Thành quả lớn nhất của AWGIPC 53 là nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Thành quả lớn nhất qua các cuộc họp tại AWGIPC 53 đang diễn ra ở Việt Nam là nâng cao nhận thức của từng quốc gia về vai trò của sở hữu trí tuệ.

Cuộc họp Nhóm công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN lần thứ 53 (AWGIPC 53) do Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đăng cai tổ chức, từ ngày 17 – 21/7. Ngoài những cuộc họp song phương, đa phương, nhiều sự kiện bên lề cũng được tổ chức tại Hà Nội và Quảng Ninh.

Xung quanh sự kiện này, Tạp chí Khám phá đã có cuộc trao đổi với ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN.

Ông Lê Ngọc Lâm – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN (Nguồn: Internet)

- Xin ông cho biết, mục đích của cuộc lần thứ 53 Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu trí tuệ các nước ASEAN - AWGIPC 53?

Ông Lê Ngọc Lâm: Hợp tác ASEAN về sở hữu trí tuệ (SHTT) được thực hiện thông qua hoạt động của Nhóm công tác của ASEAN về hợp tác sở hữu trí tuệ.

AWGIPC nhóm họp định kỳ 3 lần mỗi năm. Hoạt động của AWGIPC dựa trên Hiệp định khung về Hợp tác sở hữu trí tuệ giữa các nước ASEAN được thông qua tại Cuộc họp Thượng đỉnh lần thứ 5 của các nước ASEAN tại Bangkok, Thái Lan năm 1995.

Thông qua cuộc họp này, các nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình về SHTT, gồm các hoạt động từ việc nâng cao nhận thức của công chúng, thương mại hóa tài sản trí tuệ, nâng cao giá trị tài sản trí tuệ.

Các nước ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng chính sách pháp luật, quản lý và thực thi quyền SHTT. Nhiều chương trình, dự án đã được đề xuất, thực hiện và mang lại hiệu quả quan trọng đối với sự phát triển của hệ thống SHTT các nước ASEAN nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Bên cạnh đó, ASEAN cũng có những hoạt động hợp tác song phương giữa ASEAN và các nước đối tác của ASEAN (AANZFTA, WIPO, Cơ quan Sáng chế châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản,...). Thông qua những hoạt động như thế này, các nước sẽ có cơ hội để cùng nhau đẩy tài sản trí tuệ của mình lên thay bằng việc mình tự làm vì không có kinh nghiệm.

Trong ASEAN có những khối rất mạnh như Singapore, Philippines. Việt Nam là nước nằm ở giữa và chúng ta cũng muốn thông qua hội nghị như thế này để xem lại những công việc đã triển khai được đồng thời sẽ cùng với ASEAN để thúc đẩy các hoạt động về sở hữu trí tuệ của Việt Nam phát triển trong thời gian tới.

Đặc biệt, thông qua hoạt động của Nhóm AWGIPC, các cơ quan sở hữu trí tuệ đã thiết lập một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiểu biết lẫn nhau. Trong suốt những năm qua, hợp tác ASEAN về SHTT đã không ngừng phát triển và mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.

- Cuộc họp AWGIPC 53 có ý nghĩa như thế nào trong việc nâng cao năng lực sở hữu trí tuệ của Việt Nam, thưa ông?

Ông Lê Ngọc Lâm: Đây là cuộc họp chuyên về sở hữu trí tuệ trong ASEAN. Đối với Việt Nam, đây là hoạt động hợp tác giao lưu, đồng thời thông qua các cuộc họp, Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, thừa hưởng các kết quả của hoạt động hợp tác không chỉ giữa các nước ASEAN mà còn giữa ASEAN với các nước đối tác của ASEAN.

Thông qua các hoạt động hợp tác đó, có các dự án để tạo ra công cụ về sở hữu trí tuệ tiện ích giúp cho các cơ quan sở hữu trí tuệ trong đó có Cục sở hữu trí tuệ của Việt Nam, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước sử dụng công cụ đó để phục vụ cho hoạt động phát triển của mình.

- Ông có thể đánh giá, kết quả lớn nhất sau các cuộc họp này là gì?

Ông Lê Ngọc Lâm: Thành quả lớn nhất qua các cuộc họp là nâng cao nhận thức của từng quốc gia. Các thành viên ASEAN đều nhận thức được vai trò của sở hữu trí tuệ trong việc hỗ trợ phát triển nền kinh tế của quốc gia mình. Hiện nay, có thể thấy các nước đều đang nỗ lực hết sức trong việc sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ để phát triển.

Tại cuộc họp lần này, chúng ta đã được chứng kiến việc khởi động ASEAN PatentScope - một công cụ để thúc đẩy và tạo điều kiện cho nỗ lực đổi mới của các nước thành viên ASEAN

- Ông kì vọng gì vào cuộc họp này?

Ông Lê Ngọc Lâm: Cuộc họp AWGIPC 53 lần này sẽ tập trung vào các vấn đề triển khai như chương trình hành động của ASEAN về SHTT giai đoạn 2016-2025 và các hoạt động hợp tác về SHTT giữa ASEAN và các đối tác của ASEAN.

Lần này kì họp được tổ chức vào giữa năm, thời điểm có nhiều hoạt động hợp tác song phương giữa các nước trong khối ASEAN và các đối tác nước ngoài. Thông qua cuộc họp, chúng ta sẽ kiểm điểm lại các hoạt động hợp tác với các đối tác đó như thế nào và thúc đẩy phát triển trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông.

Sở hữu trí tuệ là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu ngày nay. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm phát huy tới mức cao nhất tiềm năng thương mại của sáng tạo, qua đó thúc đẩy sự sáng tạo để tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Với nhận thức đó, ASEAN đã thành lập Nhóm Công tác về Hợp tác Sở hữu Trí tuệ (AWGIPC) rất sớm, từ năm 1996 với mục tiêu thúc đẩy hợp tác về cải thiện hạ tầng và cơ chế liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Ngọc Hương

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/thanh-qua-lon-nhat-cua-awgipc-53-la-nang-cao-nhan-thuc-ve-so-huu-tri-tue-c7a550077.html