Thanh tra 4 trường đại học

Từ ngày 1/8, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành thanh tra 4 trường đại học (ĐH) về công tác tuyển sinh năm 2019.

4 trường nằm trong diện thanh tra lần này là: ĐH Nội vụ Hà Nội, ĐH Lâm nghiệp, ĐH Hùng Vương TP Hồ Chí Minh và ĐH Bạc Liêu.

Thời gian thanh tra sẽ kéo dài trong vòng 30 ngày.

Nội dung được đoàn tập trung thanh tra là việc đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tuyển sinh; thực hiện, xây dựng và công khai về đề án tuyển sinh; xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh...

Mùa tuyển sinh năm 2019 đang bước vào giai đoạn "cao điểm", điều khiến dư luận lo lắng là điểm sàn "đầu vào" được các trường ĐH đưa ra ở mức rất thấp. Nhiều trường ĐH công bố điểm sàn dựa trên kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2019 chỉ từ 12-13 điểm/3 môn thuộc các tổ hợp xét tuyển (bao gồm cả điểm ưu tiên).

Điển hình trong số đó là ĐH Nội vụ (cơ sở Hà Nội), hàng loạt ngành xét tuyển điểm sàn 13 như Thông tin - Thư viện và chuyên ngành Chính sách công; Lưu trữ học; Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước; tại phân hiệu ở tỉnh Quảng Nam, điểm sàn xét tuyển còn thấp hơn, có ngành chỉ 12 điểm.

Hay ĐH Bạc Liêu thông báo nhận hồ sơ từ 13 điểm trở lên với tất cả ngành không thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Riêng ngành Chăn nuôi và Bảo vệ thực vật là 12 điểm. Điểm sàn hệ cao đẳng của trường này cũng chỉ ở mức 10 điểm cho tất cả các tổ hợp, đã bao gồm điểm ưu tiên.

Như vậy, nếu được cộng điểm ưu tiên, thí sinh chưa cần 4 điểm/môn đã có cơ hội xét tuyển ĐH chính quy.

Sau khi báo chí phản ánh, một số trường ĐH đã điều chỉnh mức điểm sàn tăng cao hơn, nhưng vẫn ở mức rất khiêm tốn. ĐH Đà Nẵng, phân hiệu tại Kon Tum, thông báo điều chỉnh điểm sàn năm 2019 theo kết quả thi THPT quốc gia 2019 lên 14 điểm với tất cả các chuyên ngành, thay vì 12,5 như đã thông báo trước đó. ĐH Đồng Tháp tăng điểm nhận hồ sơ lên thành 14 điểm, trước đó trường này công bố là 13 điểm.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, điểm "đầu vào" ảnh hưởng đến chất lượng "đầu ra". GS Nguyễn Hữu Tú - Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội nêu quan điểm: Điểm “đầu vào” không quyết định tất cả, nhưng là tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng “đầu ra”. Trong quá trình đào tạo thực tế ở Trường ĐH Y Hà Nội, nhiều chuyên ngành khác nhau có điểm đầu vào từ cao nhất đến thấp hơn và thấp nhất cách nhau gần 10 điểm, chúng tôi nhận thấy năng lực của các bạn sinh viên cũng rất chênh lệch nhau. Chính vì vậy, chúng ta cần tôn trọng năng lực “đầu vào”.

Hải Hà

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thanh-tra-4-truong-dai-hoc_t114c8n152095