Thanh tra chuyên ngành NN-PTNT phát hiện nhiều hình thức vi phạm mới

Mới đây, tại TP.HCM, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác thanh tra chuyên ngành NN-PTNT năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019.

* Cảnh báo nạn bơm tạp chất vào tôm lan tràn ra phía Bắc

Thông tin tại hội nghị cho thấy vi phạm trong nhiều lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp, đồng thời xuất hiện một số thủ đoạn, hành vi vi phạm mới.

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho các đơn vị có thành tích xuất sắc về thanh tra chuyên ngành NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy

Theo Thanh tra Bộ NN-PTNT, công tác thanh tra chuyên ngành trong thời gian qua đã phát hiện một số vi phạm mới. Điển hình như việc việc sử dụng hóa chất công nghiệp Cyanuric acid, Ammelide và Dicyandiamide trong TĂCN nhằm tăng độ đạm (đạm giả) và tăng thời gian bảo quản TĂCN. Dùng hóa chất này không có tác dụng về mặt dinh dưỡng đối với vật nuôi và gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng (gây các bệnh về thận). Thanh tra Bộ đã kiến nghị Bộ giao các đơn vị chuyên môn làm rõ tác hại của các hóa chất này và giao Cục Chăn nuôi, Tổng cục Thủy sản xem xét đưa chất này vào danh mục cấm sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã phát hiện hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng đạm urê trộn với bã hèm bia để tạo đạm giả trong TĂCN. Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành 1 (Thanh tra Bộ NN-PTNT), cho biết, việc trộn đạm urê với bã hèm bia để tạo đạm giả trong TĂCN cho lợn, gà, thủy cầm, đã có từ trước, và rộ lên khi giá các loại nguyên liệu như bột cá, bột thịt xương tăng. Dùng urê làm đạm giả không những không có tác dụng gì trong việc kích thích sinh trưởng đối với vật nuôi, mà ngược lại, còn gây triệu chứng urê huyết, ảnh hưởng xấu tới vật nuôi như gà, vịt không thay lông khi đến kỳ; gà, vịt đang đẻ thì bị tịt đẻ... Nhưng do chu kỳ nuôi của gà, vịt khá ngắn nên nông dân không phát hiện ra. Bên cạnh đó, theo Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Viện Chăn nuôi, urê tồn dư trong thịt của lợn, gà, thủy cầm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, nhất là người già, trẻ em...

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thú y tới thời điểm hiện tại, việc sử dụng chất cấm kích thích tăng trưởng Salbutamol, Cysteamine, hóa chất công nghiệp Vàng-O cơ bản được chấm dứt và đẩy lùi trên phạm vi cả nước. Việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi tiêm thuốc an thần vào heo trước khi giết mổ do Thanh tra Bộ phát động, đã phát huy hiệu quả. Từ tháng 10 đến nay, các tỉnh, TP đã tiến hành 60 lượt kiểm tra và không phát hiện thêm trường hợp vi phạm nào.

Trong lĩnh vực BVTV, Thanh tra Bộ và Cục BVTV đã phát hiện một loại vi phạm mới là thêm hoạt chất không được phép lưu hành ở Việt Nam vào thuốc BVTV nhằm tăng thêm độc lực cho thuốc đối với sâu, bệnh hại.

Một số vi phạm mới mà Thanh tra Bộ và các đơn vị liên quan đã tiến hành thanh tra, làm rõ như trộn vỏ cà phê, sỏi nhỏ với lõi pin để trộn vào hồ tiêu, hay ớt bột nhiễm Aflatoxin...

Bên cạnh đó, nhiều hình thức vi phạm cũ vẫn còn diễn biến phức tạp và bị phát hiện, xử phạt nhiều qua thanh tra chuyên ngành, như: bơm tạp chất vào tôm, kinh doanh kháng sinh sai mục đích “phục vụ cho nuôi thủy sản”; sản xuất thuốc thú y kém chất lượng, không tuân thủ quy trình GMP; buôn bán thuốc BVTV ngoài danh mục...

Riêng về hành vi bơm tạp chất vào tôm, theo ông Hà Văn Buôi, Chánh Thanh tra Sở NN-PTNT Bạc Liêu, trong năm 2018, các cơ quan chức năng tỉnh này đã phát hiện 150 vụ tôm có bơm tạp chất, khối lượng tôm vi phạm là trên 20 tấn.

Các hành vi vi phạm chủ yếu, gồm: tổ chức bơm chích tạp chất; thu gom tôm có chứa tạp chất; vận chuyển tôm có chứa tạp chất. Các cơ quan chức năng đã ban hành các quyết định xử phạt với số tiền trên 6 tỷ đồng.

Như vậy, mục tiêu đề ra là đến hết năm 2018 cơ bản chấm dứt nạn bơm chích tạp chất vào tôm ở Bạc Liêu, đã chưa thể thành hiện thực.

Không những thế, bơm chích tạp chất vào tôm đã lan ra cả các tỉnh, TP phía Bắc như Thanh Hóa và Hà Nội. Trong năm qua, Thanh tra Bộ phối hợp với NAFIQAD và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, tiến hành thanh tra đột xuất về sản xuất, kinh doanh tôm bơm tạp chất tại cơ sở thu gom và chế biến tôm trên địa bàn Hà Nội, Thanh Hóa. Qua thanh tra đã phát hiện và xử lý các hành vi bơm, mua bán, vận chuyển tôm có chứa tạp chất, xử phạt 3 đơn vị với số tiền 130 triệu đồng. Tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 cơ sở kinh doanh tôm bơm tạp chất là 60 triệu đồng.

Một vụ bơm tạp chất vào tôm bị bắt quả tang

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn

Công tác thanh tra chuyên ngành NN-PTNT trong những năm qua đã góp phần quan trọng làm tăng chất lượng đầu vào và sản phẩm đầu ra trong sản xuất nông sản, thực phẩm. Vì vậy, đã góp phần làm tăng trưởng giá trị XK của ngành nông nghiệp, mà năm nay chắc chắn sẽ vượt trên 40 tỷ USD.

Phát huy những thành quả đã đạt được, các đơn vị thanh tra chuyên ngành NN-PTNT, từ Thanh tra Bộ, Thanh tra các Cục quản lý chuyên ngành, tới thanh tra các Sở cần rà soát ngay kế hoạch thanh tra sắp tới, tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, tăng cường thanh tra chuyên ngành trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong năm 2019, phải làm mạnh mẽ hơn công việc củng cố lại tổ chức của thanh tra chuyên ngành NN-PTNT theo hướng nâng cao năng lực gắn với cải cách hành chính.

Năm 2018, lực lượng thanh tra chuyên ngành NN-PTNT cả nước đã tiến hành 16.313 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 85.459 đối tượng; phát hiện 12.118 đối tượng có hành vi vi phạm; đã ban hành 11.145 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 93,793 tỷ đồng.

Trong đó, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã thực hiện 29 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành (2 cuộc theo kế hoạch, 27 cuộc đột xuất) về các lĩnh vực: ATTP; quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp; hoạt động kiểm dịch động, thực vật; chứng nhận chất lượng sản phẩm hàng hóa. Thanh tra Bộ đã ban hành 114 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 4,185 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật.

Các Tổng cục, Cục thuộc Bộ đã thực hiện 114 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 927 đối tượng, đã ban hành 239 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 4,666 tỷ đồng. Các lĩnh vực xử phạt nhiều là chăn nuôi, BVTV, thủy sản, thủy lợi.

Thanh tra các Sở NN-PTNT và các Chi cục thuộc các Sở đã tiến hành 16.170 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 84.532 đối tượng, phát hiện 11.750 đối tượng có hành vi vi phạm; đã ban hành 10.792 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền xử phạt là 84,942 tỷ đồng. Các địa phương xử phạt vi phạm hành chính nhiều là Kiên Giang, Nghệ An, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên, Hà Nội, Bạc Liêu, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Bình Dương, An Giang, TP HCM, Tiền Giang…

THANH SƠN - Nguyễn Thủy

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/thanh-tra-chuyen-nganh-nn-ptnt-phat-hien-nhieu-hinh-thuc-vi-pham-moi-post233509.html