Thanh tra chuyên ngành và kiểm tra là công cụ không thể thiếu trong quản lý Nhà nước

Đó là nhận định của TS. Tạ Thu Thủy, Phó trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra (CL&KHTT) tại hội thảo góp ý cho đề tài khoa học 'Thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước (QLNN) – quy định pháp luật và thực tiễn thi hành'.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TH

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: TH

Mục tiêu cụ thể đưa ra trong đề tài là làm rõ những vấn đề chung về thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan QLNN như: Quan niệm, đặc điểm, vai trò của thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong hoạt động QLNN; những yếu tố tác động đến hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong cơ quan QLNN; phân tích, làm rõ quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan QLNN: Kết quả đạt được; những tồn tại, bất cập và nguyên nhân.

Đồng thời, đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan QLNN.

Có thể nói, hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra đều là công cụ không thể thiếu phục vụ yêu cầu QLNN trong ngành, lĩnh vực. Hoạt động QLNN ở mỗi ngành có những đặc thù riêng do đặc điểm, tính chất của từng ngành, lĩnh vực quy định.

Bản chất của thanh tra chuyên ngành chính là một loại hình hoạt động kiểm tra và ngược lại, các thao tác kiểm tra lại tồn tại một loại hình hoạt động kiểm tra và ngược lại, các thao tác kiểm tra lại tồn tại trong chính các thủ tục cụ thể của hoạt động thanh tra chuyên ngành. Do đó, giữa hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi và có nhiều điểm giao thoa nhau. Đều là những công cụ quan trọng, thực hiện chức năng chung của QLNN, là hoạt động mang tính chất phản hồi của “chu trình quản lý”.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài có kết cấu làm 3 Chương: Chương 1. Một số vấn đề chung về thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan QLNN; Chương 2: Quy định pháp luật và thực tiễn thực hiện thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong hoạt động QLNN; Chương 3: Định hướng, giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong hoạt động QLNN.

Góp ý tại hội thảo, ông Cung Phi Hùng, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT, Ban chủ nhiệm đề tài viết rất tốt và rõ ràng, tuy nhiên, cần điều chỉnh lại một số nội dung cho “xứng tầm”.

Trong phần mục tiêu chung chính, nội dung kiến nghị Ban chủ nhiệm đề tài nên cho xuống phần kiến nghị của đề tài.

Để giải quyết ba mục tiêu chính là đề xuất các giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực hiện thanh tra chuyên ngành và kiểm tra của cơ quan QLNN, thì Chương 1 bắt buộc phải có khái niệm về thanh tra, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

Phần 1.2 của Chương I về đặc điểm thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong hoạt động QLNN, Ban chủ nhiệm đề tài phải làm rõ những nhiệm vụ cần phải giải quyết, ở nhiệm vụ này đã có công trình khoa học nào giải quyết chưa? Sau đó, tác giả khẳng định những nhiệm vụ đề tài sẽ giải quyết.

Trong Chương 2 về thực trạng các quy định pháp luật và thực tiễn đã khá đầy đủ, cần sắp xếp lại cho khoa học hơn là hoàn chỉnh. Ban chủ nhiệm cần quan tâm 3 đánh giá về thực trạng hoạt động thanh tra; thực trạng hoạt động của kiểm tra và sự chồng chéo trong hoạt động kiểm tra.

“Trong phần giải pháp, sau khi đã có đánh giá, Ban chủ nhiệm đề tài cần đưa các giải pháp: Hoàn thiện về pháp luật thanh tra chuyên ngành; nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra chuyên ngành và của công tác kiểm tra; giải pháp giải quyết/ khắc phục những chồng chéo của thanh tra chuyên ngành và kiểm tra”, ông Cung Phi Hùng nhấn mạnh.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện CL&KHTT chia sẻ, đề tài đưa nội dung về thanh tra, kiểm tra ở Việt Nam, tuy nhiên, Ban chủ nhiệm cần nhìn rộng ra thế giới, có nhiều nước không hề có thanh tra, kiểm tra. Về Việt Nam, khi làm về thanh tra, nên tập trung thanh tra phải gắn với một thiết chế thì mới có thanh tra, nhưng kiểm tra không cần phải gắn với thiết chế vì kiểm tra gắn với nghiệp vụ, kỹ thuật. Ban chủ nhiệm nên phát triển đề tài theo hướng kiểm tra, giám sát hành chính Nhà nước; liên quan tới phạm vi, thanh tra phải gắn với việc sơ hở chính sách.

Còn bà Lê Thị Thúy, Trưởng phòng Quản lý khoa học thì cho rằng, phần lý luận cần gia tăng và làm rõ ràng hơn vấn đề của đề tài. Bên cạnh đó, đề tài cần phân tích rõ và nêu ra những bất cập trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, Ban chủ nhiệm cần có cách thức, đề xuất để hoàn thiện trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/thanh-tra-chuyen-nganh-va-kiem-tra-la-cong-cu-khong-the-thieu-trong-quan-ly-nha-nuoc_t114c1059n157872