. Với số lượng di tích đa dạng như vậy, trung bình mỗi năm, thành phố đón hơn 4 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Nếu như từ năm 2018 trở về trước, tại một số di tích như: núi Phai Vệ (phường Vĩnh Trại), thành nhà Mạc, động Nhị Thanh (phường Tam Thanh)… có nhiều nét viết, vẽ phản cảm thì hiện nay hành vi này hầu như đã không còn.

Bà Kim Thị Nhung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, khách du lịch tại thành phố Lạng Sơn cho biết: Năm nào, tôi và gia đình cũng lên Lạng Sơn tham quan, du lịch, gần đây nhất là vào đầu năm 2021 tại thành nhà Mạc và chùa Tam Thanh. Mỗi lần đến đây lại có rất nhiều điều thay đổi, cảnh quan ngày càng khang trang sạch sẽ, đặc biệt không có tình trạng viết, vẽ bậy.

Có được kết quả như vậy, thời gian qua, UBND thành phố đã bằng nhiều việc làm cụ thể ngăn chặn hành vi viết, vẽ bậy lên di tích. Cụ thể, UBND thành phố đã phân cấp quản lý từng di tích đến từng địa bàn cấp xã; giao Phòng Văn hóa – Thông tin (VH-TT) hướng dẫn 100% phường, xã thành lập ban quản lý, bộ phận thường trực đảm bảo công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Cùng với đó, trong giai đoạn từ 2018 đến nay, UBND thành phố đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố xóa tẩy các vết vẽ, viết bậy tại một số di tích như: thành nhà Mạc, nhà bia di tích cột trụ và nhà công quán…

Đồng thời, UBND thành phố cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ di tích, quán triệt rõ chế tài xử phạt đến người dân – chủ thể đang nắm giữ di sản, thông qua nhiều hình thức như: tại các cuộc họp tổ dân phố, khu dân cư; hệ thống loa đặt tại các di tích; lưu động bằng xe tuyên truyền… Năm 2020, UBND thành phố giao Phòng VH-TT in hơn 10.000 tờ rơi, làm 17 tấm biển “bộ quy tắc ứng xử văn minh” cấp phát và treo tại các di tích; treo 10 biển cảnh báo cấm viết, vẽ bậy và xâm hại di tích đặt tại di tích núi Phai Vệ, phường Vĩnh Trại.

Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng VH-TT thành phố cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho UBND thành phố tăng cường quản lý các di tích, danh thắng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn, trong đó hạn chế đến mức tối đa hành vi viết, vẽ lên di tích. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, sâu rộng. Đặc biệt, chúng tôi cũng mong muốn mỗi một người dân, du khách hãy trân trọng và thể hiện nếp sống văn minh khi tham quan các di tích.

Qua đây có thể thấy, bằng những giải pháp tích cực đã khắc phục được tình trạng viết, vẽ bậy lên di tích. Các cấp, ngành liên quan ở thành phố sẽ tiếp tục tăng cường quản lý và thực hiện hiệu quả các cách làm trên để các di tích được bảo vệ thường xuyên và phát huy tốt giá trị.

Theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tại Khoản 1, Điều 23 “Vi phạm quy định về bảo vệ công trình văn hóa, nghệ thuật, di sản văn hóa”, các hành vi viết, vẽ, làm bẩn hoặc làm ô uế di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

HOÀNG HIẾU

THANH HUYỀN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/449716-thanh-pho-lang-son-dong-bo-giai-phap-ngan-chan-hanh-vi-viet-ve-len-di-tich.html