Thánh thư của dân du mục

'Dân du mục' là bộ sách công phu bao gồm cả lịch sử, cả văn hóa, cả tâm hồn của người Kazakhstan, 'vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của một dân-tộc'.

 Bộ sách Dân du mục của Ilyas Yesenberlin. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Bộ sách Dân du mục của Ilyas Yesenberlin. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam.

Năm 1924, Phạm Quỳnh từng ca ngợi Truyện Kiều là “vừa là Kinh, vừa là Truyện, vừa là Thánh-thư, Phúc-âm của cả một dân-tộc (một khái niệm cần nhớ, rất mới mẻ lúc bấy giờ)”.

Điều đó hoàn toàn đúng với bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Dân du mục của nhà văn người Kazakhstan Ilyas Yesenberlin. Không phải ngẫu nhiên mà bộ tiểu thuyết này đã được giải thưởng văn chương cao quý nhất của Nhà nước Kazakhstan từ thời Liên Xô và đến nay, bộ sách vẫn luôn được tái bản, được dịch sang nhiều ngôn ngữ và thậm chí, lần xuất bản đầu tiên bằng tiếng Anh năm 1998 còn được đích thân Tổng thống nước Kazakhstan độc lập viết lời giới thiệu.

Tài liệu tái hiện lịch sử của cả một dân tộc

Có nguồn gốc từ những bộ tộc du mục, nằm ở trên con đường tơ lụa và cận kề với những đế quốc lớn, từ Mông Cổ, Trung Quốc đến nước Nga Sa hoàng, lịch sử của quốc gia này là sự thay thế nhau của những liên minh để phát triển khu vực sinh tồn dựa trên những tương đồng tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa cũng như những quan hệ hôn nhân, thân tộc.

Đó là một lịch sử triền miên của những cuộc chinh phạt để hình thành liên minh và những cuộc kháng chiến chống lại các thế lực bên ngoài, một lịch sử tràn ngập bạo lực và luôn bị các đế quốc lớn đe dọa thôn tính và sáp nhập.

Đọc Dân du mục mới thấy số phận mong manh của những thiết chế mang tính bền vững như đô thị trong lịch sử Kazakhstan: ý chí của bất cứ một kẻ chinh phục nào cũng có thể xóa sổ những đô thị được manh nha gắn với những luồng trao đổi thương mại của người du mục. Phải chăng chính vì vậy mà lịch sử thành văn của người Kazakhstan còn chưa có nhiều tài liệu ghi chép và Dân du mục là bộ sách quan trọng tái hiện lại lịch sử của dân tộc Kazakhstan trải dài qua nhiều thế kỉ, từ sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn đến khi Đế quốc Nga sáp nhập những vùng đất của người du mục vào lãnh thổ của Đế quốc.

Dân du mục là bộ sách công phu mà trong đó bao gồm cả lịch sử, cả văn hóa, cả tâm hồn của người Kazakhstan, một cuốn sách “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh-thư Phúc-âm của một dân-tộc”.

Có lẽ trong thời đại ngày nay, chỉ có khát vọng lớn lao của một dân tộc về việc ghi lại lịch sử của mình mới có thể tạo sinh được một tác phẩm đồ sộ như Dân du mục, một trường thiên tiểu thuyết viết theo lối biên niên bao quát một khoảng thời gian gần năm thế kỉ từ thời điểm Kim Trướng Hãn quốc, một “vệ tinh” trong hệ thái dương của Thành Cát Tư Hãn, sụp đổ dẫn đến sự ra đời của liên minh những bộ tộc Kazakhstan vào thế kỉ 15 đến khi người Kazakhstan vùng lên chống lại mưu toan của Đế quốc muốn thôn tính lãnh thổ của những người du mục và dùng sự chia rẽ để chống lại khát vọng độc lập của họ vào giữa thế kỉ 19.

Trong suốt quãng thời gian dằng dặc đó, Ilyas Yesenberlin đã dựng lên một thế giới đồ sộ gồm hàng nghìn nhân vật châu tuần quanh những anh hùng có vai trò quyết định đối với sự hình thành dân tộc Kazakhstan: những vị hãn (những thủ lĩnh thảo nguyên) Abulkhair, Dzhanybek, Kerey, Ablai, Kenesary…

Bằng sức mạnh vừa minh triết vừa quyết liệt và có phần tàn bạo, họ đã có những quyết định lớn lao có ảnh hưởng quyết định đến số mệnh của những người Kazakhstan: thống nhất lãnh thổ, thần phục Sa hoàng Nga để chống lại mối đe dọa của Đế quốc Trung Hoa và rồi, vùng lên đòi độc lập.

Chính vì vậy, có thể nói, Dân du mục thuộc về thế giới của những sử thi kì vĩ với những trận đánh long trời, những chiến dịch triền miên trên thảo nguyên, những bạo lực khủng khiếp, những âm mưu ghê hồn cũng như những nhân vật vượt lên chiều kích thiện ác thông thường.

Cái độc đáo của tiểu thuyết là cách mà tác giả khắc họa nhân vật thông qua những hành động, trong không khí thử thách sống còn mà một dân tộc bé nhỏ trên thảo nguyên bị ép giữa các đế quốc lớn luôn phải đối diện. Dẫu vậy, thay vì thần thánh hóa hoặc huyền thoại hóa những nhân vật lịch sử của dân tộc mình, nhà văn lại tái hiện họ trong hình hài vừa đầy sức mạnh của bạo lực và những hành vi quyết đoán đến tàn nhẫn vừa trong khát vọng vĩ đại về một dân tộc độc lập. Đó chính là nét độc đáo của một tiểu thuyết sử thi hiện đại.

Phản ánh tâm hồn, con người thảo nguyên

Dẫu vậy, Dân du mục hoàn toàn không phải là một bức tranh chỉ toàn màu đỏ máu của bạo lực. Đọc bộ sách này, dù là đã được chuyển ngữ, vẫn có thể cảm nhận được nhịp điệu, lối suy nghĩ, lối nói năng đầy sống động nhưng cũng rất riêng của con người thảo nguyên. Những bài hát du mục được vang lên từ chương này sang chương khác của bộ trường thiên như một thứ đối âm lại với bạo lực khủng khiếp của hành trình lập quốc đầy khó khăn.

Dân du mục được tạo nên bởi hai nửa, một, đầy bạo lực, một đầy màu sắc trữ tình của thiên nhiên thảo nguyên khắc nghiệt nhưng tuyệt đẹp, cuộc sống phóng khoáng của những người du mục, những cuộc tình tự do của những người nữ diễm lệ và những người mẹ đầy nhân hậu cũng như những nghệ nhân kết tinh toàn bộ minh triết của người du mục thảo nguyên, những nghệ nhân mà ngay cả các hãn cũng phải nghiêng mình cung kính và lắng nghe.

Có thể nói, song hành với bạo lực thì chính văn hóa, niềm tin, những giá trị của người du mục thảo nguyên, khát vọng tự do và bảo toàn lối sống chính là một nguồn động lực thứ hai, mạnh mẽ không kém góp phần kiến tạo nên một dân tộc.

Giống một bản đại hợp xướng được viết bằng hai bè, một dữ dội của những trận đánh, sức mạnh và sự khủng bố, một đầy trữ tình và sâu sắc của tình yêu tự do, truyền thống văn hóa du mục, thái độ trân trọng những giá trị truyền thống được lưu truyền qua các thế hệ, Dân du mục, có thể nói là bản hùng ca về sự kiến tạo của một dân tộc.

Đó là cuộc hành trình đầy máu và nước mắt để đi qua bạo lực, để biến bạo lực từ động lực cơ bản và phương tiện duy nhất để duy trì liên kết cộng đồng đến một trạng thái vượt lên bạo lực, cố kết cộng đồng bằng những giá trị văn hóa.

Ở phương diện đó, hoàn toàn có thể coi Dân du mục như “Thánh-thư phúc-âm” của một dân tộc khi nó chứa đựng niềm tin, những giá trị được hy sinh, tình yêu và cả những vẻ đẹp được kết tụ lại trong lịch sử và lưu truyền qua các thế hệ. Cuốn sách, chính vì thế, không chỉ là chìa khóa để hiểu một dân tộc mà còn là cánh cửa để “đi vào” một thế giới rộng lớn những dân tộc Trung Á với tinh thần bất khuất, khát vọng tự do và một lịch sử đầy máu và nước mắt.

PGS.TS Phạm Xuân Thạch

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thanh-thu-cua-dan-du-muc-post1433099.html