Thanh toán điện tử: Xu hướng chung, nhưng 'con dao hai lưỡi'

Thay vì sử dụng tiền mặt, người dân tại nhiều quốc gia đang chuyển sang hình thức thanh toán điện tử, tiện lợi trong giao dịch và mua sắm. Một xã hội không dùng tiền mặt đang trở thành mô hình mà nhiều quốc gia hướng tới.

Khi tiền mặt... hết đất dụng

Trong một nhà thờ ở Thụy Điển, tài khoản của nhà thờ hiện ra trên màn hình lớn. Các tín đồ sử dụng điện thoại để kích hoạt ứng dụng thanh toán điện tử và quyên góp tiền vào tài khoản. Tại trạm xe buýt và tàu điện ngầm ở thủ đô Stockholm, hành khách quẹt thẻ để mua vé. Những người vô gia cư bán báo dạo cũng được trang bị máy quẹt thẻ. Các tấm biển cho biết cửa hàng không chấp nhận tiền mặt và khách có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng... Đó là những hình ảnh không hiếm gặp ở Thụy Điển-quốc gia có đến 80% những giao dịch mua bán được thanh toán thông qua thẻ hoặc ứng dụng trên di động.

"Tiền mặt vẫn là thứ vô cùng quan trọng trong thanh toán ở nhiều quốc gia, nhưng nó sẽ biến mất tại Thụy Điển", Niklas Arvidsson tới từ Tổ chức Công nghệ Hoàng gia Stockholm cho biết. Thực tế Thụy Điển đã đặt mục tiêu hướng tới một xã hội không dùng tiền mặt đầu tiên trên thế giới và hàng loạt quốc gia châu Âu, như Na Uy, Đan Mạch hay Phần Lan cũng đang tiến rất nhanh trên con đường trở thành cộng đồng không tiền mặt.

Người bán rong trên đường phố thủ đô Stockholm cũng nhận thanh toán qua thẻ tín dụng. Ảnh: Getty Images

Hiện trên thế giới đã có khoảng 19 tỷ chiếc thẻ ngân hàng các loại đang được lưu hành. Theo báo cáo của MasterCard, nhờ giao dịch thẻ, các quốc gia tiết kiệm được 1% trên GDP so với những chi phí bỏ ra khi giao dịch hoàn toàn bằng tiền mặt.

Thanh toán qua điện thoại “lên ngôi”

Cùng với sự phát triển công nghệ, một kỷ nguyên thanh toán mới cũng bắt đầu khi mà mọi giao dịch được thực hiện chỉ với chiếc điện thoại thông minh. Những ứng dụng thanh toán trên điện thoại gần đây “nở rộ” tại Trung Quốc. Hiện có khoảng 68% người dân Trung Quốc sử dụng ứng dụng thanh toán trên di động để thực hiện các giao dịch, với mức tăng trưởng lên tới hơn 30%/năm. Thanh toán điện tử phổ biến ở Trung Quốc tới mức nếu đến đám cưới mà quên phong bì, khách mời cũng có thể dùng điện thoại quét mã QR để chuyển tiền mừng.

Tại Mỹ, nhiều chi nhánh của chuỗi nhà hàng Sweetgreen đã không còn chấp nhận tiền mặt, bao gồm cả chi nhánh ở phố Wall. "Tôi rất ngạc nhiên", Persephone Zill, một cư dân New York, nói. "Tôi nghĩ điều này là do những người trẻ tuổi ở phố Wall đang sử dụng ứng dụng trên điện thoại thông minh như Apple Pay để chi trả. Con gái tôi dùng ứng dụng Venmo cho tất cả mọi thứ. Nó làm tôi cảm thấy già cả và lạc hậu".

Sự phát triển của công nghệ điện thoại di động cũng làm các ngân hàng ở châu Phi bắt đầu xa lánh tiền mặt. Tại Kenya và Tanzania, hệ thống ngân hàng di động M-Pesa giúp hàng triệu người chi trả, mua gia súc hay thậm chí trả tiền đi chợ bằng điện thoại di động.

"Con dao hai lưỡi"

Không ai có thể phủ nhận những lợi ích của thanh toán điện tử như giao dịch vô cùng dễ dàng và tiện lợi, tiết kiệm chi phí hơn nhiều khi sử dụng tiền giấy, giải quyết phần nào các vấn đề liên quan tới nạn rửa tiền và các tổ chức tội phạm mà hầu hết chúng chỉ có thể sử dụng tiền mặt... Tuy nhiên, nhiều người, kể cả cha đẻ của iZettle (hãng sản xuất đầu đọc thẻ thanh toán trên điện thoại và máy tính bảng)-ông Jacob de Greer cũng tự hỏi liệu hệ thống thanh toán hoàn toàn được số hóa, với tất cả giao dịch được ghi lại, có phải là mối đe dọa với quyền riêng tư hay không, khi những vụ tin tặc đánh cắp dữ liệu xảy ra như cơm bữa và các trường hợp lừa đảo qua mạng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua. Số khác lại bày tỏ lo ngại về sự phân hóa trong xã hội khi một bộ phận không nhỏ công dân lớn tuổi vẫn sử dụng tiền mặt. Trong khi, những thanh niên quen với việc dùng ứng dụng điện thoại để thanh toán hàng hóa hay vay tiền có nguy cơ mắc nợ cao khi không kiểm soát được chi tiêu.

Đó là chưa kể sự sinh sôi nảy nở của những đồng “tiền ảo” thời gian gần đây được các chuyên gia lo ngại có thể trở thành công cụ cho tội phạm, như: Rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch và thanh toán tài sản phi pháp. “Vô số nguy cơ xuất hiện khi xã hội bắt đầu bước vào thời đại không tiền mặt”, Bjorn Eriksson, cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Thụy Điển và từng giữ chức Chủ tịch Interpol, bình luận. Và với những lý do này, thanh toán điện tử dễ dàng trở thành con dao hai lưỡi nếu thiếu sự kiểm soát đúng đắn.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/thanh-toan-dien-tu-xu-huong-chung-nhung-con-dao-hai-luoi-517719