Thanh tra giao thông không được tuần tra, xử lý vi phạm trên đường

Dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6; đã chỉnh sửa nội dung 82 điều, bỏ 7 điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 điều.

Sáng 21/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành thảo luận.

Quy định chương riêng về đường cao tốc

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, dự thảo Luật Đường bộ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 7 có 86 điều, giảm 6 điều so với dự thảo luật Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 6; đã chỉnh sửa nội dung 82 điều, bỏ 7 điều, đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới, sắp xếp lại vị trí 3 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh cho biết, về đường bộ cao tốc, tuy đường cao tốc là cấp kỹ thuật của đường bộ, nhưng có những yêu cầu riêng về đầu tư, xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và hoạt động quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì. “Do đó, việc xây dựng một chương riêng nhằm cụ thể hóa những nội dung này để bảo đảm cơ sở pháp lý, tính khả thi cho hoạt động đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì đường cao tốc” - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nêu rõ.

Đối với quy định về mở rộng, nâng cấp đường cao tốc, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý để thống nhất với quy định của pháp luật về xây dựng, đầu tư công, đầu tư theo phương thức đối tác công tư… và phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý thu hút nguồn lực tài chính cho hoạt động đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường bộ hiện hành thành đường cao tốc hoặc các tuyến đường cao tốc được đầu tư theo quy mô phân kỳ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Về hoạt động vận tải, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã cho chỉnh lý các quy định tại chương IV theo hướng rà soát, bảo đảm thống nhất với quy định của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, chỉ tập trung quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, trách nhiệm của các chủ thể trong hoạt động kinh doanh vận tải và các dịch vụ hỗ trợ hoạt động vận tải đường bộ.

Đối với ý kiến đề nghị quy định Thanh tra đường bộ được dừng phương tiện để xử lý, để bảo đảm thống nhất, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa lực lượng CSGT và lực lượng Thanh tra đường bộ, tránh phiền hà cho người tham gia giao thông khi có nhiều lực lượng có thẩm quyền xử lý vi phạm trên đường bộ. Dự thảo Luật Đường bộ quy định theo hướng Thanh tra đường bộ thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, không thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường, chỉ xử lý trách nhiệm thông qua các điểm giao thông "tĩnh", qua cơ sở dữ liệu. Việc tuần tra, xử lý trên đường do lực lượng CSGT thực hiện.

Về hiệu lực thi hành, căn cứ đề nghị của cơ quan soạn thảo, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, chỉnh lý và đề nghị Quốc hội cho bổ sung khoản 2 Điều 85 dự thảo luật, theo đó các quy định liên quan đến việc thu phí sử dụng đường cao tốc sẽ có hiệu lực từ ngày 1/10/2024 để kịp thời tổ chức triển khai hoạt động thu phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của luật này.

Kiến nghị tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe qua nền tảng trực tuyến

Góp ý về loại hình kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) cho rằng, việc quy định đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký hợp đồng vận tải hành khách với người thuê vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe, nghĩa là mỗi chuyến xe hợp đồng chỉ được chở một hành khách hoặc một nhóm khách duy nhất để nhằm ngăn chặn tình trạng núp bóng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. “Tuy nhiên, việc này vô tình hạn chế một loại hình vận tải hành khách phổ biến ở nhiều quốc gia khác, đó là mô hình chia sẻ chuyến xe hợp đồng dưới 10 chỗ thông qua các nền tảng gọi xe trực tuyến”, đại biểu băn khoăn, đồng thời đề nghị điều chỉnh khoản 10 Điều 56 theo hướng vừa kiểm soát tình trạng “xe dù, bến cóc”, nhưng vẫn tạo điều kiện cho dịch vụ chia sẻ chuyến xe dưới 10 chỗ hoạt động.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) đóng góp ý kiến.

Đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn tỉnh Điện Biên) đóng góp ý kiến.

Cũng góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cũng lo ngại, quy định hiện như trong dự thảo luật sẽ dẫn đến không còn mô hình chia sẻ xe ô tô con dưới 10 chỗ, bao gồm cả hợp đồng giấy, hợp đồng điện tử qua nền tảng gọi xe trực tuyến. Việc chia sẻ xe cho phép một chuyến xe hợp đồng được chở khách độc lập miễn là có cùng cung đường di chuyển, các hành khách đồng ý ghép để tối ưu hóa quãng đường, chi phí.

“Dịch vụ này đang được các đơn vị vận tải thực hiện bằng việc ghép chung các chuyến đi theo lộ trình cố định khi di chuyển liên tỉnh và được người tiêu dùng đón nhận” - đại biểu nêu và đề nghị chỉnh lý điểm này theo hướng quy định chỉ có ô tô khách mới phải thực hiện hợp đồng vận tải có nhu cầu thuê cả chuyến xe bao gồm người lái. Còn loại xe chở người không phải ô tô khách thì chỉ cần hợp đồng bằng giấy hoặc điện tử mà không giới hạn về việc thuê cả chuyến hay không để tạo điều kiện triển khai luật trên thực tế.

Cũng nói về kinh doanh vận tải hành khách, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) góp ý về quy định đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, đại lý bán vé không được phép tổ chức đưa đón - trả khách tại địa điểm kinh doanh dịch vụ, đại lý bán vé, trừ trường hợp đại lý nằm ở bến xe.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) kiến nghị ngăn chặn bến cóc, xe dù.

Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) kiến nghị ngăn chặn bến cóc, xe dù.

Đại biểu cho biết, thực tế việc thực thi chưa thực sự nghiêm minh, vẫn xảy ra tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải, đại lý bán vé tổ chức đón tại nơi bán vé, nhất là ở những nơi có bến xe cách xa trung tâm. Từ đó, tạo ra tình trạng giao thông lộn xộn, mất an toàn. Đại biểu đề nghị cần có quy định rõ ràng ở khoản này, đề cao việc tổ chức, thực thi và cần có chế tài nghiêm minh vì thực tế vận tải hành khách theo hợp đồng đang hoạt động như vận tải tuyến cố định, cũng chở khách hàng ngay cùng một điểm đến và điểm đi. Việc này đã tác động tiêu cực, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị vận tải, tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT. Do đó, luật cần quy định chặt chẽ hơn với hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Đề nghị đưa phí nội đô vào luật

Nhất trí cao với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) góp ý thêm về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ và phí sử dụng đường bộ. Theo đại biểu, quy định về quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng trong dự thảo là quá chi tiết, có một số nội dung chưa sát thực tế, có những nội dung không phù hợp với xu thế tương lai. Theo đại biểu Nguyễn Phương Thủy, UBTVQH đã có điều chỉnh về tỷ lệ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ tương tự ở mức được quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đây là mức để đánh giá phân loại với đô thị mới thành lập, hoặc trường hợp cần đánh giá lại đô thị hiện hữu chứ không phải mức tất cả đô thị phải đạt ngay. Thực tế ngay cả đô thị lớn như TP Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ đất cho kết cấu giao thông mới chỉ 13%.

"Việc quy định cụ thể tỷ lệ đất dành cho giao thông như mức dự kiến trong dự thảo Luật để áp dụng ngay với tất cả các đô thị bao gồm cả hiện hữu và hình thành mới là không công bằng. Trong khi đó, nếu không kèm theo chế tài để xử lý thì không khả thi", đại biểu nói và cho rằng, đất đô thị ngày càng có giá, chi phí ngày càng đắt đỏ.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) kiến nghị thu phí ô tô cá nhân vào nội đô

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (đoàn Hà Nội) kiến nghị thu phí ô tô cá nhân vào nội đô

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy lấy dẫn chứng hiện nay TP Hà Nội dự kiến mở rộng đường Láng - Ngã Tư Sở cần gần 5.000 tỷ/1km đường. Bên cạnh đó công tác thu hồi đất, lập dự án phát triển đường đô thị hiện nay cũng khó khăn nên các đô thị không thể phát triển mãi theo hướng xây mới mà cần tập trung vào tổ chức giao thông hiệu quả, hạn chế phương tiện cá nhân, phát triển giao thông đa tầng khối lượng lớn.

Hiện đã có chục tỉnh thành dự kiến quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị, tàu chạy ngầm và tàu trên cao. Nếu quy hoạch hiệu quả thì diện tích đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ trong đô thị không nhất thiết phải giữ ở mức cao, có thể sử dụng cho các mục đích khác hiệu quả hơn. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định quá chi tiết về tỷ lệ đất dành cho kết cấu của từng loại đô thị, chỉ cần ghi phù hợp với tiêu chuẩn và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, cảnh quan của loại đô thị tương ứng để đảm bảo tính tương ứng.

Về các loại phí sử dụng đường bộ, đại biểu nhất trí với sửa đổi bổ sung và nội dung giải trình nhưng đề nghị cân nhắc bổ sung phí giao thông nội đô áp dụng với ô tô cá nhân vào một số khu vực đô thị trong khung thời gian nhất định. Như vậy để hạn chế phương tiện cá nhân phát triển quá mức, giảm tắc nghẽn, mặt khác bổ sung nguồn thu cho Nhà nước để phát triển kết cấu giao thông đường bộ, giao thông công cộng.

“Hiện có 5 tỉnh, thành được thí điểm áp dụng thu các loại phí chưa được quy định trong luật và một số thành phố như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã tiến hành đề án thu phí nội đô, phí kẹt xe nhưng vì chưa có luật quy định nên việc áp dụng còn dè dặt. Do đó, đề nghị bổ sung loại phí này vào Luật Đường bộ, các pháp luật về phí và giao HĐND cấp tỉnh quy định về phạm vi địa bàn, đối tượng áp dụng” - đại biểu kiến nghị.

Khuyến khích lập dự án giao thông gắn với tạo quỹ đất sạch hai bên đường

Nói về đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung 1 điều quy định mang tính nguyên tắc là: Nhà nước có trách nhiệm khuyến khích, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân tự nguyện bỏ vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ. “Đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện để đảm bảo tinh thần khuyến khích, tính chủ động, trách nhiệm phục vụ, hỗ trợ và giải trình của Nhà nước khi tiếp nhận các đề xuất của các tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn để đầu tư” - đại biểu đề xuất.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị bổ sung quy định khuyến khích việc lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông gắn với việc thực hiện các dự án tạo quỹ đất sạch 2 bên đường để đấu giá, cân đối nguồn vốn trong cùng 1 dự án. Ví dụ, một tuyến đường cần đầu tư mà quy hoạch 2 bên đường hiện có quy hoạch các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp (thuộc diện trường hợp Nhà nước thu hồi đất) thì khuyến khích việc lập dự án tổng thể đầu tư xây dựng tuyến đường gắn với dự án tạo quỹ đất sạch để đấu giá, đảm bảo cân đối được nguồn vốn trong cùng dự án.

“Với cách làm trên, chúng ta sẽ không thiếu nguồn lực để làm giao thông, phát huy được hình thức đấu giá đất sạch, tăng công khai, minh bạch, phòng ngừa rủi ro tiêu cực. Quy định cụ thể sẽ giao Chính phủ” - đại biểu nêu.

Không để trùng lặp các chính sách giữa Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ

Đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đường bộ, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UBTVQH và đánh giá rất cao sự nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo cũng như là cơ quan thẩm tra đã chấp hành nghiêm ý kiến chỉ đạo của UBTVQH cũng như là tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội về dự thảo luật này. Trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc không để trùng lặp phạm vi điều chỉnh cũng như là nội dung các chính sách giữa dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật TTATGT đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị rà soát, không để trùng lặp các chính sách giữa dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật TTATGT đường bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) đề nghị rà soát, không để trùng lặp các chính sách giữa dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật TTATGT đường bộ.

Đề cập về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Thị Xuân thấy rằng, dự thảo luật đã liệt kê 6 hành vi bị cấm đối với hoạt động đường bộ. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài 6 hành vi bị cấm ở trong dự thảo luật thì có thể là có phát sinh thêm những hành vi bị cấm khác. Cho nên, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, để đảm bảo được tính ổn định lâu dài của văn bản, tránh quy định cứng nhắc, khó thực hiện và để phòng ngừa các vấn đề phát sinh thêm những hành vi cấm khác thì đề nghị Ban soạn thảo dự thảo luật nên nghiên cứu bổ sung một khoản quy định là các hành vi cấm khác theo quy định của pháp luật để cho phù hợp và có tính khả thi...

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/thanh-tra-giao-thong-khong-duoc-tuan-tra-xu-ly-vi-pham-tren-duong--i731866/