Thanh toán không dùng tiền mặt đẩy lùi nạn kinh doanh hóa đơn trái phép

'Nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt, vì thế phải đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa ' - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết trong phiên chất vấn chiều 31/10.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt sẽ góp phần đẩy lùi thực trạng kinh doanh hóa đơn trái phép

Đại biểu Bùi Thu Hằng (Hòa Bình) chất vấn về tình trạng kinh doanh không xuất hóa đơn VAT vẫn phổ biến, dẫn tới người tiêu dùng chịu thiệt, Nhà nước thất thu. Giải pháp của Bộ Tài chính như thế nào?

Trả lời chất vấn về tình trạng này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói Bộ đã cùng cơ quan công an "phát hiện không ít vụ việc cá nhân lập doanh nghiệp ma, lợi dụng buôn bán hóa đơn; ngoài ra còn tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, kê khai, nộp thuế".

"Nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt, vì thế phải đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt hơn nữa, sẽ góp phần đẩy lùi thực trạng này" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Về thể chế, Chính phủ đã ban hành Nghị định 51/2010 quy định hóa đơn cung ứng hàng hóa dịch vụ và Nghị định 109/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý giá phí, lệ phí và hóa đơn… Bộ cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 119/2018 quy định về hóa đơn điện tử….

Về giải pháp khắc phục tình trạng mua bán không xuất hóa đơn, Bộ trưởng cho biết, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra; Bộ cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân về việc mua hàng hóa phải được cung cấp hóa đơn…

Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, hóa đơn điện tử.

Liên quan tới tình trạng nhiều doanh nghiệp Nhà nước không đấu giá đất trước cổ phần hóa, gây thất thoát vốn Nhà nước, đại biểu Quách Thế Tản chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước năm 2011 quy định đất thuê trả tiền hàng năm phải tính giá trị vị trí địa lý và giá trị doanh nghiệp; sau năm 2013 đã điều chỉnh lại sát với thị trường và doanh nghiệp phải nộp ngân sách phần chênh lệch.

"Việc quản lý đất đai doanh nghiệp ở địa phương thuộc về tỉnh, thực tế nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách đất đai của Nhà nước, không thu hồi và không thực hiện đấu giá theo quy định Luật Đất đai" – Bộ trưởng nói. Theo ông, từ đầu năm 2018, giá trị đất của doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp chuyển đổi mục đích phải thu hồi đấu giá theo quy định.

Theo đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt bởi Thủ tướng Chính phủ, cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt.

Mục tiêu tổng thể của kế hoạch này là 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và các cơ sở phân phối hiện đại có thể chấp nhận thiết bị thẻ. Bên cạnh đó, kế hoạch này sẽ tập trung phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn, vùng xa, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng lên ít nhất 70% vào cuối năm 2020.

Diệp Anh

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/thanh-toan-khong-dung-tien-mat-day-lui-nan-kinh-doanh-hoa-don-trai-phep-138911.html