Thành phố 'trường thọ' mở đường cho tương lai già hóa của Trung Quốc

Như Cao được mệnh danh là 'thành phố trường thọ' của Trung Quốc vì có số lượng người cao niên ấn tượng, với 78.000 người trong độ tuổi 80-99 và 525 người khác trên 100 tuổi trong tổng số số 1,4 triệu cư dân.

Thành phố Như Cao có trên 78.000 người trong độ tuổi 80-99 và trên 500 người trên 100 tuổi. Ảnh: AFP

Thành phố Như Cao có trên 78.000 người trong độ tuổi 80-99 và trên 500 người trên 100 tuổi. Ảnh: AFP

Cẩn thận thêm những nét cuối cùng lên bức thư pháp với chữ “May mắn”, cụ ông Gu Bin (104 tuổi) mỉm cười hài lòng với tác phẩm của mình.

Ông Gu Bin vẫn còn kém 5 tuổi so với người già nhất trong cộng đồng người cao tuổi tại Như Cao – một thành phố miền Đông Trung Quốc với hơn 500 người trên 100 tuổi sống khỏe mạnh và vui vẻ mỗi ngày.

Thư pháp là một trong những sở thích của cụ ông Gu – người đã tự mày mò cách sử dụng Internet khi đã qua tuổi 90.

“Tôi làm thơ, đọc sách và đọc tin tức mỗi ngày”, cụ ông sinh năm 1918 cho hay mình khá hài lòng khi sống trong căn hộ ấm cúng cùng con gái và con rể. Ông có những người bạn hàng xóm thường đến nhà chơi. "Trước đây khi Trung Quốc còn nghèo, chúng tôi không có gì, bây giờ tôi có chỗ ở, ăn no mặc ấm. Cuộc sống thế là no đủ rồi”, ông Gu bày tỏ.

Công viên, đền thờ tại thành phố luôn chật kín người cao tuổi. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con đã tạo ra thách thức về nhân khẩu học đối với Trung Quốc, với tỷ lệ sinh thấp và số lượng người cao tuổi lớn nhất thế giới. Chính phủ nước này dự báo đến năm 2050, những người về hưu sẽ chiếm 1/3 dân số Trung Quốc và việc chăm sóc họ sẽ chiếm 1/4 GDP hàng năm.

Theo truyền thống, người già ở Trung Quốc được con cháu chăm sóc nuôi dưỡng tại nhà. Tuy nhiên, chính sách một con đã tạo ra xu hướng già hóa dân số và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, gây sức ép lên những đứa trẻ đang phải làm việc để chăm sóc cha mẹ già yếu sau này. Quá trình đô thị hóa, thời gian làm việc kéo dài và giá bất động sản tăng cao cộng với sự thay đổi tư duy của nhiều người trẻ Trung Quốc đã tạo ra thách thức trong mối quan hệ giữa các thế hệ.

Dữ liệu điều tra dân số công bố trong tuần này cho thấy dân số trên 60 tuổi của Trung Quốc đã đạt trên 264 triệu người - tăng 5% so với thập kỷ trước - biến Như Cao trở thành nơi thí điểm cho tương lai một đất nước dân số đang già hóa.

Như Cao được mệnh danh là "thành phố trường thọ" của Trung Quốc vì có số lượng người cao niên ấn tượng, với 78.000 người trong độ tuổi 80-99 và 525 người khác trên 100 tuổi trong tổng số 1,4 triệu cư dân.

Cụ ông Fu 103 tuổi vẫn đứng bếp hàng ngày nấu ăn cho các cháu. Ảnh: AFP

Các ngôi đền và công viên trong thành phố luôn đông kín những người cao tuổi đến cầu nguyện, khiêu vũ hoặc tập các động tác thái cực quyền. Những người lớn tuổi tụ tập trò chuyện trên những con đường rải sỏi ven sông hoặc ngồi ở quảng trường trung tâm ca hát.

"Phong tục của chúng tôi ở đây là trân trọng người cao tuổi. Chúng tôi tin rằng có một người cao tuổi trong gia đình giống như có một kho báu vậy", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tuổi thọ Như Cao, bà She Minggao đã gần 70 tuổi nói với AFP.

Niềm tự hào và sự đối đãi chu đáo của thành phố được thể hiện ngay trong cuộc sống của những người cao niên tại đây. Sau khi hoàn thành 100 m đi bộ, cụ ông Gu đã được thành phố trao tặng huy chương dành cho người cao tuổi. Ông cũng nhận được giấy chứng nhận năm 1951 vì đã tham gia chiến đấu trong Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Chính quyền Như Cao còn triển khai các dịch vụ hỗ trợ hoặc miễn phí đến tận nhà bao gồm kiểm tra sức khỏe, cắt tóc và mát-xa cho người cao tuổi. Người dân cũng nhận được khoản trợ cấp chi phí chăm sóc tăng dần theo độ tuổi.

Một người già sống trong viện dưỡng lão ở Như Cao. Ảnh: AFP

Khoác trên mình bộ quần áo dài và luôn đội mũ, người kế toán năm nào phần lớn dành thời gian ở nhà sau một cú ngã cách đây vài năm. Tuy nhiên, ông vẫn giữ được tinh thần minh mẫn và biết rõ về thế giới bên ngoài nhờ Internet.

Nằm cách thành phố Thượng Hải 200 km, Như Cao là một thành phố nhỏ yên bình bao xung quanh là đồng lúa xanh ngắt điểm xuyết một vài con kênh nhỏ. Người dân tại đây tin rằng môi trường tự nhiên đóng một vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của người địa phương. Các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc đã kết luận trong một báo cáo rằng hàm lượng chất khoáng selen cao trong đất thành phố có thể là một yếu tố kéo dài tuổi thọ của người dân.

Nhưng sau hơn một thế kỷ sống qua lịch sử đầy biến động của Trung Quốc, những người cao tuổi tại đây có cách lý giải đơn giản hơn.

“Tôi vẫn đi làm. Tôi quét nhà mỗi ngày và thích mọi thứ sạch sẽ, gọn gàng. Tôi lái xe máy đi chợ và mua những thứ mình muốn”, cụ ông 103 tuổi Yu Fuxi chạy vòng quanh thị trấn trên chiếc xe tay ga quen thuộc của mình. Ông Yu vẫn thường nấu ăn cho các cháu và vui vẻ trong chiếc áo khoác màu trắng bận rộn quanh bếp.

Cụ ông Qian 101 tuổi ngồi phân loại ốc vít giúp đỡ xưởng sản xuất của con trai. Ảnh: AFP

Ở bên kia thành phố, cụ ông Qian Zuhua 101 tuổi lại cảm thấy có ích khi giúp đỡ trong nhà máy sản xuất ốc vít của con trai. “Tôi đã 101 tuổi và sức khỏe còn tốt. Chỉ cần nghĩ đến điều đó thôi là tôi đã rất vui rồi”, ông Qian chia sẻ.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/chuyen-la-the-gioi/thanh-pho-truong-tho-mo-duong-cho-tuong-lai-gia-hoa-cua-trung-quoc-20210512161815038.htm