Thành phố Thủ Dầu Một: Lấn sông, lấp kênh rạch người dân sống trong âu lo, vì ngập úng

Hiện nay Tình trạng lấn chiếm bờ sông, rạch xây nhà trái phép, ngày càng diễn biến phức tạp ở các địa phương trên cả nước, gây khó khăn xây dựng hệ thống thoát nước, nạo vét và đầu tư các công trình khác

Người dân khiếu nại nhiều lần vì văn bản không thể hiện việc lấn rạch

Theo phản ánh của người dân, tại khu vực khu phố 14 và 16 phường Phú Cường, nơi dự án công trình đường Bạch Đằng nối dài, mùa mưa này họ phải dùng các vật dụng có thể để không cho nước tràn vào nhà, sau một cơn mưa nhỏ. Những hộ dân nơi đây bứt xúc vì việc lấn rạch Ông Kiểm làm giảm dòng chảy nên tình trạng ngập ngày càng nhiều, người dân nơi đây nhiều lần đã kiến nghị dừng việc lấp con rạch trên, nhưng mọi việc vẫn như cũ.

Rạch Ông Kiểm đang dần bị thu hẹp

Trao đổi với ông Đoàn Văn Nhanh người đại diện ban điều hành khu phố cho biết, trước đây con rạch cầu Ông Kiểm này có bề ngang rộng hơn 20m, nay bị lấp lấn nửa con rạch nên khi trời mưa dòng chảy thoát nước các khu phố lân cận đổ về con rạch này lượng nước tập trung tại đây rất lớn, rạch thoát nước không kịp gây ngập trên diện rộng tại hai khu phố là 14 và 16, làm hư hại tài sản của người dân, vì đây là điểm cuối của con rạch thoát ra sông Sài Gòn.

Trong đơn trình bày, việc Chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một ban hành quyết định số 4525 trên cho phép lấn chiếm con rạch để làm dự án, mà không cần họp dân lấy ý kiến gây búc xúc bà con cử tri và nguy cơ gây nguy hiểm đến cuộc sống người dân sẽ tăng lên khi con rạch bị thu nhỏ.

Ông Hồ Thanh Sang, cử tri khu phố 14 trình bày trong nỗi bức xúc: “Việc không lấy ý kiến người dân là thiếu quy trình dân chủ, hơn nữa trong nội dung quyết định 4525 ở trang thứ 14 về dự án không có chi tiết nào thể hiện được phép lấn chiếm con rạch. Khi chúng tôi khiếu nại việc lấn rạch theo văn bản trên thì UBND thành phố trả lời là làm đúng quy trình.

Trong khi quyết định có vấn đề “đánh lận con đen “vì các lý do như: Rạch Ông Kiểm khu phố 14, còn Rạch Ông Đành ở khu phố 6, hai con rạch này thể hiện và phân biệt bởi hai cây cầu bắc ngang là cầu Ông Kiểm và cầu Ông Đành. Tuy nhiên, trong quyết định chỉ thể hiện cầu Ông Đành là được lấn rạch, nhưng không thể hiện là lấn bao nhiêu, không thể hiện là lấn rạch Ông Kiểm, nhưng thi công không hiểu sao lại lấn rạch Ông Kiểm.

Mỗi cơn mưa, nhà các hộ dân đêu ngập úng

Khi bị cử tri chất vấn, tại sao nhất thiết phải lấn rạch trên thì được trả lởi rằng là để trồng cây tạo mỹ quan, những người dân khu phố này thắc mắc trồng cây ở đó có lợi ích gì đâu, vì người dân không thể vào hóng mát. Trong khi trước đó khu đất hơn 7000 ha nằm sát con rạch Ông Kiểm bị giải tỏa trắng để giao cho công ty bất động sản Biconsi làm dự án nhà cao tầng để bán mà không chừa phần nhỏ khu dất để làm dự án trồng cây, mà phải lấn chiếm con rạch để làm dự án? Câu hỏi trên không được giải thích, phải chăng đây là phần ưu ái cho công ty trên?.
Chỉ tính riêng trong hai tháng 7 và 8 -2018, đã có gần 15 trận ngập nghiêm trọng trên địa bàn khu phố 14. Thường là vào chiều tối, nhiều cơn mưa lớn diễn ra xối xả, khiến nhiều khu vực ngập sâu trong nước và kéo dài nhiều giờ, làm đảo lộn mọi sinh hoạt hàng ngày của người dân, việc đi lại rất khó khăn vào giờ tan tầm. Những hình ảnh được ghi lại đã thể hiện tình trạng trên là có thật

Các quy định bảo vệ hành lang nguồn nước

Căn cứ Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 của Chính phủ Quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì hành lang bảo vệ nguồn nước được hiểu như sau: Hành lang bảo vệ nguồn nước là hành lang bảo vệ sông, suối, hồ, kênh, rạch là phần đất giới hạn dọc theo nguồn nước hoặc bao quanh nguồn nước do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Vùng đất được gọi là hành lang bảo vệ nguồn nước này có tác dụng như một lá chắn chống các hoạt động gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước, bảo vệ các loài thủy sinh, chống lấn chiếm nguồn nước. Đặc biệt, nó bảo vệ, tạo không gian cho các hoạt động văn hóa, thể thao, tín ngưỡng… liên quan đến nguồn nước. Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

Không được gây sạt, lở bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng, uy hiếp đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa. Không làm ảnh hưởng đến các chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường sinh thái trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về ảnh hưởng đến chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước khi thực hiện các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước như: Xây dựng kho bãi, bến, cảng, cầu, đường giao thông, các công trình ngầm và công trình kết cấu hạ tầng khác, san, lấp, kè bờ sông, suối, kênh, rạch, hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo, trừ trường hợp xây dựng công trình cấp bách phục vụ phòng, chống, khắc phục thiên tai, khoan, đào phục vụ hoạt động điều tra, khảo sát địa chất, thăm dò, khai thác khoáng sản, xử lý nền móng công trình, tháo khô mỏ, khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.

Các hộ dân khu phố 14

Tuy luật là vậy, nhưng các văn bản mà thành phố Thủ Dầu Một cung cấp cho người dân, không có các văn bản nào đánh giá về tác động môi trường dòng chảy của rạch Ông Kiểm, và một số quy định theo luật, được biết đây là cửa xã của hai phường Hiệp Thành và Phú Cường chảy ra sông Sài Gòn, chúng tôi đã cố liên hệ với Chủ tịch UBND thành phố nhưng chưa thể liên lạc được, nhằm đưa ý kiến thắc mắc của người dân đến chính quyền địa phương.

Hữu Hiệp - Văn Hạ

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/camera-24h/tha-nh-pho-thu-da-u-mo-t-lan-song-lap-kenh-rach-nguo-i-dan-song-trong-au-lo-vi-nga-p-u-ng-270646.html